BÀI GIẢNG NGÀY THỨ BẢY
Tầm quan trọng của sự bình tâm đối với những cảm giác tinh tế cũng như thô thiển – sự ý thức liên tục (chánh niệm)
Bảy ngày đã qua, quý vị còn ba ngày nữa để tu tập. Hãy tận dụng ba ngày này bằng cách tu tập nhiệt thành và liên tục, hiểu rõ mình phải tu tập như thế nào.
Có hai phương diện trong phương pháp thiền: sự ý thức và sự bình tâm. Ta phải phát triển sự ý thức về mọi cảm giác nảy sinh trên khắp cơ thể, và đồng thời, ta phải giữ được sự bình tâm đối với các cảm giác. Bằng cách giữ được bình tâm, tự nhiên ta thấy rằng, không sớm thì muộn, nhiều cảm giác bắt đầu xuất hiện ở những chỗ trước đây còn mơ hồ, và những cảm giác thô thiển, nặng nề, khó chịu bắt đầu biến thành những rung động nhẹ nhàng. Ta bắt đầu cảm thấy một dòng năng lượng rất dễ chịu trong khắp cơ thể.
Sự nguy hiểm là khi điều này xảy ra, ta cho những khoái cảm này là mục tiêu tu tập của mình. Thực ra, mục đích tu tập Vipassana không phải là để hưởng thụ một loại cảm giác nào đó, mà để phát triển sự bình tâm đối với mọi cảm giác. Cảm giác luôn luôn thay đổi, dù là thô thiển hay tinh tế. Sự tiến bộ của ta trên con đường tu tập chỉ có thể đo được bằng sự bình tâm mà ta có được đối với mọi cảm giác.
Ngay cả sau khi ta đã cảm thấy dòng luân lưu thông suốt của những rung động vi tế trong khắp người, rất có thể một cảm giác thô thiển lại xuất hiện ở vài chỗ, hoặc một chỗ bị mù mờ. Đây là dấu hiệu của sự tiến bộ chứ không phải của sự lùi sụt. Khi ta phát huy được ý thức và sự bình tâm, tự nhiên ta thâm nhập sâu hơn vào trong vô thức, và phát hiện được những bất tịnh tiềm ẩn trong đó. Khi những bất tịnh nằm sâu trong vô thức này còn tồn tại thì đương nhiên chúng sẽ mang lại khổ đau trong tương lai. Cách duy nhất để diệt trừ chúng là để chúng nổi lên trên bề mặt của tâm và tan biến đi. Khi những sankhara (nghiệp) nằm sâu này nổi lên trên mặt, đa số mang theo những cảm giác khó chịu, nặng nề hoặc những cảm giác mơ hồ trong người. Nếu ta tiếp tục quan sát mà không phản ứng, cảm giác sẽ biến mất cùng một lúc với những sankhara đã tạo ra cảm giác ấy.
Mọi cảm giác, dù nặng nề hay nhẹ nhàng, đều có chung đặc tính vô thường. Một cảm giác thô thiển nảy sinh, dường như tồn tại trong giây lát, nhưng không sớm thì muộn cũng biến mất. Một cảm giác tinh tế nảy sinh và diệt mất hết sức nhanh chóng, nhưng nó cũng có cùng một đặc tính. Không một cảm giác nào tồn tại mãi mãi. Do đó ta không nên ưa thích hoặc ghét bỏ bất cứ một cảm giác nào. Khi một cảm giác thô thiển, khó chịu nảy sinh, ta quan sát mà không trở nên phiền muộn. Khi một cảm giác tinh tế, dễ chịu nảy sinh, ta chấp nhận nó, ngay cả vui với nó mà không trở thành hồ hởi, hoặc bị ràng buộc vào nó. Trong mỗi trường hợp ta hiểu được bản chất vô thường của mọi cảm giác; từ đó ta có thể mỉm cười khi chúng nảy sinh và khi chúng biến mất đi.
Sự bình tâm phải được thực hành tại lĩnh vực cảm giác trên thân để ta có thể thực sự thay đổi đời mình. Cảm giác nảy sinh trên thân trong mọi giây phút. Thông thường, tâm ý thức không nhận ra được chúng, nhưng tâm vô thức cảm nhận được những cảm giác này và phản ứng lại chúng bằng sự ham muốn hoặc ghét bỏ. Nếu tâm được rèn luyện để nhận biết rõ ràng tất cả những gì xảy ra trong cơ cấu thể chất và đồng thời duy trì được sự bình tâm, thì thói quen phản ứng mù quáng cố hữu sẽ bị bẻ gãy. Ta học được cách giữ bình tâm trong mọi hoàn cảnh, và do đó có thể sống một cuộc sống quân bình, hạnh phúc.
Quý vị đến đây tu tập để chứng nghiệm sự thật về mình, hiện tượng này hoạt động ra sao, nó tạo ra khổ bằng cách nào. Có hai phương diện trong cơ cấu một con người: vật chất và tinh thần, thân và tâm. Ta phải quan sát cả hai. Nhưng ta không thể thực sự cảm nghiệm được thân nếu không ý thức được những gì nảy sinh trong thân, đó là cảm giác. Tương tự, ta không thể quan sát tâm tách khỏi những gì nảy sinh trong tâm, đó là ý nghĩ. Khi ta đi sâu hơn trong việc chứng nghiệm sự thật về tinh thần và vật chất, thì rõ ràng là những gì nảy sinh trong tâm đều kèm theo một cảm giác nảy sinh trong thân. Cảm giác là là một nơi quan trọng để ta chứng nghiệm được sự thật về cả thân lẫn tâm, và nó là nơi những phản ứng bắt đầu. Để quan sát sự thật về mình và để ngừng tạo ra những bất tịnh trong tâm, ta phải ý thức được những cảm giác và liên tục duy trì sự bình tâm, càng lâu càng tốt.
Vì lý do này, trong những ngày còn lại của khóa thiền, quý vị phải tu tập liên tục, nhắm mắt trong những giờ thiền. Nhưng trong những giờ nghỉ, quý vị nên cố gắng duy trì ý thức (chánh niệm) và sự bình tâm (xả) trong lĩnh vực cảm giác. Hãy làm những việc quý vị phải làm một cách bình thường, cho dù là đi lại, ăn uống, hoặc tắm rửa; không cần làm chậm rãi hơn. Hãy nhận biết các chuyển động của cơ thể, đồng thời nhận biết những cảm giác tại những phần đang chuyển động, nếu có thể được, hoặc bất cứ chỗ nào khác. Cố gắng duy trì được ý thức và sự bình tâm.
Tương tự, ban đêm khi đi ngủ, nhắm mắt và nhận biết cảm giác tại bất cứ nơi nào trong cơ thể. Nếu ngủ với ý thức này, ngay sau khi thức giấc vào buổi sáng, quý vị tự nhiên sẽ có ý thức về cảm giác. Có thể quý vị không ngủ say, hoặc có thể thức trắng đêm. Thật là tuyệt vời, với điều kiện quý vị nằm trên giường và duy trì được ý thức và sự bình tâm. Cơ thể sẽ nhận được sự nghỉ ngơi cần thiết, và không sự nghỉ ngơi nào tốt hơn cho tâm bằng cách duy trì được ý thức và sự bình tâm. Tuy nhiên, nếu bắt đầu lo sợ bị mất ngủ, khi đó quý vị sẽ tạo ra căng thẳng, và ngày hôm sau sẽ cảm thấy kiệt sức. Hoặc quý vị bắt mình phải thức, ngồi suốt đêm; đó là điều thái quá. Nếu buồn ngủ, rất tốt, cứ ngủ. Nếu không ngủ được, hãy giữ cho cơ thể được nghỉ ngơi trong tư thế nằm thoải mái, và để cho tâm được nghỉ ngơi bằng cách duy trì ý thức và sự bình tâm.
