BÀI GIẢNG NGÀY THỨ MƯỜI

Không được tụng niệm, hình dung hay tưởng tượng trong phương pháp này

Đó là lý do tại sao Đức Phật nói: “Phần cửa mũi trước mặt”. Hãy giữ sự chú tâm của mình ở khu vực này. Từ khu vực này, ta cứ quan sát hơi thở đi vào, đi ra, và điều này sẽ giúp mình, để trong vòng 3 ngày, ta bắt đầu cảm nhận được không cảm giác này thì cảm giác khác. Và điều này giúp làm cho tâm mình bén nhạy, đến nỗi vào khoảng ngày thứ 4 hay thứ 5, ta bắt đầu cảm thấy cảm giác trên khắp cơ thể. Cho nên, khu vực cửa mũi này rất quan trọng, ta phải luôn luôn tu tập trên khu vực nhỏ bé nơi cửa mũi này. Hơi thở tự nhiên, hơi thở đơn thuần, hơi thở không thôi, chỉ hơi thở thôi, không gì ngoài hơi thở cả, không tụng niệm.

Hãy hiểu rất rõ ràng là cùng với hơi thở, nếu ta thầm niệm bất cứ lời nào, sự định tâm sẽ trở nên dễ dàng hơn là không tưởng tượng, không hình dung. Điều rất rõ ràng là nếu ta bắt đầu mường tượng một hình ảnh hay hình dáng của một Vị thần nam hay thần nữ, một giáo chủ, Thánh nhân hay Bậc Giác Ngộ nào đó, những người mà mình có lòng kính tín, tâm sẽ được định dễ dàng, nhưng ta bỏ lỡ Vipassana.

Trong Vipassana, mọi sự hình dung, tụng niệm hay tưởng tượng đều bị cấm. Ta quan sát hơi thở tự nhiên không ngừng biểu hiện, tất cả chỉ có thế thôi. Một lý do tại sao những lời tụng niệm này bị cấm? Hầu hết, những lời này không là gì ngoài danh hiệu của Vị thần này hay Vị thần kia, giáo chủ của tôn giáo này hay tôn giáo kia. Chúng chỉ dành riêng cho một giáo phái nào đó. Danh hiệu của một Vị thần được giáo phái này rất sùng kính sẽ không được người giáo phái khác tụng niệm đâu. Dhamma là chung cho tất cả, bởi vì chứng bệnh của chúng ta là chứng bệnh chung cho tất cả. Khi tâm trở thành bất tịnh, ô nhiễm, ta cảm thấy khổ sở. Khổ đau này không dành riêng cho một giáo phái nào, cộng đồng nào, xứ sở nào hay một giới tính nào.

Bệnh là bệnh phổ quát chung cho tất cả, nên phương thuốc chữa trị cũng phải phổ quát chung cho tất cả. Không phương thuốc tông phái nào có thể giải quyết được vấn đề này. Khi ta dùng những danh hiệu này, và những danh hiệu này thuộc một giáo phái nào đó thì nó không thể là một phương pháp phổ quát. Nếu ta dùng một hình ảnh, một hình dáng của một thần nam này hay thần nữ nọ, Đạo sĩ tôn giáo này hay Đạo sĩ tôn giáo kia, một lần nữa, nó dính dáng đến một tông phái nào đó. Đây là một lý do ta không được tụng niệm. Nhưng cũng có một lý do khác tế nhị hơn. Đôi lúc, có Thiền sinh nói rằng: “Tôi muốn dùng sự tụng niệm bởi vì nhờ đó tôi sẽ định tâm hơn. Tôi sẽ không dùng bất cứ lời thuộc về giáo phái nào. Tôi sẽ không dùng tên của thần này hay thần kia. Khi hơi thở đi vào, tôi sẽ đếm 1, khi hơi thở đi ra tôi sẽ đếm 2, …”. Điều này chung cho mọi người, bất cứ ai đều có thể đếm 1,2,… hay đang vào, đang ra, đang vào, đang ra. Tốt, lập luận này khéo lắm nhưng nó cũng không được phép. Tại sao lại không? Bởi vì, bất cứ lời nào, nếu ta tiếp tục lặp đi, lặp lại, đối với ta nó sẽ trở thành ưu thế và trở nên quan trọng hơn. Ta sẽ quên hẳn đi hơi thở,tâm sẽ được định nhờ lời này.

Ví dụ, ta đang lặp lại lời này, cho dù hơi thở có đi vào hay không, ta sẽ nói “Vào”, cho dù hơi thở có đi ra hay không, ta sẽ nói đi “Ra”. “Ra vào, ra vào, ra vào”, ta đã quên hẳn đi hơi thở. Ta đã quên hẳn đi hơi thở, thế là chúng ta không đạt được mục đích. Mục đích của chúng ta không những chỉ để định tâm, mà còn nhằm thực tại thuộc về cơ cấu của thân và tâm, sự tương quan liên đới giữa hai cơ cấu này diễn biến ra sao. Ta phải đạt tới giai đoạn bắt đầu cảm thấy các cảm giác, nếu cứ lặp đi lặp lại: “1, 2, 1, 2, ra vào, ra vào”, tâm ta sẽ được định nhưng ta sẽ không thể cảm thấy các cảm giác, nên không thể hiểu rõ điều gì đang xảy ra bên trong mình.

Ta bỏ lỡ đi cái quan trọng, bỏ lỡ đi Vipassana. Vì thế, không được tụng niệm. Một khó khăn nữa với tụng niệm là ta lặp đi, lặp lại một lời nào đó. Ta lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần, mỗi chữ có một rung động riêng. Các Vị Thầy chuyên về Mantra (Thần chú) biết rằng một số chữ nào đó như “ôm, ing, ring, rinh, ling, linh,…”, có rung động rất mạnh, cũng giống như khi ta đánh chuông, một âm hưởng rất mạnh được tạo ra. Nếu ta cứ lặp đi, lặp lại những tiếng này, chúng sẽ tạo nên những rung động rất mạnh trong người, tâm của ta được định rất dễ dàng. Toàn bộ con người mình bị bao phủ trong những rung động này. Nhưng hãy hiểu rõ rằng, đây là thứ rung động được tao dựng nên, đây là rung động nhân tạo. Ta thiếu mất những rung động tự nhiên. Và Vipassana muốn ta cảm nhận được những rung động tự nhiên. Những rung động được tạo dựng này cũng tốt, ở mức độ ngăn không cho bất cứ rung động xấu nào thâm nhập vào. Những rung động ấy có tác dụng như một tấm chắn bảo vệ cho ta. Nhưng cũng rất có hại vì chúng trở thành một chướng ngại lớn, không cho phép ta cảm nghiệm được làn sóng rung động riêng của mình ở tầng lớp sâu thẳm nhất của tâm. Việc gì diễn ra khi ta nổi cơn giận dữ, đam mê, lo lắng, ngã mạn? Điều này rất quan trọng, vì ta phải thoát ra khỏi những bất tịnh này. Qua việc lặp đi, lặp lại không biết bao nhiêu lần những chữ nào đó, ta phát sinh ra một rung động nhân tạo. Ta đã áp đặt thực tại này, khiến cho mình bỏ sót thực tại ở mức độ sâu hơn. Vì thế, không có tụng niệm, tụng niệm không được phép.

Tương tự như thế, ta không được hình dung. Toàn bộ phương pháp Thiền đưa ta từ sự thật bề ngoài chắc đặc, căng thẳng đến sự vi tế hơn. Ví dụ, với tấm thân chắc đặc, ta tiếp tục tu tập theo Vipassana theo phương pháp Thiền này, và thân sẽ trở thành một nhóm các rung động, các nguyên tử. Đây là sự thật tối hậu thuộc về thân xác chắc đặc này. Giả sử, bây giờ, ta đưa vào một hình ảnh tưởng tượng, chắc đặc, trừ khi, ta chia cắt và làm cho hình ảnh này tan rã thành các rung động, nếu không, ta không đạt được mục đích. Tại sao phải tạo nên một cái gì để rồi làm cho nó tiêu tan đi? Ta đã có sẵn quá nhiều sự chắc đặc rồi, rất khó mà làm cho nó tiêu tan đi. Vì thế, tưởng tượng, tụng niệm không được cho phép ở đây.

Chỉ có cảm giác mà ta cảm nghiệm được trong từng khoảnh khắc đúng như nó đang là, chứ không phải cái gì do mình tạo ra, mà là sự rung động tự nhiên, cảm giác tự nhiên do ta cảm nghiệm được, điều này sẽ đưa ta tới Paññā. Ta bắt đầu cảm nghiệm được toàn bộ cơ thể, quan sát các cảm giác, hiểu rõ đặc tính sinh diệt của các cảm giác. Nếu ta không hiểu rõ bản chất khởi lên và diệt đi của từng rung động này, thì có nguy cơ các cảm giác sẽ gây ra sự ham muốn hay ghét bỏ. Điều này tiếp tục xảy ra suốt đời mình hết kiếp này sang kiếp khác. Các cảm giác luôn luôn có đó, phần sâu thẳm của tâm mình, tâm vô thức vẫn luôn luôn cảm nhận được các cảm giác dễ chịu hay khó chịu. Khi cảm giác là dễ chịu, phần vô thức này cứ tiếp tục phản ứng bằng ham muốn. Khi cảm giác là khó chịu, phần vô thức này cứ tiếp tục phản ứng bằng ghét bỏ. Phần này vốn là cội rễ của tâm, đã trở thành tù nhân của khuôn mẫu, thói quen. Trong mọi khoảnh khắc, ngày cũng như đêm,tâm vô thức không ngừng phản ứng, nếu không bằng ham muốn thì bằng ghét bỏ. Sự phản ứng này cũng hiện lên trên bề mặt của tâm, chịu ảnh hưởng của phần gốc rễ. Nếu ta cố sửa tâm cho đúng ở phần bề mặt, đôi lúc,ta có thể thành công. Nhưng nếu phần gốc rễ không được lành mạnh, thì toàn thể tâm trí vẫn không được lành mạnh. Đây là khám phá của Đức Phật. Ấn độ là vùng đất cổ xưa và là vùng đất tâm linh cao độ.

Nhiều thử nghiệm về sự thanh lọc tâm, về sự giải thoát con người đã được thực hiện ở đây. Nhưng chúng tôi thấy rằng tất cả các Thiền sư trước thời Đức Phật, cùng thời với Đức Phật và sau thời Đức Phật đều có cùng một lời: “Ta phải thoát khỏi tâm ham muốn, ghét bỏ, si mê, lầm lạc. Chỉ nhờ thế ta mới được giải thoát”. Bây giờ, ham muốn cái gì? Ghét bỏ ghét bỏ cái gì? Sáu giác quan và sáu đối tượng tương ứng của chúng giác quan ấy. Ta phải không ham muốn bất cứ đối tượng nào như hình ảnh, hình dáng, màu sắc hay ánh sáng là đối tượng của mắt; ta thích nó thì phát triển lòng ham muốn; ta không thích nó thì phát triển tâm ghét bỏ. Âm thanh là đối tượng của tai, một âm thanh nào đó; ta thích nó thì ham muốn; ta không thích nó thì ghét bỏ nó; Cứ thế, mùi hương trong mũi, Vị cho lưỡi, xúc chạm cho thân và tư tưởng hay cảm xúc cho tâm.

Tất cả các Thiền sư đều nói về sáu đối tượng này: “Đừng chìm đắm vào các đối tượng giác quan này. Nếu không, ta sẽ chẳng bao giờ giải thoát được. Hãy thoát ra khỏi sự mê đắm này”. Đức Phật cũng nói như thế, nhưng Ngài còn tiến sâu hơn một bước, một việc mà không Thiền sư nào khác làm. Ngài đi sâu hơn vì Ngài đã không luyện tập bằng bất cứ tín ngưỡng nào hay triết thuyết nào trong quá khứ. Ngài bỏ tất cả mọi tín ngưỡng qua một bên mà không kết án chúng. Như nhà khoa học, Ngài bắt đầu truy tìm sự thật thuộc về tâm và thân, nơi khổ đau thực sự bắt đầu và quan sát sự thật. Ngài đạt tới giai đoạn thăm dò ở mức độ rất sâu về năm tập hợp thân tâm (Ngũ uẩn). Tập hợp vật chất, toàn thể cơ cấu thân xác này với các nhómKalāpa (Vi tử cực nhỏ) khởi lên diệt đi. Và bốn tập hợp của tâm là phần hay biết (Thức), phần nhận định (Tưởng), phần cảm nhận (Thọ) và phần phản ứng (Hành).

Tất cả năm tập hợp này hợp lại thì chúng ta có sự vô minh này: “Tôi, tôi, tôi là cơ cấu thân xác này, tôi đang hay biết. Đây là sự hay biết của tôi. Tôi đang nhận định, đây là sự nhận định, phân biệt của tôi. Tôi đang cảm nhận, đây là cảm giác của tôi. Tôi đang phản ứng, đây là phản ứng của tôi”. Cái “Tôi” này, cái “Của tôi” này là ràng buộc, nhiều ràng buộc Kinh khủng ở năm tập hợp này. Bởi vì ràng buộc Kinh khủng này nên năm tập hợp này cứ nảy sinh và sanh sôi nảy nở. Các Saṅkhāra cứ sanh sôi nảy nở, sự khổ đau cứ sanh sôi nảy nở. Người ta có thể hiểu ở mức độ thực nghiệm đây là nơi phiền não bắt đầu.

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

 

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

Các bài viết trong sách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *