BÀI GIẢNG NGÀY THỨ NĂM

Khi bị đau dữ dội, ta nên làm gì?

Có khi Thiền sinh đến gặp tôi và nói: “Thưa Ngài, bây giờ, tôi lại thấy bắt đầu thưởng thức được cái đau của tôi”. Phải, Quý vị bắt đầu thưởng thức được cái đau của mình. Bởi vì, ta đã thôi, không phản ứng lại cái đau nữa. Cái đau vốn là cái đau thể xác và ta đã gia tăng nó bằng cách biến nó thành cái đau tinh thần. Nếu phần khổ đau tinh thần mất đi và chỉ còn cái đau thể xác thì ta chỉ việc quan sát nó, nó chỉ còn một nửa. Rồi nó chỉ còn 1/4, rồi nó sẽ bớt dần, ta bắt đầu thoát khỏi nó. Ta phải học được cách làm sao để quan sát cái đau của mình. Bây giờ, cái đau mãnh liệt đến nỗi nó bắt đầu khống chế ta.

 

Sự khống chế này đã thành khuôn mẫu thói quen của tâm. Khi chú tâm đến một khu vực nào đó, ta quan sát. Ví dụ, khi có cái đau dữ dội ở một chỗ nào đó, ta xem xét nó như một Bác sĩ xem và khám nghiệm. Vị Bác sĩ ấy không bị đau, ông ta chỉ khám nghiệm: “Cái đau mãnh liệt hơn ở chỗ này, chỗ nào đau ít hơn?” Ta cũng khám nghiệm như thế. Đừng tự đồng hóa mình với cái đau. Đau là đau, có đau thì đã sao nào? Bây giờ ta quan sát nó: “Hãy để tôi tìm xem tâm điểm của cái đau nằm ở đâu, ảnh hưởng của cái đau lan ra tới đâu. Ồ! Ở đây bị ảnh hưởng nhiều hơn, đau nhiều hơn. Ở đây ít đau hơn, ở đây không đau gì cả”. Cứ thế, ta chia cắt khu vực ra, mổ xẻ khu vực ra từng phần nhỏ. Vòng tới, ta lại quan sát nữa và thấy rằng cùng với cái đau có cái gì khác, có thể là áp lực. Hãy bắt đầu chia cắt, mổ xẻ khu vực bị áp lực ra từng phần nhỏ: “Đây là trung tâm của áp lực, có nhiều áp lực ở đây hơn. Chỗ kia ít áp lực hơn. Bây giờ, áp lực không còn nữa”. Cứ thế, ta chia cắt khu vực ra. Ta có thể đạt đến giai đoạn mà ta thấy rằng cùng với cái đau còn có cái gì khác như sức nóng hay mạch tim đập, hoặc có luồng rung động ngầm chạy khắp cơ thể. Một khi đạt tới giai đoạn ấy, cái đau không còn là cái đau đối với ta nữa. Cái đau không còn khống chế ta được nữa. Chớ mong đợi điều này đến với mình vào sáng mai, cần phải có thời gian. Nhưng hãy học cách quan sát.

Nguyên nhân khổ đau thật sự nằm ở bên trong

Trong phần lớn thời gian, ta sẽ phản ứng vì khuôn mẫu thói quen cũ. Nhưng ta sẽ có vài khoảnh khắc không phản ứng. Trong những khoảnh khắc không phản ứng này, khổ đau trở thành sự thật thánh thiện thứ nhất (Khổ đế), ta đang quan sát khổ đau một cách khách quan. Khi ta học cách quan sát khổ đau một cách khách quan, ta đi sâu dần vào mức độ thực nghiệm và đi sâu dần vào sự thật thánh thiện thứ hai (Tập đế – Nguyên nhân sâu xa của khổ đau). Ở bề mặt, ai cũng nói: “Tôi khổ vì nguyên nhân bên ngoài. Người nào đó đã nói điều tôi không thích, đã làm điều tôi không thích hay điều tôi ao ước không xảy ra trong đời tôi, tôi trở nên khổ sở “.

Tất cả là những nguyên nhân bên ngoài. Đúng vậy, nhưng chỉ đúng ở bề ngoài, ở bề mặt. Không có sự hiểu biết về nguyên nhân bên trong. Người ta tiếp tục dùng hết sức mình, hết năng lực để sửa đổi nguyên nhân ở bên ngoài. Điều này không thể được, ta không thể thay đổi người khác được. Ta có thể cố thay đổi người khác, cho dù người ấy có thay đổi đi nữa, nhưng không có gì bảo đảm là không còn người nào khác xuất hiện và có hành vi chống đối mình. Điều đó tiếp tục xảy ra và lặp đi lặp lại nhiều lần. Trong suốt cuộc đời, điều mong ước có thể xảy ra, điều không muốn có thể xảy ra.

Nhưng điều không muốn lại xảy ra nhiều hơn, ta phải đối diện với tất cả các trường hợp đó. Ta phải đi sâu hơn để tìm hiểu nguyên nhân thật sự của khổ đau. Khổ đau không nằm bên ngoài, chỉ có các đối tượng của các giác quan nằm bên ngoài. Khổ đau bắt đầu ở bên trong. Khi khổ đau bắt đầu bên trong, chắc chắn phải có nguyên nhân bên trong nào đó làm người ta đau khổ. Khi đi sâu hơn, ta bắt đầu hiểu điều này, không phải chỉ nhờ những bài giảng buổi tối này, không phải vì đã đọc Kinh điển hay sách vở nào đó hay vì chúng ta dùng lý trí để suy luận thực tại. Tuyệt đối không phải, với kinh nghiệm của chính mình, chúng ta nhận ra rằng: “Đây là nguyên nhân sâu xa nỗi đau khổ của tôi”, và ta quan sát nguồn gốc sâu xa ấy.

 

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

 

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

Các bài viết trong sách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *