BÀI GIẢNG NGÀY THỨ NHẤT
Ý nghĩa của việc quan sát hơi thở
Có nhiều phương pháp Thiền mà ngoài việc nhận biết rõ ràng về hơi thở, ta được yêu cầu phải đọc thầm một chữ nào đó. Ta tụng niệm một chữ, một lời chú, một câu… và tiếp tục lặp đi, lặp lại trong tâm, đọc thầm trong tâm. Như thế, cũng có lợi đấy. Qua kinh nghiệm bản thân, vì tôi cũng đã trải qua tiến trình này, đã nghe từ nhiều người cũng thấy điều này và tôi chấp nhận là đúng.
Nếu thêm một lời nào đó, bất cứ lời nào lặp đi, lặp lại cùng với sự ý thức về hơi thở, tâm sẽ được an tĩnh và tập trung dễ dàng. Tương tự như thế, có nhiều phương pháp Thiền, ngoài việc ý thức về hơi thở, Thiền sinh được yêu cầu phải hình dung một hình ảnh, hình dáng của Vị thần này, nữ thần kia, của giáo chủ tôn giáo này hay tôn giáo kia, người mà mình rất tôn kính. Ta tiếp tục tưởng tượng hình ảnh, hình dáng ấy và thấy rằng tâm mình được tập trung một cách dễ dàng. Mọi sự khó chịu sẽ biến đi, qua đi, tâm đang tĩnh lặng dần, tâm càng lúc càng trở nên yên tĩnh, tâm càng lúc càng được định hơn.
Đã biết như thế từ kinh nghiệm bản thân và của người khác, tuy nhiên, tôi vẫn nói, đừng dùng bất cứ lời tụng niệm nào, sự tưởng tượng nào mà chỉ quan sát hơi thở, hơi thở đơn thuần, không gì ngoài hơi thở. Tại sao thế? Phải có lý do chính đáng để không tụng niệm, không quán tưởng. Có nhiều lý do chính đáng để biết tại sao chúng ta không nên làm như thế. Để hiểu tại sao, trước hết, ta cần làm sáng tỏ điều này, mục đích của phương pháp Thiền này là gì? Mục tiêu là gì?
Nếu mục tiêu của phương pháp Thiền này là để định tâm, để an tĩnh cái tâm vọng động thì chắc chắn là ta nên tụng niệm hay hình dung, tưởng tượng, không có gì sai trái cả. Nhưng đối với phương pháp Thiền này, sự định tâm, an tĩnh tâm chỉ là một sự hỗ trợ, một phương tiện, đây không phải là mục đích cuối cùng.
Mục đích cuối cùng là sự thanh lọc tâm, không những chỉ ở bề mặt mà còn thanh lọc tâm ở tầng lớp sâu thẩm nhất ở tận gốc rễ để thay đổi khuôn mẫu hành xử, vốn luôn dao động, dao động không ngừng. Trong cuộc sống, điều không mong muốn cứ xảy ra, những sự việc ta không muốn cứ tiếp tục tái diễn. Ta bắt đầu thắt các nút rối, tạo thêm căng thẳng cho mình, ta bắt đầu tạo ra những phản ứng tiêu cực. Trong cuộc sống, điều ta mong muốn lại xảy ra. Khi gặp phải trở ngại nào đó, ta lại bắt đầu thắt các nút rối, lại tạo thêm căng thẳng. Ta bắt đầu phát sinh những phản ứng tiêu cực, giận dữ, oán ghét, ác ý, thù hận… Ta thắt các nút rối, luôn luôn thắt các nút rối. Con người trở thành một đống những nút rối, những nút thắt hầu như không thể tháo gỡ được, đầy căng thẳng.
Toàn thể cơ cấu thân xác đầy căng thẳng, toàn thể cơ cấu tinh thần đầy căng thẳng. Đôi khi ở bề ngoài, Quý vị có thể cố giảm bớt căng thẳng, cố thư giãn cơ thể, thư giãn tinh thần, có ích đấy. Nhưng Quý vị không bao giờ biết rằng ở tận đáy lòng luôn luôn có sự căng thẳng, có sự dao động không ngừng xảy ra. Bởi vì sự thắt buộc các nút rối này không ngừng xảy ra, vì sự phát sinh các phản ứng tiêu cực không ngừng diễn ra. Điều này làm cho ta vô cùng khốn khổ, làm sao để thoát ra khỏi nỗi khổ này?
Mục đích của phương pháp thiền Ānāpāna
Phương pháp Thiền này giúp chúng ta đi đến tận bề sâu của thực tại cơ cấu thân và tâm, cũng như chứng nghiệm được sự thật về cơ cấu ấy. Phương pháp Thiền này giúp cho ta hiểu ở mức độ thực nghiệm là: “Ở đâu và bằng cách nào, Quý vị đã phát sinh ra tiêu cực; ở đâu và bằng cách nào, Quý vị làm cho tiêu cực đó gia tăng bội phần”. Ta phải đến tận cội nguồn khổ đau của mình, chỉ có thế, mới thoát ra khỏi khuôn mẫu thói quen, nơi mà vì vô minh nên dù không muốn khổ, mình vẫn cứ bị khổ. Dù không muốn làm gia tăng nỗi khổ, nhưng mình vẫn cứ tiếp tục làm gia tăng khổ đau. Bởi vì ta không biết những gì đang xảy ra sâu tận bên trong. Phương pháp Thiền này sẽ giúp cho chúng ta biết điều đó. Mọi Thánh nhân, Hiền Nhân, Nhà tiên tri trong quá khứ điều nói: “Hãy tự biết mình, hãy tự biết mình”. Họ trở thành Thánh nhân, họ tự biết chính mình. Họ đã trải qua tiến trình khảo sát sự thật về chính họ. Hãy tự biết mình không những ở mức độ lý trí, nó không giúp ích được gì cả. Hãy tự biết mình ở mức độ thực sự, có nghĩa là ở mức độ thể nghiệm. Cái tôi nói: “Tôi, Tôi, Tôi”, này là cái gì? Cái cơ cấu thân xác vật chất này, cái cơ cấu tinh thần này, tổng hợp của cả hai, có phải đây là cái Tôi không?
Người ta tạo ra vô số ràng buộc vào cơ cấu thân xác này, vào cơ cấu tinh thần này bằng cách tự đồng hóa mình với nó, cho nó là Tôi, Tôi. Và khổ đau phát sinh, khi Quý vị đồng hóa mình với thể xác và tinh thần. Khi phát triển sự ràng buộc vào cái Tôi ấy, ta bắt đầu trở nên căng thẳng, bắt đầu thắt nút rối và khổ đau bắt đầu.
Chỉ chấp nhận điều này ở lý trí không thôi hay dù có chấp nhận nó vì lòng tin vào Bậc Giác Ngộ đã nói như vậy, cũng chẳng giải quyết được gì cả. Ta phải khảo sát trọn vẹn sự thật, thực tại nơi chính mình, ở mức độ thực nghiệm về tinh thần và vật chất từ bề mặt, bề ngoài ở mức độ thô thiển nhất, đi sâu dần, đến tầng lớp vi tế hơn, vi tế hơn, vi tế hơn, vi tế nhất.
Phương pháp Thiền này sẽ giúp thăm dò sự thật của toàn thể lĩnh vực vật thể, thăm dò sự thật của toàn thể lĩnh vực tinh thần ở mức độ thực nghiệm. Nếu muốn thực chứng chân lý ở mức độ thực nghiệm, ta phải chứng nghiệm ngay trên cơ cấu thân xác này, chứ không phải ở bên ngoài. Như vậy, phương pháp Thiền này sẽ giúp ta thăm dò thực tại trong phạm vi cơ cấu thân thể của chính mình. Và hơi thở sẽ là phương tiện rất quan trọng, hơi thở đơn thuần, chỉ hơi thở không thôi, đúng như hơi thở.
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.