BÀI GIẢNG NGÀY THỨ NĂM

Bốn Sự Thật Thánh Thiện (Tứ Diệu Đế)

Sự thật thứ nhất: Khổ

Ta bắt đầu bằng cách học cách quan sát mà không phản ứng. Khảo sát sự đau nhức mà quý vị gặp phải một cách khách quan, như thể đó là sự đau nhức của người khác. Hãy xem xét nó như một nhà khoa học quan sát một đối tượng trong phòng thí nghiệm. Khi quý vị thất bại, làm lại một lần nữa. Cứ tiếp tục tu tập, và quý vị sẽ nhận ra rằng dần dần mình đang thoát ra khỏi đau khổ. Mọi người đều khổ. Cuộc đời bắt đầu bằng tiếng khóc; sinh ra đời là một nỗi khổ lớn. Và đã sinh ra đời chắc chắn sẽ bị khổ vì bệnh tật, vì già yếu. Nhưng mặc dù cuộc đời có khổ đến đâu đi nữa, không một ai muốn chết, bởi vì chết là một nỗi khổ lớn.

Trong suốt cuộc đời, ta gặp phải những điều không vừa ý, và bị chia lìa những điều ta yêu thích. Những điều không muốn lại gặp phải, những điều mong muốn lại không đạt được, và ta cảm thấy khổ.

Chỉ hiểu sự thật này trên mức độ trí thức sẽ không giải thoát được ai. Nó chỉ có thể khích lệ để ta xem xét bên trong chính mình, để chứng nghiệm được sự thật và tìm cách để thoát khổ. Đây là những gì Thái tử Siddhattha Gotama đã làm để trở thành Phật: Ngài bắt đầu quan sát thực tại bên trong cơ cấu thân thể Ngài như một nhà khảo cứu, đi từ sự thật thô thiển, dễ cảm nhận, tới sự thật tinh tế hơn, tới sự thật tinh tế nhất. Ngài khám phá ra rằng khi sinh lòng ham muốn, ta thường có xu hướng muốn giữ lại cảm giác dễ chịu và loại bỏ những cảm giác khó chịu. Khi hai điều này không được thỏa mãn, ta trở nên khổ. Và đi sâu hơn nữa, ở tầng lớp tinh tế nhất, khi quan sát với sự chú tâm tột đỉnh, Ngài nhận thấy rằng sự ràng buộc vào năm tập hợp (ngũ uẩn) là khổ. Trên lý thuyết ta có thể hiểu rằng cái tập hợp vật chất thân thể (sắc uẩn) không phải là “Ta”, không phải là “Của Ta”, mà chỉ là một hiện tượng vô ngã, luôn thay đổi, bên ngoài sự kiểm soát của ta; tuy nhiên, trên thực tế, ta tự đồng hóa mình với nó và tạo ra sự ràng buộc ghê gớm vào nó. Tương tự, ta bị ràng buộc vào bốn tập hợp của tâm là sự hay biết (thức), nhận định (tưởng), cảm giác (thọ), phản ứng (hành), và bám víu vào chúng, coi chúng là “Ta, Của Ta” bất chấp trạng thái thay đổi không ngừng của chúng. Vì mục đích tiện lợi, ta phải dùng từ ngữ như “Tôi” và “Của Tôi”, nhưng khi ta bị ràng buộc vào năm tập hợp này, ta tạo ra đau khổ cho mình. Ở đâu có ràng buộc, ở đó đương nhiên có khổ, và ràng buộc càng nhiều chừng nào thì càng khổ nhiều chừng ấy.

Bài viết trích từ cuốn Tóm Lược Pháp Thoại Trong Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy. Tải cuốn sách file PDF tại đây.

 

AUDIOS CUỐN TÓM LƯỢC PHÁP THOẠI

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *