Câu hỏi: Khi thầy nói đến tâm, tôi không rõ thầy nói cái gì? Tôi không thể tìm thấy cái tâm.
Thiền sư S. N. Goenka: Nó ở khắp nơi, trong mọi nguyên tử. Ở bất cứ chỗ nào bạn cảm thấy gì là tâm ở đó. Tâm cảm nhận.
Vậy không phải thầy nói tâm để chỉ là trí óc đó sao?
Ồ, không, không, không. Ở Phương Tây này, bạn nghĩ tâm chỉ ở trong đầu. Đó là khái niệm sai lầm.
Vậy tâm là toàn bộ cơ thể?
Phải, toàn bộ cơ thể chứa đựng tâm, toàn bộ cơ thể!
Thầy nói đến kinh nghiệm về cái “ta” bằng ngôn từ tiêu cực. Nó không có một khía cạnh tích cực nào sao? Chẳng lẽ không có một kinh nghiệm nào về cái “ta” giúp con người tràn ngập sự hân hoan, bình an và vui mừng sao?
Nhờ hành thiền bạn sẽ thấy những khoái cảm đều vô thường; chúng đến rồi đi. Nếu cái “ta” thực sự hưởng thụ chúng, nếu chúng là những khoái lạc “của tôi”, thì tôi phải có quyền hạn đối với chúng. Nhưng chúng chợt đến rồi đi ngoài vòng kiểm soát của tôi. Có cái “ta” nào đâu?
Tôi không nói đến khoái cảm, mà nói đến một mức độ rất thâm sâu.
Ở mức độ đó, cái “ta” không quan trọng gì cả. Khi bạn đạt được tới mức độ đó cái “ta” không còn. Chỉ còn có sự an vui. Lúc đó vấn đề cái “ta” không còn đặt ra nữa.
Thay vì nói đến cái “ta”, chúng ta hãy nói đến kinh nghiệm của một người.
Sự cảm nhận cảm thấy; không có ai cảm nhận cả. Sự việc xảy ra, chỉ có thế thôi. Hiện nay đối với bạn dường như nhất thiết phải có một cái “ta” để cảm nhận, nhưng nếu bạn hành thiền, bạn sẽ đạt tới giai đoạn mà tự ngã tan biến đi. Lúc đó câu hỏi của bạn sẽ không còn nữa.
Tôi đến đây vì tôi cảm thấy “tôi” cần phải đến đây.
Đúng vậy. Theo quy ước, chúng ta không thể chối bỏ cái “tôi”, hay cái “của tôi”. Nhưng nếu bám vào chúng như là có thật thì chỉ đem lại khổ đau.
Tôi tự hỏi liệu có người nào làm ta đau khổ hay không?
Không có ai gây đau khổ cho bạn. Chính bạn gây khổ cho bạn bằng việc tạo ra những căng thẳng trong tâm. Nếu bạn biết cách không tạo ra những trạng thái như thế, bạn sẽ dễ dàng giữ được bình an và hạnh phúc trong mọi tình huống.
Vậy khi có ai đó hành động sai trái với chúng ta thì sao?
Bạn nhất thiết không được cho phép họ làm điều sai trái với bạn. Khi một người hành động sai trái, người đó gây tổn hại người khác và đồng thời làm hại bản thân mình. Nếu bạn để cho họ làm điều sai trái là bạn đang khuyến khích họ làm như vậy. Bạn phải hết sức ngăn chặn, nhưng chỉ với thiện ý, lòng từ bi, và sự thông cảm với người đó.
Nếu bạn hành động với sự thù ghét và tức giận, bạn chỉ làm cho tình thế rắc rối thêm. Trừ phi tâm bạn được bình an, nếu không bạn không thể có thiện ý đối với hạng người như thế được. Vì vậy, hành thiền để phát triển sự bình an trong bạn, và bạn có thể giải quyết được vấn đề.
Bài viết trích từ cuốn Nghệ Thuật Sống – The Art Of Living – Thiền Sư S.N. Goenka & William Hart. Xem toàn bộ nội dung cuốn sách tại đây.
AUDIOS CUỐN SÁCH NGHỆ THUẬT SỐNG