Ước muốn mà không được
Nguyên nhân sâu xa của sự khổ đau (Tập đế)
Ngài đã thấu hiểu những điều này sâu tận bên trong, rồi Ngài đi sâu hơn, sâu hơn nữa, tới một giai đoạn vấn đề trở nên rất rõ ràng. Tóm lại, ở mức độ thâm sâu, khổ đau ấy là do sự ràng buộc vào năm tập hợp (Ngũ uẩn) sau: Đầu tiên là Sắc, một tập hợp thân xác bao gồm các vi tử li ti (Kalāpa). Còn bốn tập hợp kia thuộc về tâm, đó là phần hay biết của tâm (Thức), phần nhận định của tâm (Tưởng), phần cảm nhận của tâm (Thọ) và phần phản ứng của tâm (Hành).
Cả 5 tập hợp đó hợp lại tạo thành cá thể này. Cái “Tôi” này và nhiều ràng buộc ghê gớm vào cái “Tôi” ấy. Tất cả của 5 tập hợp này là kết quả của sự ràng buộc, bám víu (Tham ái). Ta tiếp tục ràng buộc vào 5 tập hợp này và cứ thế mà chìm đắm và lăn lộn trong khổ đau. Sự thể dần dần trở nên rõ ràng hơn.
Càng dính mắc vào cái “Tôi”, càng khổ đau
Có 4 sự ràng buộc căn bản. Một sự ràng buộc đến cái “Tôi” này. Cái “Tôi” tưởng tượng mà không biết cái “Tôi” này là gì. Những vi tử li ti này có phải là Tôi? Nhưng người ta vẫn còn gọi nhóm vi tử này là Tôi, Tôi, Tôi. Còn bốn tập hợp này: Phần hay biết của tâm làm nhiệm vụ rồi diệt đi, nó hay biết rồi diệt đi, có phải là Tôi chăng? Phần nhận định của tâm làm nhiệm vụ rồi diệt đi, có phải đây là Tôi? Phần cảm nhận của tâm, cảm nhận rồi diệt đi, có phải là Tôi chăng? Phần phản ứng của tâm, phản ứng lại rồi diệt đi, có phải đấy là Tôi chăng? Hay cả 5 hợp lại, có phải đấy là Tôi chăng? Nhưng cái “Tôi” này vô cùng quan trọng, luôn luôn được viết bằng chữ “T”.
Nếu bất cứ ai nói một lời động đến cái “Tôi” này, người ta cảm thấy rất bực bội mà không hiểu cái “Tôi” này là gì. Một cái “Tôi” tưởng tượng, một cái “Tôi” được sáng tạo ra, nhưng có rất nhiều ràng buộc đến cái “Tôi” ấy. Có ai làm gì ràng buộc đến cái tôi này, người ta cảm thấy phát nóng lên, rất dao động và khổ sở vô cùng: “Tôi”, “Tôi”, “Tôi”. Nhiều ràng buộc ghê gớm đến cái “Tôi” này. Nó chẳng mang lại điều gì ngoài đau khổ.
Càng dính mắc vào cái “của Tôi”, càng khổ đau
Rồi phạm vi khu vực cái “Tôi” này lan rộng, cái mài chúng ta là gọi là “của Tôi” đi vào khu vực này. Rồi ta bị ràng buộc vào cái “của Tôi” này, bị ràng buộc hết sức ghê gớm vào cái “của Tôi” này: “Ô! Cái đồng hồ đeo tay của tôi, cái đồng hồ tuyệt vời của tôi. Cái đồng hồ rất giá trị do một Thiền sinh mang từ nước ngoài đến biếu tôi. Cái đồng hồ tuyệt diệu và rất giá trị”.
Một hôm, vì tôi vô ý, nó rơi xuống và bị vỡ. Tôi bắt đầu than khóc: “Ô! Chiếc đồng hồ giá trị này, bây giờ bị bể rồi. Tôi không tìm ra được phụ tùng trong nước để sửa nó. Làm sao tôi sửa được nó đây?” và than khóc, than khóc, than khóc. Cũng cùng một kiểu đồng hồ ấy, nó cùng trị giá, trên cổ tay một người bạn rơi xuống và bị vỡ. Tôi không khóc, tôi không hề khóc lóc gì cả. Mặt khác, tôi bắt đầu lên lớp, dạy đời: “Bạn à! Bạn nên cẩn thận mới phải, trong nước không có loại đồng hồ này, bạn không thể kiếm loại phụ tùng này để sửa nó”.
Tôi không khóc, tại sao? Cũng cùng chiếc đồng hồ, cùng kiểu và giá trị như nhau, nhưng tôi không khóc. Không ai khóc cho sự bể vỡ của cái đồng hồ giá trị cả, chẳng có ai khóc cả. Mà người ta chỉ khóc cho sự bể vỡ cái đồng hồ “của Tôi”: “Đồng hồ của tôi bị vỡ, đồng hồ của tôi bị vỡ”. Cái “của Tôi” này, một sự ràng buộc ghê gớm đến cái “của Tôi”. Cho dù cái “của Tôi” này đáng giá vài đô la hay trị giá hàng triệu đô, chẳng có ảnh hưởng đáng kể gì cả.
Tuy nhiên, ràng buộc nhiều bao nhiêu, chắc chắn khổ đau sẽ nhiều bấy nhiêu. Ràng buộc càng sâu, khổ đau càng sâu. Ràng buộc càng mạnh, khổ đau càng nhiều. Đây là quy luật tự nhiên, chúng ta càng hành Thiền, quy luật này càng trở nên rõ ràng hơn. Ràng buộc, bám víu chắc chắn mang lại khổ đau, không gì khác ngoài khổ đau.
Một chuyện xảy ra, hồi tôi từ Miến Điện về Ấn Độ khoảng 2, 3 năm trước. Dạo ấy, không có trung tâm Thiền nào cả. Do đó, những người mong muốn phương pháp Thiền này được truyền bá đến cho những người khổ đau. Khóa Thiền thường được tổ chức ở những nơi như giáo đường Hồi giáo, ngôi đền, nhà thờ, trường học…. Có một khóa được tổ chức ở một làng xa xôi, tại một trung tâm hành hương của những người theo đạo Jake, ngôi đền đạo Jake. Họ hân hoan lắm, có một hay 2 người từ làng đó đến tham dự. Còn hầu hết, các Thiền sinh đến từ các làng lân cận. Có một bà rất già và nghèo đến học. Có người biếu bà vé xe lửa để bà tham dự khóa Thiền. Trong 5 ngày đầu, bà rất vui vẻ và có tiến bộ.
Bất ngờ, vào ngày thứ 6, bà biết rằng vào lúc sáng sớm có buổi tụng Kinh, lời cầu an và chúc lành…trong chánh điện. Bà ấy hỏi: “Tôi có thể đến đó tham dự được không? Trong chương trình không nói gì cả”. Ban quản trị nói: “Được, bà có thể đến nhưng bà phải ngồi Thiền ở đó”. Sau đó, bà ta đến và Thiền. Cuối buổi tụng Kinh, bà ta rất vui vẻ và tươi cười. Khi về nhà nghỉ, tới phòng ngủ của bà, bà bật khóc lớn thành tiếng. Nhiều người chạy đến: “Chuyện gì đã xảy ra? Có con bò cạp nào chích, có con rắn nào cắn bà ta không? Bà già này gặp chuyện gì rồi?”. Bà ta không trả lời và cứ tiếp tục khóc, khóc, khóc nức nở. Sau một lúc, bà nói:
“Tôi có mang theo cái túi vải đến đây. Trong túi có 20 đồng Rubee (Theo giá trị lúc bấy giờ 20 Rubee chưa đến một đô la Mỹ), 20 Rubee tiền một đời tiết kiệm trong cái túi này. Cách đây 60 năm, khi lập gia đình, tôi có một cái vòng nữ trang bằng bạc làm của hồi môn. Nữ trang ấy cũng nằm trong túi đó. Khi đến đây học, có người cho tôi viên kẹo và nó cũng trong túi đó. Mỗi lần tôi Thiền, tôi để cái túi dưới chân. Khi tôi ngủ, tôi để nó dưới gối. Sáng nay, trước khi tới chánh điện, tôi đã để nó trong phòng tôi. Ai đó đã lấy mất rồi. Ôi! Tôi bị ăn trộm rồi. Tất cả của cải để dành được đã bị mất trộm hết rồi”.
Bà ta tiếp tục khóc. Người ta nói 20 đồng Rubee tiền mặt và món nữ trang nhiều lắm cũng trị giá 20 Rubee, cứ cho là 40 hay 50 Rubee: “Bà cụ ơi! Đừng khóc nữa, chúng tôi sẽ biếu bà 50 Rubee. Bà cứ tiếp tục hành Thiền đi, sự hành Thiền của bà đang tiến triển tốt lắm”. Bà ta tiếp tục khóc, người ta nghĩ nên góp tiền đưa cho bà và cho rằng tiếng khóc sẽ ngưng. Họ bắt đầu góp tiền, thay vì 50 Rubee, họ thu được 100 Rubee và rất vui vẻ: “Bây giờ, bà già này sẽ hết khóc”. Họ đem biếu bà số tiền ấy, nhưng bà ta ném tiền đi: “Tôi sẽ làm gì với số tiền này? Cái vòng nữ trang bằng bạc là của hồi môn. Tôi lấy lại nó ở đâu bây giờ? Giờ nó đã mất rồi”.
