BÀI GIẢNG NGÀY THỨ MƯỜI
Tu tập thiền Anapana
Rồi quý vị bắt đầu tu tập thiền Anapana để phát triển việc làm chủ được tâm, định – samadhi. Quý vị được yêu cầu chỉ quan sát hơi thở tự nhiên mà không thêm vào một lời, một hình ảnh, hay một đối tượng nào. Một lý do của sự hạn chế này là để duy trì tính chất phổ quát của phương pháp: hơi thở quen thuộc và được mọi người chấp nhận, nhưng một lời nói hoặc một hình ảnh có thể được người này chấp nhận mà người khác lại có thể không chấp nhận.
Nhưng có một lý do quan trọng hơn để chỉ quan sát hơi thở. Toàn bộ tiến trình tu tập là một cuộc khám phá sự thật về chính mình, về cấu trúc tâm lý – vật lý đúng như thật chứ không phải như quý vị muốn. Đó là sự quan sát thực tại. Quý vị ngồi xuống và nhắm mắt. Không có tiếng động, không có sự quấy nhiễu từ bên ngoài, không có cử động của thân thể. Vào lúc đó hoạt động rõ ràng nhất trong người là hơi thở. Quý vị bắt đầu bằng cách quan sát thực thể này: hơi thở tự nhiên, khi chúng đi vào, đi ra khỏi lỗ mũi. Khi không cảm thấy hơi thở, quý vị được phép thở hơi mạnh, đủ để cố định sự chú tâm vào khu vực lỗ mũi, và rồi lại trở về hơi thở tự nhiên, bình thường, nhẹ nhàng. Quý vị bắt đầu với sự thực thô thiển, rõ rệt này và từ đó đi xa hơn, sâu hơn, theo hướng của sự thực tinh tế hơn, của sự thực tối hậu. Trên suốt con đường tu tập, tại mỗi bước quý vị sống với sự thật, quý vị thực sự chứng nghiệm được nó từ thô thiển nhất đến vi tế nhất. Quý vị không thể đạt được chân lý tối hậu khi bắt đầu bằng một sự tưởng tượng. Làm như vậy quý vị sẽ chỉ vướng mắc vào những tưởng tượng to lớn hơn và chỉ tự lừa dối mình.
Nếu thêm một lời nói vào hơi thở, quý vị có thể sẽ định tâm được nhanh hơn, nhưng làm như vậy sẽ gây ra nguy hiểm. Mỗi lời nói đều có một rung động đặc biệt. Bằng cách lặp đi lặp lại một lời hoặc một câu, ta tạo ra một rung động nhân tạo và ta bị chìm sâu vào đó. Tại bề mặt của tâm một lớp an lạc và hài hòa được hình thành, nhưng dưới đáy sâu, bất tịnh vẫn tồn tại. Cách duy nhất để gạt bỏ những bất tịnh tiềm ẩn này là biết cách quan sát chúng, biết cách đưa chúng lên trên bề mặt của tâm để chúng có thể mất đi. Nếu chỉ quan sát một rung động nhân tạo đặc biệt nào đó, ta sẽ không thể quan sát những rung động tự nhiên khác nhau liên quan tới những bất tịnh của mình, nghĩa là, quan sát những cảm giác nảy sinh một cách tự nhiên trong người. Do đó, nếu mục tiêu của ta là khám phá ra thực tại của chính mình và để thanh lọc tâm, thì việc dùng một lời nói tưởng tượng có thể gây ra trở ngại.
Sự hình dung cũng tương tự như vậy – tưởng tượng một hình dáng hay hình thể trong tâm – có thể ngăn cản sự tiến bộ. Phương pháp thiền này đưa tới sự xóa tan sự thật bề ngoài để tiến tới sự thật tối hậu. Sự thật bề ngoài, hình thành do sự tập hợp nhiều nhân duyên, luôn luôn chứa đầy những ảo tưởng, bởi vì sanna (nhận định, tưởng) điều hành ở tầng lớp này, mà sự nhận định thường bị lệch lạc vì nghiệp cũ. Sự nhận định bị nghiêp quả ảnh hưởng này phân biệt, thiên vị, đưa đến sự ưa thích và thiên kiến, đưa tới những phản ứng mới. Nhưng bằng cách xóa tan sự thật bề ngoài, ta dần dần cảm nghiệm được sự thật tối hậu của cơ cấu tinh thần-vật chất: không có gì ngoài sự rung động sinh diệt từng giây từng phút. Tại giai đoạn này không thể còn sự phân biệt, và do đó không có những ưa thích và thiên kiến nảy sinh, không còn phản ứng tạo nghiệp. Phương pháp này làm suy yếu dần dần nghiệp của sanna và nhờ đó làm suy yếu các phản ứng, đưa tới giai đoạn sự nhận định và cảm giác ngừng hoạt động, đó là sự chứng nghiệm được nibbana (niết bàn). Nhưng nếu cố tình chú ý đến hình dáng, đối tượng, hoặc hình ảnh, ta vẫn còn ở trong sự thật bề ngoài, hư cấu và không thể vượt qua chúng được. Vì lý do này, hành giả không nên tưởng tượng hình tượng hoặc tụng niệm.
Bài viết trích từ cuốn Tóm Lược Pháp Thoại Trong Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy. Tải cuốn sách file PDF tại đây.