Đức Phật nói: “Khi một thiền giả tu tập chuyên cần, không giây phút nào xao lãng sự ý thức và bình tâm đối với cảm giác, người đó có được trí tuệ thực sự, hoàn toàn hiểu rõ cảm giác”. Thiền giả hiểu rõ bằng cách nào mà một người không có trí phản ứng lại cảm giác và làm gia tăng nỗi khổ của mình. Thiền giả cũng hiểu rõ bằng cách nào mà một người luôn luôn hiểu được tính chất vô thường của mọi cảm giác sẽ không phản ứng lại chúng và sẽ thoát khỏi đau khổ. Đức Phật nói tiếp, “Với sự hiểu biết tường tận này, thiền giả có thể chứng nghiệm được trạng thái vượt ra ngoài tinh thần và vật chất – nibbana (niết bàn)”. Người ta không thể chứng nghiệm được nibbana trước khi những sankhara (nghiệp) nặng nề nhất đã được diệt trừ – loại sankhara sẽ dẫn đời sau của người đó đến những cảnh giới thấp kém hơn với nhiều đau khổ. May mắn thay, khi ta bắt đầu tu tập Vipassana, chính những sankhara này nổi lên trước tiên. Ta giữ được sự bình tâm và chúng bị diệt trừ. Khi tất cả những sankhara đó đã bị diệt trừ, đương nhiên ta sẽ chứng nghiệm được nibbana lần đầu tiên. Khi đã chứng nghiệm được nibbana, ta thay đổi hoàn toàn, và không còn làm những hành động khiến cuộc đời tương lai bị rơi vào cảnh giới thấp hơn. Dần dần ta tiến tới giai đoạn cao hơn, cho đến khi tất cả mọi sankhara khiến đưa đến đời sống tương lai còn trong thế giới hữu nghiệp đều bị diệt trừ. Một người như vậy được giải thoát hoàn toàn, do đó Đức Phật kết luận, “Nhờ hiểu rõ toàn thể sự thật về tinh thần và vật chất, khi qua đời, người đó thoát khỏi thế giới hữu nghiệp, bởi vì người đó hoàn toàn hiểu rõ các cảm giác”.
Quý vị khởi sự trên con đường này bằng cách tu tập để phát triển ý thức về những cảm giác trong khắp cơ thể. Nếu cẩn thận không phản ứng lại chúng, quý vị sẽ nhận thấy rằng hết lớp này đến lớp khác, những sankhara cũ bị diệt trừ. Bằng cách giữ được bình tâm đối với những cảm giác thô thiển, khó chịu, quý vị sẽ tiến đến sự cảm nghiệm được những cảm giác dễ chịu, vi tế hơn. Nếu tiếp tục giữ được sự bình tâm, không sớm thì muộn, quý vị sẽ đạt được giai đoạn Đức Phật mô tả, giai đoạn mà thiền giả cảm thấy trong toàn thể cơ cấu vật chất, không còn gì ngoài sinh và diệt. Tất cả những cảm giác thô thiển, nặng nề đều bị tan rã; trong khắp cơ thể không còn gì ngoài những rung động êm ái, nhẹ nhàng. Đương nhiên, trạng thái này hết sức khoan khoái, nhưng đó vẫn chưa phải là mục tiêu tối hậu, và ta không nên bị ràng buộc vào đó. Một số những bất tịnh thô thiển đã bị diệt trừ, nhưng vẫn còn những bất tịnh khác tồn tại trong thâm tâm. Nếu ta tiếp tục quan sát với sự bình tâm, hết cái này đến cái khác, tất cả sankhara ở sâu hơn sẽ nổi lên và bị diệt trừ. Khi tất cả đã bị diệt trừ, ta sẽ chứng nghiệm được cái ‘bất diệt’ – cái vượt ra ngoài tinh thần và vật chất, nơi bất sinh, cho nên cũng bất diệt – trạng thái không thể diễn tả được của nibbana.
Người nào tu tập đúng cách để phát triển ý thức và sự bình tâm chắc chắn sẽ đạt được trạng thái này; nhưng mỗi người phải tự mình tu tập.
Bài viết trích từ cuốn Tóm Lược Pháp Thoại Trong Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy. Tải cuốn sách file PDF tại đây.