BÀI GIẢNG NGÀY THỨ HAI

Định nghĩa chung về ác và thiện

Ngày thứ hai đã qua. Mặc dầu ngày thứ hai có khá hơn ngày thứ nhất một chút, nhưng những khó khăn vẫn còn. Tâm còn nhiều bất an, bồn chồn, hoang dã như con bò rừng hay con voi rừng sẽ gây ra nhiều thiệt hại khi vào nơi cư ngụ của con người. Nếu một người khôn khéo thuần hóa và huấn luyện được con thú rừng, thì tất cả sức mạnh của nó, thay vì để phá hoại, sẽ bắt đầu phục vụ xã hội một cách hữu hiệu. Tương tự như thế, tâm trí mạnh hơn và nguy hiểm hơn voi rừng rất nhiều, nó cần phải được thuần hóa và huấn luyện; sau đó sức mạnh lớn lao của tâm trí sẽ bắt đầu phục vụ cho chúng ta. Nhưng chúng ta phải tu tập thật nhẫn nại, thật kiên trì và liên tục. Sự tu tập liên tục là bí quyết của thành công.

Chúng ta phải tự tu tập, không ai có thể tu tập thay cho ta. Với tất cả tình thương và lòng từ bi, một vị đã giác ngộ chỉ dạy cho ta con đường tu tập. Nhưng Ngài không thể cõng ta để đi đến mục đích cuối cùng. Chúng ta phải tự mình bước đi, tự mình chiến đấu, tự mình tu tập để giải thoát. Dĩ nhiên một khi ta bắt đầu tu tập, chúng ta sẽ nhận được rất nhiều sức mạnh hỗ trợ của Dhamma (Pháp lực), nhưng chúng ta phải tự mình tu tập. Chúng ta phải tự mình đi hết con đường.

Nên hiểu rõ con đường chúng ta đi theo là con đường gì. Đức Phật mô tả con đường này bằng những lời dạy giản dị:

Tránh làm mọi điều ác,

chỉ làm những điều lành,

thanh lọc tâm ý;

đó là lời dạy của Chư Phật.

Đây là đường lối chung được mọi người thuộc mọi thành phần, thuộc mọi chủng tộc và mọi quốc gia chấp nhận. Nhưng khi định nghĩa thế nào là thiện và thế nào là bất thiện thì lại có vấn đề. Khi tinh túy của Dhamma (Pháp) bị mất đi, Dhamma trở thành tông phái. Rồi mỗi tông phái đưa ra một định nghĩa khác nhau về thiện, chẳng hạn như bề ngoài phải như thế nào, hoặc phải cử hành những nghi lễ gì, hoặc phải tin vào một điều gì.

Tất cả chỉ là những định nghĩa mang tích cách tông phái, được một số người chấp nhận nhưng bị một số khác phủ nhận. Nhưng Dhamma đưa ra một định nghĩa chung về bất thiện và thiện. Bất cứ hành động nào làm hại người khác, quấy rối sự an lạc, hài hòa của người khác là bất thiện, là xấu ác. Bất cứ hành động nào giúp ích cho người khác, mang lại an lạc, hài hòa cho người khác là thiện, là lành.

Đây là một định nghĩa không theo tông phái nào mà chỉ dựa theo luật tự nhiên. Và theo luật tự nhiên, trước khi ta có thể làm những việc có hại cho người khác, tâm ta phải chất chứa những phiền não như nóng giận, sợ hãi, thù hận, … Và mỗi khi phát sinh phiền não trong tâm, ta trở nên khổ sở, ta sống trong địa ngục nội tâm.

Tương tự, ta không thể làm những việc giúp ích người khác nếu trước đó ta không phát sinh tình thương, lòng từ bi và thiện chí. Và ngay khi ta phát triển được phẩm chất tốt của một tâm thanh tịnh, ta bắt đầu hưởng được một thiên đường an lạc nội tâm. Khi ta giúp người khác, ta đồng thời cũng giúp ta; khi ta làm hại người khác, ta đồng thời làm hại chính ta. Đây là Dhamma, là chân lý, là quy luật – quy luật chung của tự nhiên.

 

Bài viết trích từ cuốn Tóm Lược Pháp Thoại Trong Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy. Tải cuốn sách file PDF tại đây.

 

AUDIOS CUỐN TÓM LƯỢC PHÁP THOẠI

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *