BÀI GIẢNG NGÀY THỨ HAI KHOÁ THIỀN VIPASSANA THIỀN SƯ S.N. GOENKA HƯỚNG DẪN

  • Định nghĩa chung về tội và lòng mộ đạo
  • Bát Thánh Đạo: Giới (Sĩla) và Định (Samãdhi)

Ngày thứ hai đã qua. Mặc dù  có khá hơn ngày thứ nhất một chút, nhưng những khó khăn vẫn còn đó. Tâm thật là bất an, dao động, và hoang dã như một con trâu hoang hoặc con voi hoang gây ra sự tàn phá kinh khủng khi nó đi vào nơi cư trú của con người vậy. Nếu một người có trí thuần hóa và huấn luyện được con vật hoang ấy, thì tất cả sức mạnh của nó, cái sức mạnh từng được dùng vào những mục đích tàn phá, giờ đây bắt đầu được dùng để phục vụ cho xã hội theo những cách hữu dụng nhất. Tương tự như vậy, tâm vốn mạnh mẽ và nguy hiểm hơn rất nhiều so với con voi hoang, phải được thuần hóa và luyện tập; lúc ấy cái sức mạnh kinh khủng của tâm sẽ bắt đầu phục vụ cho bạn. Nhưng bạn phải làm  việc một cách rất kiên trì và liên tục mới được. Sự liên tục của pháp hành là bí quyết của thành công. 

Bạn phải làm công việc của bạn, không ai khác có thể làm thay cho bạn được. Với tất cả lòng từ ái và bi mẫn, bậc giác ngộ đã chỉ ra con đường để thực hành, nhưng Ngài không thể cõng ai lên vai đi đến mục tiêu cuối cùng được. Bạn phải tự mình bước lấy, tự mình chiến đấu cuộc chiến với bạn, và tự mình thực hiện sự cứu rỗi của bạn. Tất nhiên, một khi bạn khởi sự công việc, bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ của tất cả Pháp lực (Dhamma forces), nhưng bạn vẫn phải tự mình làm lấy. Bạn phải tự mình đi hết đạo lộ. 

Để hiểu thế nào là đạo lộ trên đó bạn phải bước đi, đức Phật đã mô tả trong một bài kệ rất đơn giản:

Không làm mọi hành động tội lỗi, bất thiện. Chỉ làm những hành động đạo đức và thiện. Thanh  tịnh hóa tâm ý. Đây là lời dạy của các bậc giác ngộ.

Đó là một đạo lộ phổ quát, có thể chấp nhận được với mọi người dù thuộc bất kỳ trình độ nào, chủng tộc nào hay xứ sở nào. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ định nghĩa thế nào về tội và lòng mộ đạo. Khi tinh túy của Pháp (Dhamma) thất lạc, nó trở thành một bộ phái, và rồi mỗi bộ phái đưa ra một lối định nghĩa khác nhau về lòng mộ đạo, như là phải có một hình thức  bề ngoài đặc biệt, thực hiện một vài nghi thức, hoặc giữ vững một vài tín điều nào đó. Tất cả điều này là những định nghĩa mang tính bộ phái. Có thể chấp nhận với một số người và không với những người khác. Tuy nhiên, Pháp (Dhamma) đưa ra một định nghĩa phổ quát về tội và lòng mộ đạo. Bất cứ hành động nào làm tổn hại người khác, khuấy động sự bình an và hòa hợp của họ, đều là hành động tội lỗi, bất thiện. Bất cứ hành động nào giúp ích cho người, đóng góp vào sự bình an và hòa hợp của họ, là hành động thiện, đạo đức, sùng đạo. Đây là sự định nghĩa không hợp theo giáo điều nào cả, mà đúng hơn, hợp với quy luật tự nhiên. Và theo quy luật tự nhiên, người ta không thể thực hiện một hành động gây tổn hại cho người khác mà trước không khởi lên một phiền não trong tâm như oán thù, sợ hãi, sân hận, vv… và bất cứ khi nào bạn tạo ra một tâm phiền não, thì lúc đó bạn sẽ trở nên đau khổ, bạn sẽ nếm trải những thống khổ của địa ngục ở bên trong. Tương tự, bạn không thể thực hiện một hành động giúp ích người khác mà trước không khởi lên lòng từ ái, bi mẫn, thiện chí,  vv… và ngay khi bạn khởi phát những phẩm chất tinh thần trong sạch như vậy, thì bạn cũng bắt đầu hưởng được sự bình an thiên giới bên trong. Khi bạn giúp người khác, lập tức bạn giúp chính mình; ngay khi bạn hại người khác, lập tức bạn hại chính mình. Đây là Dhamma, Pháp, Sự thực – quy luật phổ quát của tự nhiên. 

Con đường của Pháp được gọi là Bát Thánh Đạo. Thánh đạo ở đây phải hiểu theo nghĩa rằng bất luận người nào đi trên đạo lộ này chắc chắn sẽ trở thành một người có tấm lòng cao quý, thánh thiện. Đạo lộ được chia làm ba phần: Giới (Sĩla), Định (Samãdhi), và Tuệ (Pãnnã). Sĩla là Giới – tránh những hành động của thân và lời nói. Samãdhi hay Định là hành động thiện thuộc lãnh vực tu tập làm chủ tâm. Thực hành cả hai phương diện này rất hữu ích, song không phải giới, cũng không phải định có thể trừ tiệt mọi phiền não đã tích lũy trong tâm. Vì mục đích này, phần thứ ba của đạo lộ phải được thực hành: Pãnnã hay sự phát triển trí tuệ, phát triển Tuệ Minh sát, tịnh hóa hoàn toàn tâm. Trong nhóm giới có ba chi phần của Bát Thánh đạo: 

  1. Chánh Ngữ (Sammã –vãcã), sự thanh tịnh của khẩu nghiệp. Muốn hiểu được thế nào là sự thanh tịnh của lời nói, bạn phải hiểu sự không trong sạch hay bất tịnh của lời nói là gì đã. Nói dối nhằm lừa đảo người khác, nói những lời thô lỗ làm tổn thương người khác, nói xấu sau lưng và nói vu khống, nói chuyện phù phiếm và không có mục đích đều là những bất tịnh của khẩu nghiệp. Khi bạn tránh những khẩu nghiệp này, những gì còn  lại là chánh ngữ. 
  2. Chánh  Nghiệp (Sammã-kammanta), sự trong sạch của thân nghiệp. Trên đạo lộ của Pháp chỉ có một cây thước duy nhất để đo lường  sự thanh tịnh hay bất tịnh của một hành động, dù hành động ấy thuộc thân, khẩu, hoặc ý, đó là hành động ấy giúp ích hay làm tổn hại người khác. Như vậy sát sinh, trộm cắp, tà dâm, và nghiện ngập đến nỗi không biết những gì mình đang làm, đều là những hành động làm tổn thương người khác và cũng làm hại chính bản thân mình. Khi bạn tránh những thân nghiệp bất tịnh này, những gì còn lại là chánh nghiệp. 
  3. Chánh Mạng (Sammã-ãjiva). Mọi người ai cũng phải có một cách sinh nhai nào đó để nuôi sống bản thân và những người tuỳ thuộc vào mình, nhưng nếu những phương tiện nuôi sống ấy làm hại đến người khác, thì đó không phải là chánh mạng. Có thể bạn không tự mình làm những hành động sai trái để nuôi mạng, nhưng lại khuyến khích người khác làm như thế; nếu vậy bạn cũng không phải đang hành  theo chánh mạng. Chẳng hạn, bán rượu, mở song bài, bán vũ khí, bán thú vật hay thịt thú vật đều  không phải là chánh mạng. Ngay cả trong những nghề cao thượng nhất cũng thế, nếu động cơ của bạn chỉ là để bóc lột người khác, thì bạn đang không hành chánh mạng. Nếu động cơ là để thực hiện phần hành của mình như một thành viên của cộng đồng xã hội, để đóng góp tài năng và nỗ lực của mình cho lợi ích chung, đổi lại bạn nhận một phần thưởng công bằng cho hành động ấy, nhờ đó nuôi sống bản thân và những người tùy thuộc vào bạn, thì bạn đang hành theo chánh mạng. 

Một gia chủ (người chủ gia đình), một tại gia cư sĩ, cần phải có tiền để nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, cái nguy nằm ở chỗ kiếm tiền lại trở thành một phương tiện để đề cao bản ngã: bạn dùng  hết khả năng của mình để tích góp thật nhiều tiền của cho bản thân, và cảm thấy khinh miệt đối với những người kiếm được ít hơn. Một thái độ như vậy làm tổn thương người khác và đồng thời cũng hại đến chính mình, vì bản ngã càng lớn bao nhiêu, càng xa sự giải thoát bấy nhiêu. Vì thế một phương diện không thể thiếu của chánh mạng là bố thí, chia sẻ một phần những gì mình có với người khác. Lúc ấy bạn kiếm sống không chỉ vì lợi ích riêng của bạn mà còn vì lợi ích của mọi người nữa. 

Nếu Pháp chỉ gồm những lời khuyến giáo tránh những hành động làm tổn hại người khác đơn thuần như vậy, thì ắt hẳn nó sẽ không có hiệu quả. Về phương diện tri thức, người ta có thể hiểu những tai hại của việc làm điều bất thiện và những lợi ích của việc làm điều thiện, hoặc người ta có thể chấp nhận tầm quan trọng của Giới (sĩla) xuất phát từ lòng tin đối với những người thuyết giảng nó. Tuy thế họ vẫn tiếp tục làm những hành động sai lầm, vì họ không kiểm soát được tâm. Vì vậy nhóm thứ hai của Pháp – Samãdhi, hay Định – làm chủ tâm của bạn. Trong nhóm này có ba chi phần khác của Bát Thánh đạo. 

  1. Chánh Tinh Tấn (Sammã –vãyãma). Qua việc thực hành của mình bạn đã thấy tâm yếu đuối và nhu nhược như thế nào, nó luôn luôn dập dờn hết đối tượng này đến đối tượng khác. Một cái tâm như vậy đòi hỏi phải có sự luyện tập để làm cho nó trở nên mạnh mẽ. Có bốn bài tập để tăng cường tâm: loại bỏ ra khỏi tâm những phẩm chất bất thiện nào mà nó có thể, đóng chặt không cho những phẩm chất bất thiện nào mà nó chưa có vào, giữ gìn và làm tăng trưởng phẩm chất thiện hiện có trong tâm, và mở ra cho những phẩm chất thiện bị bỏ lỡ vào. Một cách gián tiếp, do thực hành niệm hơi thở (ãnãpãna) bạn đã khởi sự thực hiện những bài tập này rồi. 
  2. Chánh Niệm (Sammã – sati) là sự nhận thức được thực tại của sát na hiện tiền (awareness of the reality of the present moment). Biết quá khứ chỉ có thể là những ký ức; biết tương lai chỉ có thể là những khát vọng, sợ hãi, tưởng tượng. Bạn khởi sự hành chánh niệm bằng cách tập cho mình duy trì sự nhận thức đối với bất cứ thực tại nào biểu thị ở sát na hiện tại, trong khu vực giới hạn quanh lỗ mũi. Bạn phải phát triển khả năng nhận thức về toàn bộ thực tại, từ mức thô nhất đến mức tế nhất. Mới đầu, bạn chú ý đến hơi thở có ý thức và chủ định, rồi đến hơi thở nhẹ nhàng, tự nhiên, rồi đến sự xúc chạm của hơi thở. Bây giờ bạn sẽ lấy một đối tượng của sự chú ý còn vi tế hơn nữa, đó là những cảm thọ vật lý, tự nhiên trong khu vực giới hạn này. Bạn có thể cảm giác nhiệt độ của hơi thở, hơi thở lạnh khi nó đi vào, hơi thở ấm khi nó đi ra khỏi thân. Ngoài ra, còn có vô số các cảm thọ không liên hệ đến hơi thở: nóng, lạnh, ngứa, nhịp đập, rung động, áp lực, căng thẳng, đau đớn vv… bạn không thể chọn một cảm thọ nào để cảm  nhận được, và bạn không thể tạo ra các cảm thọ. Chỉ quan sát, chỉ giữ chánh niệm (sự nhận biết). Tên gọi của cảm thọ không quan trọng; điều quan trọng là phải có chánh niệm nay sự nhận biết về thực tại của cảm thọ mà không phản ứng với nó. 

