BÀI GIẢNG NGÀY THỨ HAI
Lời dạy ngắn gọn và đầy đủ của Chư Phật
Sasanam là giáo huấn. Buddhana là tất cả các Đức Phật. Đây là giáo huấn của tất cả các Vị Phật. Ngài không bao giờ nói đây là giáo huấn của ta. Buddha không phải là tên một người nào. Buddha nghĩa là Bậc Giác Ngộ, người giải thoát. Tên của người giác ngộ ấy là Gotama. Và việc trở thành Phật không phải là độc quyền của một người nào, không phải chỉ một mình Ngài mới có thể thành Phật. Bất cứ người nào cũng có thể thành Phật. Dĩ nhiên, thành Phật không phải là chuyện dễ dàng. Quý vị đến đây 10 ngày và nghĩ rằng mình trở thành Phật. Không được, không được đâu. Đây là chuyện rất khó, rất khó nhưng nếu tu tập cần mẫn, cần mẫn, cần mẫn thì ai cũng có khả năng trở thành một người giác ngộ hoàn toàn, trở thành Phật. Và người nào trở thành Phật, người ấy sẽ chỉ giảng dạy con đường này mà thôi, ngoài ra không còn gì khác. Đây sẽ là giáo huấn của tất cả các Bậc Giác Ngộ. Giáo huấn đó sẽ là gì?
Đó là: “Không làm tất cả các điều ác (điều bất thiện), Siêng tạo các hạnh lành (điều thiện), không ngừng thanh lọc tâm mình trong sạch”. Toàn thể Dhamma (phương pháp giải thoát) nằm trọn vẹn trong đó, không thiếu sót gì cả. Ta không phải thêm gì vào. Nó hoàn toàn đầy đủ và ta không phải lấy bớt ra cái gì từ Dhamma. Không có gì sai dù chỉ là một dấu chấm để phải lấy ra. Do đó, lời dạy này hết sức tinh khiết, tinh khiết cực độ, không có gì để bớt đi hay thêm vào: “Không làm các điều ác, hãy làm các điều lành và thanh lọc tâm”. Tôn giáo nào xứng đáng với danh xưng cũng sẽ nói như thế. Nhưng khi Bậc Giác Ngộ giảng pháp, Vị ấy giảng Dhamma, pháp chung cho tất cả. Không bao giờ giảng điều gì có tính cách giáo phái. Dhamma phổ quát, vĩnh cửu. Luật tự nhiên là vĩnh cửu. Trong quá khứ đúng như sao, hiện tại cũng đúng như vậy, ở tương lai cũng đúng như vậy. Và pháp áp dụng cho từng người cũng như cho tất cả mọi người. Đó là Dhamma.
Sự hành Pháp sai lầm của các tông phái
Nhưng vì cuồng điên, vì vô minh, người ta quên mất cái tinh túy của Dhamma. Họ biến Dhamma thành tông phái, rồi tông phái này, tông phái kia, rồi chính giáo huấn này mang ý nghĩa khác nhau. Mọi người đều nói giống nhau là không làm điều ác. Không có tôn giáo nào nói cứ làm điều ác. Mọi người cùng nói một điều như nhau là làm điều thiện, điều lành. Tôn giáo nào, truyền thống nào cũng đều nói thế. Thanh lọc tâm, mọi tôn giáo, mọi truyền thống cũng sẽ nói như vậy. Nhưng khi giải thích thì có sự khác biệt rất lớn.
Điều ác là gì? điều lành là gì? Khi Dhamma biến thành tông phái, thì tông phái ấy, những người được gọi là Tu sĩ đạo hạnh của tông phái ấy, họ có thể khoát loại y này hay áo choàng kia, có thể có tràng hạt này hay chuỗi hạt kia, có dấu ấn này hay dấu ấn kia trên tráng, mang hình dáng bên ngoài này hay hình dáng bên ngoài kia. Lúc bấy giờ, những người thuộc tông phái này sẽ nói rằng chỉ có những ai có hình dáng bên ngoài như thế mới là người đạo hạnh, còn những người khác thì không. Một quan niệm được nêu ra, thứ quan niệm lệch lạc. Một quan niệm khác, vì mỗi tông phái có những nghi lễ khác nhau nên những người thuộc tông phái này sẽ nói những người nào cử hành những nghi thức, nghi lễ này, họ mới là những con người đạo hạnh; còn ai không cử hành những nghi lễ ấy, họ không phải là những người đạo hạnh, họ là những kẻ đầy tội lỗi. Một thứ quan điểm điên rồ về tội lỗi và thánh thiện được đưa ra.
Một quan niệm khác được đưa ra còn gây lầm lẫn hơn nữa. Mỗi tông phái con có niềm tin này, giáo điều kia, triết thuyết nọ. Chỉ những ai tin vào giáo điều này, triết thuyết này mới là người thật đạo hạnh, những ai không tin vào những điều ấy, họ không phải là con người đạo hạnh. Những quan niệm này về tội lỗi và thánh thiện gây tổn hại cho Dhamma (Giáo pháp). Dhamma không còn là Dhamma nữa. Trong Dhamma, quan niệm là chung cho tất cả, không có tính cách tông phái. Hình dáng bên ngoài có khác biệt từ người này sang người khác, từ tông phái này sang tông phái khác.
Các nghi thức, lễ bái sẽ khác biệt tùy theo từng người, từng tông phái. Niềm tin về lý thuyết có thể khác nhau tùy theo từng người, từng tông phái. Nhưng định nghĩa của Dhamma không thể khác đi, nó là phổ quát và vĩnh cửu. Việc ác là gì ? Việc bất thiện là gì? Bất cứ hành vi nào từ lời nói cho đến việc làm. Bất cứ việc nào ta làm mà gây tác hại, thương tổ đến các chúng sinh khác; quấy nhiễu sự an lạc và hòa hợp của các chúng sinh khác, đó là một việc ác, việc bất thiện.
Việc lành là gì? Việc thiện là gì? Tất cả các hành vi nào từ lời nói cho đến việc làm hỗ trợ, giúp đỡ các chúng sinh khác; đem lại một bầu không khí an lạc và hòa hợp, không quấy nhiễu sự an lạc và hòa hợp của các chúng sinh khác, không gây tác hại hay thương tổn cho ai, đó là việc lành, việc thiện. Định nghĩa này là phổ quát, là chung cho tất cả. Khi người ta tiếp tục đi sâu hơn vào Dhamma, ở mức độ thực nghiệm, nó trở nên rất rõ ràng, điều này phù hợp với luật tự nhiên.
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.
AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY