BÀI GIẢNG NGÀY THỨ TÁM
Định luật tăng trưởng và nghịch đảo
Tám ngày đã qua, quý vị còn hai ngày nữa để tu tập. Trong những ngày còn lại, quý vị phải chắc là mình hiểu được phương pháp một cách đúng đắn, để có thể tu tập tại đây cũng như áp dụng trong cuộc sống hằng ngày. Nên hiểu rõ Dhamma (Pháp) là gì: đó là luật của thế giới tự nhiên, là chân lý, là quy luật phổ quát.
Một mặt có một tiến trình tăng trưởng không ngừng. Mặt khác, có một tiến trình diệt trừ. Điều này được giải thích rõ ràng trong vài chữ:
Mọi sự hữu nghiệp đều vô thường
với đặc tính sinh và diệt
Nếu chúng nảy sinh và bị diệt trừ
sự diệt trừ mang lại hạnh phúc thực sự
Mọi sankhara, mọi nghiệp, đều vô thường, đều có bản chất sinh và diệt. Nó bị diệt trừ, nhưng giây phút kế tiếp nó lại tiếp tục nảy sinh, và lại nảy sinh; đây là cách sankhara sinh sôi tăng trưởng. Nhưng khi ta có trí tuệ và bắt đầu quan sát một cách khách quan, tiến trình tăng trưởng chấm dứt và tiến trình diệt trừ bắt đầu. Khi một sankhara nảy sinh, nhưng thiền giả giữ được sự bình tâm; nó mất đi sức mạnh và bị diệt trừ. Hết lớp này đến lớp khác, những sankhara cũ sẽ nổi lên và bị diệt trừ, với điều kiện ta phải giữ được sự bình tâm. Càng nhiều sankhara bị diệt trừ chừng nào ta càng hưởng được nhiều hạnh phúc chừng đó, hạnh phúc của sự giải thoát khỏi đau khổ. Nếu tất cả những sankhara trong quá khứ bị diệt trừ, ta hưởng được hạnh phúc vô tận của sự giải thoát hoàn toàn.
Thói quen cố hữu của tâm là phản ứng, và gia tăng những phản ứng. Một điều gì không như ý xảy ra, thế là ta tạo ra một sankhara ghét bỏ. Khi sankhara này nảy sinh trong tâm, một cảm giác khó chịu trong thân cũng nảy sinh. Giây phút sau đó, vì thói quen phản ứng cố hữu, ta lại sinh ra ghét bỏ cảm giác khó chịu trong người vừa nảy sinh đó. Nguyên nhân bên ngoài gây ra sự nóng giận là phụ; sự phản ứng thực ra là phản ứng đối với các cảm giác trong người. Cảm giác khó chịu khiến ta phản ứng bằng ghét bỏ rồi từ đó sinh ra một cảm giác khó chịu khác, rồi lại khiến ta phản ứng. Bằng cách này tiến trình tăng trưởng bắt đầu. Nếu ta không phản ứng lại cảm giác mà trái lại mỉm cười và hiểu được bản chất vô thường của cảm giác, thì khi đó ta không tạo ra sankhara mới, và sankhara đã nảy sinh sẽ mất đi mà không tăng trưởng. Giây phút kế tiếp, một sankhara giống như thế sẽ nảy sinh từ sâu trong nội tâm; ta giữ được bình tâm, và nó sẽ biến mất. Giây phút kế tiếp, một cảm giác khác nảy sinh, ta vẫn giữ được bình tâm, và nó biến mất. Tiến trình diệt trừ bắt đầu.
Bài viết trích từ cuốn Tóm Lược Pháp Thoại Trong Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy. Tải cuốn sách file PDF tại đây.