BÀI GIẢNG NGÀY THỨ BẢY
Ngày thứ 7 đã qua, bây giờ, ta còn 3 ngày nữa để tu tập. Nhưng để tu tập nghiêm chỉnh, ta chỉ còn 2 ngày nữa. Bởi vì vào ngày thứ 10, sau giờ ngồi Thiền từ 8h – 9h sáng, ta sẽ được học một phương pháp Thiền mới. Và sau đó, lời nguyện giữ im lặng trước đây sẽ được xả bỏ, sẽ không còn sự im lặng thánh thiện nữa, sẽ có những cuộc trò chuyện thánh thiện. Có thánh thiện hay không, trò chuyện là trò chuyện. Trò chuyện và sự hành Thiền nghiêm chỉnh không thể tồn tại và đi đôi với nhau. Cho nên, chúng ta không thể hành Thiền nghiêm chỉnh vào ngày thứ 10 được.
Tuy thế, ngày ấy là một ngày rất quan trọng. Bởi vì trong 9 ngày, ta đã thực hiện một cuộc giải phẫu tâm rất sâu. Vào ngày thứ 10, vết thương sâu đậm này sẽ đòi hỏi một chút thuốc thoa dịu. Phương pháp mà ta sẽ học vào ngày thứ 10 sẽ là phương thuốc rất êm nhẹ để xoa dịu vết thương. Hơn nữa, sau khi qua cuộc giải phẫu rất sâu này, hết 9 ngày im lặng; nếu người ta bất ngờ đến với thế giới bên ngoài, sẽ giao tiếp với nhau, đôi khi, người ta sẽ bị sốc. Cho nên, ngày thứ 10 là ngày làm dịu sự va chạm cho Quý vị. Làm như thế, để vào ngày thứ 11, chúng ta sẽ đối diện với cuộc đời một cách dễ dàng hơn, Như thế, chỉ còn 2 ngày nữa để thực hành Thiền nghiêm chỉnh.
Đức Phật muốn chúng ta hành Thiền một cách liên tục. Đối với phương pháp Thiền này mà nói, sự thực hành liên tục là bí quyết để thành công. Khi Thiền sinh đến với khóa học dài hơn như khóa 20 ngày, 30 ngày, 45 ngày, họ hành Thiền liên tục. Ở đây, có những giờ nghỉ, nhưng không có giờ nghỉ cho các Thiền sinh khóa dài ngày này. Chúng ta cũng phải học cách thực hành sao cho liên tục. Cho nên, hai ngày này, hãy học cách làm thế nào để thực hành liên tục.
Phương pháp hành Thiền liên tục trong đời sống sinh hoạt hàng ngày
Dĩ nhiên, trong những giờ Thiền, ta ngồi với cặp mắt nhắm lại và Thiền. Những lúc được gọi là lúc nghỉ ngơi như bây giờ, không còn là nghỉ ngơi nữa. Khi làm một việc gì bằng tay chân, ta phải đứng dậy và bước đi như bước về phòng ngủ của mình hay bước đến phòng ăn…, nhưng ta vẫn đang hành Thiền. Với cặp mắt mở, ta có ý thức và chỉ đang nghỉ ngơi với cặp mắt mở. Ta có ý thức với những gì mình đang làm bằng tay chân. Nếu đang đi bộ, ta ý thức rằng mình đang đi bộ. Nếu đang ăn, ta ý thức được mình đang ăn. Nếu đang tắm, ta ý thức được mình đang tắm. Nếu đang nghỉ, ta ý thức được rằng mình đang nghỉ…
Nhưng cùng với ý thức, rất cần thiết là chúng ta cũng ý thức với các cảm giác trên cơ thể. Người ta đã không hiểu Đức Phật một cách đúng đắn và họ chỉ thực tập việc ý thức về sự đang đi. Điều này có lợi ích riêng đấy, nhưng đây không phải là giáo huấn của Đức Phật. Ngài muốn chúng ta luôn luôn ý thức về cảm giác của mình, hoặc ý thức về hơi thở ra vào cùng với các cảm giác. Nếu bỏ quên cảm giác, thì ta đã bỏ quên phần sâu thẳm nhất của tâm mà ta phải sửa đổi ở phần sâu thẳm nhất của tâm. Ta phải thay đổi khuôn mẫu thói quen ở phần sâu thẳm nhất này, cho nên, cảm giác hay ý thức về cảm giác rất quan trọng.
Ta phải làm gì khi không ý thức được cảm giác ở phần cử động?
Trong khi đang đi, không nhất thiết là ta phải ý thức được cảm giác trên khắp cơ thể. Nếu chưa thể làm được trong giai đoạn này, nhưng ít nhất hãy ý thức cảm giác ở phần đang cử động. Khi đang đi, ta ý thức về các cảm giác trên chân của mình. Khi bốc thức ăn, ta ý thức về các cảm giác trên các ngón tay. Khi miệng chạm vào thức ăn, ta ý thức về các cảm giác ở đôi môi, ở nướu, ở lưỡi và ở cuống họng khi nuốt thức ăn. Tại bất cứ những phần nào đang cử động, ta đều có cảm giác. Nếu ta không cảm nhận được cảm giác ở phần đang cử động, hãy cảm nhận cảm giác trên bất cứ phần nào của cơ thể. Ở đâu đó trên cơ thể, chắc hẳn ta phải cảm nhận được một cảm giác. Và cùng với sự cảm nhận cảm giác này, ta ý thức được bất cứ cử động nào trên cơ thể đang diễn ra. Đó là trong những lúc nghỉ. Theo cách này, chúng ta có sự liên tục.
Trong những giờ hành Thiền, ta ngồi với cặp mắt nhắm lại và Thiền. Ngoài những giờ ngồi Thiền đó, ta mở mắt ra và làm những việc cần thiết bằng tay chân. Ta vẫn đang hành Thiền vì ý thức được hành vi, cử chỉ và các cảm giác của mình. Ban đêm khi đi ngủ, nằm xuống với cặp mắt nhắm, ta ý thức được từng cử động trên thân thể. Ta cảm thấy muốn trở mình sang một bên và ý thức được mình đang trở mình qua hướng ấy. Rồi trở mình qua phía bên kia, ta ý thức được mọi việc đang xảy ra ở mức độ thân thể. Cùng với điều này, ta ý thức được các cảm giác.
Xin nhắc lại, không nhất thiết phải di chuyển từ đầu xuống chân hay từ chân lên đầu theo thứ tự. Ta đang nằm, bất cứ cảm giác nào nảy sinh ở đâu, ta ý thức được cảm giác nào đó ở bất cứ phần nào trên cơ thể. Và trong lúc ý thức về cảm giác, ta đi vào giấc ngủ ngon. Tốt lắm! Ban đêm là để ngủ say. Sáng hôm sau, khi thức dậy, ta cảm nhận các cảm giác. Một lần nữa, ta bắt đầu tu tập với các cảm giác.
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.