Lề  thói quen thuộc của tâm, như  bạn đã thấy, là lăn vào tương lai hay vào quá khứ, sinh rat ham ái hoặc sân hận. Nhờ thực hành chánh niệm bạn đã bắt đầu bẻ gãy thói quen này. Không phải rằng sau khóa thiền này bạn sẽ quên hẳn quá khứ, và hoàn toàn không còn nghĩ gì đến tương lai. Mà đúng ra là, do trước đây bạn đã lăn lộn trong quá khứ hoặc tương lai một cách không cần thiết và đã phung phí quá nhiều năng lượng của mình đến độ khi bạn cần nhớ hay dự định một điều gì, bạn không thể làm nổi. Nhờ phát triển chánh niệm, bạn sẽ học cách gắn tâm mình một cách vững chắc hơn vào thực tại hiện tiền. Và bạn sẽ thấy ra rằng bạn có thể dễ dàng nhớ lại quá khứ khi cần, và làm những dữ liệu thích hợp cho tương lai. Bạn sẽ có thể sống một cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc. 6. Chánh Định (Sammã – samãdhi). 

Thuần định không phải là mục đích của kỹ thuật (Minh sát) này; định mà bạn phát triển phải có một căn bản thanh tịnh. Với căn bản tham, sân, si, bạn cũng có thể định tâm được, nhưng đó không phải là chánh định (sammãsamãdhi). Bạn phải có chánh niệm hay sự nhận thức về thực tại hiện tiền trong chính bạn, không chút tham ái hay sân hận. Duy trì chánh niệm này liên tục từ sát na này đến sát na khác không gián đoạn – đây là chánh định. 

Bằng việc tuân thủ thận trọng năm giới, bạn đã khởi sự hành Giới. Bằng việc tập cho tâm luôn luôn tập trung vào một điểm, một đối tượng thực của sát na hiện tại, không tham cũng không sân, bạn đã khởi sự phát triển Định. Giờ đây cứ tiếp tục làm việc một cách chuyên cần để dũa bén tâm của bạn, sao cho khi bạn khởi sự hành Tuệ (Pãnnã), bạn sẽ có đủ khả năng để thâm nhập vào những chỗ sâu kín của vô thức, để quét sạch tất cả những bất tịnh ẩn náu ở đó, để thọ hưởng hạnh phúc chân thực – hạnh phúc của sự giải thoát. 

Hạnh phúc chân thực cho tất cả các bạn!

Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui!

 

Ghi chú: Những đoạn kinh Pãli trích dẫn trong bài giảng này: 

Tumhe hi kiccam ãtappam, Akkhãtãro tathãgatã. Patipannã pamokkhanti, Jhãmiyo mãra-bandhamã 

Dhammapada, XX.4 (276)

Người hãy nhiệt tâm làm, Như Lai chỉ dẫn đường. Ai hành trì thiền định, Sẽ thoát khỏi lưới ma.

 

Sabba-pãpassa akaranam, Kusalassa upasampadã, Sa-citta pariyodapanam Etam Buddhãna – sã sanam.

Dhammapada, XIV.5 (183)

“Không làm mọi điều ác, Thực hiện các điều lành, Thanh tịnh hóa tâm ý”- Chính lời dạy chư Phật.  

 

Bài viết trích từ cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ – Thiền Sư S.N. Goenka do Tỳ Kheo Pháp Thông biên dịch. Tải cuốn sách file PDF tại đây.

 

AUDIOS CUỐN SÁCH TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM THỌ

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *