BÀI GIẢNG NGÀY THỨ 8
Saṅkhāra diệt trừ như thế nào?
Cách đây khoảng 30 năm, một nhà khoa học Phương Tây chuyên về khảo cứu đến gặp Thầy Tôi. Ông ta là bạn của một người bạn tôi, ông ta nghe rằng ở Miến Điện có một phương pháp Thiền và có một Vị Thầy chỉ dạy người ta thoát khỏi khuôn mẫu thói quen của sự bất thiện, để bắt đầu sống một cuộc sống an lạc, hòa hợp. Tất cả những bất thiện tích trữ trong tâm được diệt trừ nhờ phương pháp Thiền này. Là một nhà khoa học, ông ta muốn nghiên cứu phương pháp Thiền ấy, xem nó diễn ra như thế nào nên ông ta đi tới Miến Điện. Thông thường, Thầy Tôi không cho phép một Thiền sinh mới theo học khóa Thiền dài hơn 10 ngày. Nhưng thế nào đó, Thầy Tôi đã quyết định đây là trường hợp xứng đáng. Thầy Tôi cho nhà khoa học ấy học khóa dài ngày ngay tức thì. Trong 10 ngày Ānāpāna (quan sát hơi thở), nhà khoa học nỗ lực tập quan sát hơi thở.
Và một phản ứng bắt đầu xảy ra, phản ứng mạnh đến nỗi đôi khi chúng tôi thấy ông ta nhảy lên khỏi sàn nhà khoảng một tấc rưỡi trong lúc ngồi Thiền. Thầy tôi vẫn mỉm cười. Một hôm Thầy Tôi nói: “Hãy đến xem ông ta hành Thiền như thế nào?”. Ở đó, mỗi một Thiền sinh có một phòng Thiền riêng. Qua khe cửa phòng, tôi thấy ông ta ở tư thế lộn ngược đầu xuống đất, đưa hai chân lên trên, toàn thân ông ta run lên như bị quỷ ám. Tôi đến nói với Thầy Tôi: “Chuyện gì đang xảy ra vậy?”. Thầy Tôi cười và cười thành tiếng và nói: “Tốt, cứ để nó diễn ra, điều đó tốt cho ông ta và ông ta cứ thế tiếp tục”. Sau này, chúng tôi được biết ông là một nhà bác học chuyên khảo cứu kỹ nghệ phi thuyền không gian, người đã khám phá và giúp chế tạo tên lửa liên lục địa với đầu đạn hạt nhân.
Với một người như thế, ông ta sẽ mang lại Saṅkhāra nào? Người chế tạo ra ngọn lửa địa ngục khiến cho hàng triệu người chết, loại Saṅkhāra nào thế? Nó phải thoát ra theo cách ấy. Thầy tôi mỉm cười: “Cứ để cho nó thoát ra, cho nó thoát ra”. Vào cuối khóa, ông ta cảm thấy rất nhẹ nhõm, rất vui vẻ, rất tuyệt diệu, Thầy tôi nói: “Tốt, tất cả các bất tịnh đã xuất ra ngoài và bây giờ, ông được nhẹ nhàng hơn trước”.
Nhà khoa học trả lời: “Tôi nhẹ nhàng hơn trước, quả đúng thế! Tôi cảm thấy vui vẻ hơn, quả đúng thế! Nhưng tôi không thể hiểu được những ô nhiễm của tôi, bất tịnh tinh thần của tôi thoát ra ngoài nhờ những cảm giác này. Làm sao tôi có thể chấp nhận điều đó được?”. Thầy Tôi cười và nói: “Tốt, thì đừng chấp nhận, Đức Phật cũng thường nói, đừng chấp nhận, đừng chấp nhận chỉ vì ta nói thế, dừng chấp nhận chỉ vì truyền thống hay Kinh điển nói thế, hãy tự mình chứng nghiệm!”.
Khi hiểu rằng kinh nghiệm của chính mình, ta thấy rằng: “Phải, điều này có thật và đây là điều tốt, chỉ có như thế mới nên chấp nhận nó”. Nhà khoa học ấy trở về nước, vài ngày sau, ông ta viết một lá thư: “Phương pháp Thiền này đã cho tôi các kết quả thật là tuyệt diệu. Tôi thường là người dễ nổi nóng. Tôi đã có rất nhiều căng thẳng, luôn luôn gặp khó khăn trong những quan hệ với cấp trên hay với thuộc cấp và ngay cả với vợ tôi cũng không có mối quan hệ tốt đẹp. Bây giờ, tất cả đều thay đổi, không phải vì tất cả mọi thứ thay đổi mà do chính tôi đã thay đổi, một sự thay đổi lớn lao đã xảy ra trong tôi. Tôi thấy rằng mọi sự rất tốt đẹp, nhưng tôi không thể hiểu các cảm giác có liên quan gì đến việc các bất tịnh của tôi mất đi. Tôi là nhà khoa học, làm sao tôi có thể chấp nhận điều này được”.
Vài năm sau ông ta trở lại, ông ta lại thực tập Vipassana trong một khóa dài ngày và trở về nhà. Ông ta viết một lá thư dài nói rằng, ông ta là nhà luyện kim, một chuyên viên trong ngành tinh lọc kim loại, thứ kim loại dùng trong phi thuyền không gian và những thứ tương tự như thế. Ông ta viết: “Chúng tôi có một nguyên tắc lý thuyết là nếu một kim loại nào đó cần phải lọc, nó phải được lọc tinh khiết cực độ. Ngay chỉ một vi tử, một phân tử trong số một triệu phân tử cũng không được là một phân tử ngoại lai. Nó phải tinh ròng 100%, tinh ròng cực độ. Để được tinh ròng như thế, chúng tôi phải nấu chảy nó, rồi làm ra một cái vòng bằng kim loại nguyên chất 100% này. Sau đó, chúng tôi luồn cái vòng nóng này qua thanh kim loại mà chúng tôi muốn tinh luyện.
Vì Chiếc vòng này nguyên chất nên nó phát sinh ra một loại từ trường, và bắt đầu hút ra những bất tịnh trong thanh kim loại chưa tinh ròng. Mọi phân tử dù chỉ một trong số một triệu cũng không thể ở lại. Hiển nhiên là các bất tịnh ấy phải đi ra, các phân tử còn lại ở trạng thái rất tốt, và kim loại có được độ bền rất cao”.
Ô! Đây là điều Đức Phật đã tìm thấy rồi. Cái vòng ý thức tinh khiết này di chuyển từ đầu xuống chân và từ chân lên đầu. Nếu cái vòng này không được tinh khiết thì phương pháp Thiền không hiệu nghiệm. Nếu cái vòng này phản ứng ham muốn hay ghét bỏ thì nó không hiệu nghiệm. Nhưng vì nó tinh khiết nên nó không phản ứng, không ham muốn, không ghét bỏ nó và không ngừng thanh lọc tâm. Đây là cách hiểu của Đức Phật. Mỗi người hiểu theo cách riêng của mình, nhưng đúng như thế, nó thực sự thanh lọc tâm.
Có người đến nói với tôi, có một nguyên tắc điển hình trong bình ắc quy, loại có thể sạc điện được. Chúng ta cứ tiếp tục sạc điện và bình ắc quy tiếp nạp điện. Chúng ta ngừng không sạc điện nữa và không làm gì hết, bình ắc quy sẽ tự động xả hết điện ra. Chúng ta không làm gì hết để bắt nó xả hết điện, chúng ta chỉ ngưng sạc điện. Ồ! Đây cũng là một nguyên tắc. Có người đến nói với tôi: “Ông có thấy những đồ chơi có vặn dây cót không? Ông cứ vặn dây cót, rồi buông nó ra. Món đồ chơi sẽ hoạt động một chút, rồi tự động xả dây cót về Vị trí ban đầu”. Ta không làm gì để nó xả dây cót, chỉ ngừng không lên dây cót nữa mà thôi.
Đức Phật nêu ra một ví dụ giống như khi ta có một sợi dây, ta cứ xoắn 2 đầu sợi dây. Nếu đột nhiên ta buông nó ra thì sợi dây sẽ trở về trạng thái ban đầu, đây là luật tự nhiên. Ta ngưng không tạo ra Saṅkhāra mới và các Saṅkhāra cũ chắc chắn sẽ bị diệt trừ. Khi ta cứ tiếp tục gia tăng, tiếp tục tạo ra hết Saṅkhāra mới này đến Saṅkhāra mới khác, tiến trình diệt trừ sẽ không thể nào khởi sự được. Lúc nào cũng có tiến trình gia tăng. Điều đó có nghĩa là tiến trình khổ đau của ta gia tăng. Mỗi khi Saṅkhāra gia tăng, sự khổ đau của mình sẽ gia tăng. Giản dị dễ hiểu đến thế nhưng thật là khó khăn. Người ta quên bén nó đi và họ tiếp tục tạo ra hết Saṅkhāra này đến Saṅkhāra khác, hết khổ đau này đến khổ đau khác. Đây là điều người ta phải học ý thức về cảm giác và không phản ứng lại các cảm giác ấy.
Ý thức về các cảm giác mà không phản ứng lại các cảm giác ấy, giản dị chỉ có thế thôi, đây là phương pháp. Nếu ta quên điều này và thực tập cách khác thì sẽ không có kết quả gì. Nếu ta thực tập theo cách này, các kết quả mong đợi chắc chắn sẽ đến. Từng chút một kinh nghiệm của chính ta sẽ cho ta biết điều này. Như khi có quần áo dơ bẩn, người nội trợ mua xà phòng hay thuốc giặt để giặt. Nếu ta dùng xà phòng, những dơ bẩn sẽ mất đi. Xác định loại hóa chất nào tác dụng trên vết dơ, tìm hiểu xem quần áo được giặt sạch như thế nào không phải là công việc của người nội trợ, đây là công việc của các nhà nghiên cứu hay các nhà khoa học.
Hãy để họ làm chuyện ấy! Nhưng với một người bình thường, người ta hiểu rằng có khổ đau vì thói quen tạo ra hết Saṅkhāra này đến Saṅkhāra khác. Nếu ngưng không tạo ra Saṅkhāra nữa, ta sẽ thấy rằng mình đang thoát khỏi khổ đau. Khuôn mẫu thói quen của mình đang thay đổi. Người nào có thói quen dễ bị nóng giận sẽ thấy rằng họ đang thoát khỏi sự giận dữ của mình.
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.