Người ta tiếp tục tìm nhưng không thấy món nữ trang này. Rồi chiều tối hôm ấy, có người thấy con khỉ ở lùm cây lấy kẹo trong túi ra ăn. Người ta đuổi theo con khỉ, lấy lại cái túi và đem trả lại nữ trang cho bà. Lúc đó, bà ta mới hết khóc. Ham muốn, cho dù món đồ trị giá 20 Rubee hay đáng giá 20 triệu Rubee đi nữa, cũng chẳng có khác biệt gì. Ràng buộc nhiều bao nhiêu, ham muốn nhiều bao nhiêu, chắc chắn khổ đau càng nhiều bấy nhiêu.
Dù không dù từ “Tôi”, “của Tôi” nhưng ta vẫn ràng buộc vào nó
“Tôi”, “của Tôi”, cho dù chúng ta có dùng những chữ này hay không, cũng chẳng có gì khác cả. Cái chính là cái “Tôi”, “của Tôi” và những ràng buộc của ta vào nó. Điều này mang lại đầy bất hạnh và khổ đau. Tôi nhớ một câu chuyện khác. Một lần nữa, chuyện xảy ra ở một làng hẻo lánh tại vùng phía Bắc Ấn Độ. Có một Tu sĩ học rộng đến tham dự khóa Thiền. Sau 5 hay 6 ngày, ông ta đến gặp tôi:
- Goenkaji! Vào khoảng 12h – 1h trưa, ông cho Thiền sinh hỏi pháp, mỗi người có 10 phút thôi. Mười phút cho mỗi Cư sĩ này, họ có câu hỏi gì? Ngay cả 10 phút là nhiều đối với họ. Tôi là Tu sĩ, một người sống ẩn dật và có rất nhiều câu hỏi. Xin vui lòng dành cho tôi nửa tiếng.
- Thưa ngài, tôi sẽ biết Ngài sẽ nói triết lý này, triết lý nọ và tôi không quan tâm lắm đến những thứ đó. Tôi không thể dành nhiều thời giờ cho ngài.
- Ồ không, Goenkaji! Trong 5 ngày, tôi đã nhận thấy rằng tất cả câu chuyện bàn về triết học là vô dụng. Tôi sẽ chỉ nói về phần kỹ thuật.
- Tại sao ông cần tới nửa giờ để nói về phần kỹ thuật?
- Ồ! Xin vui lòng cho tôi nửa giờ.
- Được, bằng mọi cách tôi sẽ ráng thu xếp, hãy đến!
Và ông ta đến, khoảng 5 phút đầu ông ta nói về phần kỹ thuật. Bất ngờ, ông ta đổi chủ đề:
- Goenkaji! Ở thành phố lớn đó (thành phố nơi ông ta đến), tu viện “của Ông”.
- Tu viện của tôi? Tu viện luôn luôn thuộc về các Tu sĩ, chứ không phải là Cư sĩ. Tôi là Cư sĩ , làm sao tôi có thể có tu viện được?
- Goenkaji! Hãy ráng hiểu cho, tu viện “của Ông”.
- Thưa ngài! Tôi không thể nào có một tu viện được. Tôi là Cư sĩ và có bằng chứng hiển nhiên tôi là Cư sĩ, vợ tôi ngồi bên cạnh đây. Làm sao tôi có tu viện được?
- Goenkaji!, tu viện “của Ông”, tu viện “của Ông”. Trong tu viện “của Ông”, con voi “của Ông”.
- Con voi của tôi? Ông nói gì thế?
Rồi đột nhiên, có cái gì dễ hiểu, lóe lên trong trí tôi. Đây là nước Ấn Độ, một xứ sở tuyệt vời, rộng lớn, có rất nhiều truyền thống. Có người có truyền thống, có niềm tin mãnh liệt và suốt đời họ, họ sẽ không bao giờ dùng đến những tiếng không trong sạch như chữ “Tôi”, “của Tôi”. Bất cứ khi nào phải nói “Tôi”, họ sẽ nói “Ông”, bất cứ khi nào họ phải nói “của Tôi”, họ sẽ nói “của Ông”. A! Tôi hiểu ra rồi: “Vâng thưa ngài, tu viện của tôi, con voi của tôi, xin tiếp tục nói. Chuyện gì xảy ra?”
Đây là một Tu sĩ, người ta từ bỏ mọi thứ trên đời. Ông ta đã xây một tu viện ngay giữa thành phố mà không có giấy phép của Hội đồng thành phố hay chính quyền địa phương. Họ đã nhận được lệnh phá bỏ tu viện ấy và không được phép giữ voi trong thành phố. Có lệnh mang voi đi chỗ khác. Vị Tu sĩ này nghe phong phanh đâu đó là Ông Thị trưởng thành phố ấy, có lần đến Miến Điện và ở lại nhà tôi vài ngày.
- Như thế, Goenkaji! Chỉ cần vài lời của ông, tu viện “của Ông” sẽ được nguyên vẹn và con voi “của Ông” sẽ được giữ lại.
Ông ta đã không dùng chữ “Tôi” và cũng không dùng chữ “của Tôi”, nhưng ông ta có quá nhiều vướng mắc, ràng buộc. Sự vướng mắc chắc chắn mang lại khổ đau, không gì ngoài khổ đau. Vướng mắc, ràng buộc nhiều bao nhiêu, chắc chắn khổ đau sẽ nhiều bấy nhiêu. Nếu tôi phát triển sự ràng buộc vào cái “Tôi” này và cái “Tôi” này tồn tại mãi mãi thì sẽ không có khổ đau nào cả.
Hay nếu tôi phát triển sự ràng buộc vào cái “của Tôi” này, cái “của Tôi” này tồn tại mãi mãi thì sẽ không có khổ đau nào cả. Nhưng khổ nỗi là cái “Tôi” và cái “của Tôi” này không tồn tại mãi mãi, bất cứ cái gì tôi gọi là “của Tôi” thì nó diệt đi và tôi bất lực, không làm được gì cả. Cho dù cái “của Tôi” tồn tại đó, nhưng cái gọi là “Tôi” diệt đi và tôi bất lực, không làm được gì hết. Cái chết, sự chia lìa chắc chắn sẽ đến và mang lại rất nhiều khổ đau. Nếu còn ràng buộc, bám víu thì còn nhiều khổ đau.
Sự ràng buộc chính yếu là cái “Tôi” này sẽ biến thành cái “của Tôi”
Người ta còn tạo ra một ràng buộc khác nữa, sự ràng buộc chính yếu là cái “Tôi” này sẽ biến thành cái “của Tôi”. Và rồi, quan điểm của tôi, triết thuyết của tôi, giáo điều của tôi, tín ngưỡng của tôi, tôn giáo của tôi, truyền thống của tôi. Người ta phát triển sự ràng buộc ghê gớm đến quan điểm của mình, mà không hiểu là mình đang đeo cặp kính màu và bị ràng buộc vào màu sắc của cặp kính ấy. Nếu tôi đeo mắt kính màu đỏ, với tôi, mọi thứ đều đỏ. Người khác mang mắt kính màu xanh, với người ấy, mọi thứ đều xanh. Chúng ta tiếp tục chống đối nhau: “Tôi không thể thuyết phục ông ta cả mọi thứ đều đỏ và ông ta không thể thuyết phục tôi là mọi cái đều xanh”. Chúng ta tiếp tục chống đối nhau, có thể đánh vỡ đầu nhau vì sự bảo thủ, cố chấp. Chúng ta vẫn không thể thỏa hiệp được, và sự cố chấp về màu sắc, chúng ta không nhìn thấy đúng như thật. Cố chấp lớn lao mang lại đau khổ lớn lao.
Rồi trong một số trường hợp ta bị dính mắc vào nghi lễ, nghi thức …. Tôi đã nhìn thấy không phải ở Tây phương mà là Đông phương, người ta bị ràng buộc vào nghi lễ, nghi thức hàng ngày của họ. Khi đến học Vipassana, họ nói: “Tại sao ông bỏ hết các nghi lễ này, nghi thức này? Hãy cho tôi 15 phút, sau khi hoàn tất các nghi lễ của tôi, rồi tôi sẽ đến ngồi thiền”. Được trả lời là “Không”, nên họ rất bực tức. Dĩ nhiên, sau này, họ bắt đầu nhận ra lý do tại sao chúng tôi không cho phép. Nhưng thoạt tiên, họ khổ đau vì sự ràng buộc. Bốn ràng buộc, bám víu sâu xa này làm cho chúng ta đau khổ rất nhiều.
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.