BÀI GIẢNG NGÀY THỨ BA
Bát Thánh Đạo: panna – trí tuệ thụ nhận (văn tuệ), trí tuệ tư duy (tư tuệ), trí tuệ thực chứng (tu tuệ)
Ngày thứ ba đã qua. Chiều mai quý vị sẽ bước vào lãnh vực panna, trí tuệ, phần thứ ba của Bát Thánh Đạo. Không có trí tuệ con đường tu tập sẽ không trọn vẹn.
Ta bắt đầu cuộc hành trình bằng cách thực tập sila (giới), nghĩa là, bằng cách tránh làm hại người khác; nhưng mặc dù không làm hại người khác ta vẫn làm hại chính mình bằng cách tạo ra phiền não trong tâm. Do đó ta tập luyện samadhi (định), học cách kiểm soát tâm, học cách đè nén những phiền não đã phát sinh. Tuy nhiên, đè nén những phiền não không thể loại trừ chúng được. Chúng vẫn tồn tại trong vô thức và sinh sôi nảy nở, tiếp tục làm hại chính ta. Do đó bước thứ ba của Dhamma (Pháp) là panna: đó là không để những phiền não tự do hoành hành và cũng không đè nén chúng, nhưng trái lại cho phép chúng nảy sinh ra và bị diệt trừ. Khi các phiền não bị diệt trừ, tâm sẽ không còn những bất tịnh. Và khi tâm đã được thanh lọc, không cần một nỗ lực nào, ta cũng tránh được những hành động có hại cho người khác bởi vì đặc tính của một tâm thanh tịnh là chứa đầy thiện chí và tình thương cho mọi người. Tương tự, không cần phải gắng sức ta cũng tránh được những hành động làm hại chính ta. Ta sống một cuộc đời hạnh phúc và lành mạnh. Bởi vậy mỗi bước trên con đường tu tập hẳn phải dẫn đến bước kế tiếp. Sila đưa tới sự phát triển samadhi, sự định tâm đúng cách; samadhi đưa tới sự phát triển panna, trí tuệ để thanh lọc tâm; panna đưa tới nibbana (niết bàn), sự giải thoát khỏi mọi bất tịnh, sự giác ngộ hoàn toàn.
Có hai phần của Bát Thánh Đạo thuộc về panna:
7) Samma-sankappa – sự suy nghĩ chân chính (chánh tư duy). Không cần thiết phải ngưng tiến trình suy nghĩ trước khi phát triển trí tuệ. Sự suy nghĩ vẫn còn, nhưng nếp tư duy thay đổi. Những phiền não ở bề mặt của tâm mất đi nhờ ta thực hành ý thức về hơi thở. Thay cho những ý nghĩ liên quan đến ham muốn, ghét bỏ và ảo tưởng, ta bắt đầu có những suy nghĩ lành mạnh, suy nghĩ về Dhamma, về con đường giải thoát.
8) Samma-ditthi – sự hiểu biết chân chính (chánh kiến). Đây mới thực là panna, hiểu biết sự thật đúng như thật, chứ không phải tưởng như thật.
Có ba giai đoạn trong việc phát triển panna, phát triển trí tuệ.
Đầu tiên là suta-maya panna (văn tuệ), trí tuệ có được nhờ nghe nói, hoặc đọc được
những lời của người khác. Trí tuệ thụ nhận này rất hữu ích, giúp ta đi đúng đường. Tuy nhiên, chỉ riêng nó thôi thì không thể giải thoát được vì trên thực tế nó chỉ là trí tuệ vay mượn. Ta chấp nhận nó là đúng có thể vì lòng tin mù quáng, có thể vì ghét bỏ, vì sợ nếu không tin theo sẽ bị xuống địa ngục, hoặc vì ước muốn, hy vọng nếu tin theo sẽ được lên thiên đường. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, nó cũng không phải là trí tuệ của chính mình.
Nhiệm vụ của trí tuệ thụ nhận phải đưa tới giai đoạn kế tiếp: cinta-maya panna (tư tuệ), sự hiểu biết tư duy. Dựa trên lý trí, ta thường tìm hiểu những gì ta nghe hoặc đọc được để xem xét chúng có hợp lý không, có thực tế không, có lợi ích không. Nếu đúng như thế, thì ta chấp nhận chúng. Sự hiểu biết có phân tích này cũng rất quan trọng nhưng nó cũng rất nguy hiểm nếu được coi là sự hiểu biết tối hậu. Một người phát triển kiến thức trí óc của mình rồi do đó cho rằng mình là người rất khôn ngoan. Tất cả những gì người đó học được đều chỉ để thổi phồng bản ngã, người đó còn xa sự giải thoát nhiều lắm.
Nhiệm vụ đúng đắn của sự hiểu biết tư duy là để đưa tới trình độ kế tiếp: bhavana- maya panna (tu tuệ), trí tuệ đạt được ngay trong chính mình, ở mức độ thực nghiệm. Đây mới là sự hiểu biết thực sự. Sự hiểu biết thụ nhận hay tư duy rất hữu ích nếu chúng khích lệ, hướng dẫn ta tới giai đoạn kế tiếp. Tuy nhiên, chỉ có trí tuệ thực nghiệm mới có thể đưa ta tới giải thoát bởi vì đây là trí tuệ của chính ta, dựa trên kinh nghiệm bản thân.
Một ví dụ về ba loại trí tuệ: Một bác sĩ viết toa thuốc cho một bệnh nhân. Người này về nhà, và vì sự tin tưởng hoàn toàn vào bác sĩ, ngày nào cũng mang toa thuốc ra đọc; đây là suta-maya panna, trí tuệ thụ nhận. Không hài lòng như thế, người đó trở lại gặp bác sĩ và đòi hỏi được giải thích về toa thuốc, tại sao lại cần thiết và công hiệu của toa thuốc; đây là cinta-maya panna, trí tuệ tư duy. Cuối cùng người đó uống thuốc; chỉ như vậy người đó mới hết bệnh. Hiệu quả chỉ đạt được sau khi thực hiện phần thứ ba, bhavana-maya panna, trí tuệ do tự chứng nghiệm.
Bài viết trích từ cuốn Tóm Lược Pháp Thoại Trong Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy. Tải cuốn sách file PDF tại đây.