BÀI GIẢNG NGÀY THỨ SÁU

Năm chướng ngại trên đường tu tập

Có những chướng ngại, khó khăn, theo ngôn ngữ thời ấy, chúng được gọi là Nīvaraṇa (triền cái). Chúng như những tấm màng dày không cho phép ta nhìn thấy những gì phía sau chúng. Ta không thể thấy sự thật bên trong mình vì những trở ngại, hàng rào ngăn cản (Nīvaraṇa) này. Có 5 chướng ngại chính hay còn gọi là 5 kẻ thù lớn của những ai hành Thiền Vipassana. Hai trong số 5 kẻ thù lớn này là sự ham muốn và ghét bỏ. Ta đang hành Thiền để thoát ra khỏi thói quen ham muốn hay ghét bỏ cũ của mình. Nhưng trong khi hành Thiền vì vô mình, ta làm gia tăng gấp bội lòng ham muốn hay tâm ghét bỏ. Đáng lẽ ra ta phải thoát ra khỏi nỗi khổ của sự ham muốn hay ghét bỏ. Hãy nhìn xem những gì ta đã bắt đầu làm. Đây là vì thói quen khuôn mẫu cũ của tâm, vì thiếu hiểu biết, vì hai chướng ngại này. Điều này xảy ra thế nào?

Ham muốn (Tham lam)

Ví dụ, trong một khóa Thiền như thế này, có nhiều lý do đòi hỏi Thiền sinh được trò chuyện với nhau. Nếu có bất cứ vấn đề gì, ta có thể thảo luận với Thiền sư, nhưng ta nên tự mình tiếp tục tu tập. Tuy nhiên, tâm con người là tâm con người, nó luôn tò mò về người khác. Có được cơ hội, ta bắt đầu nói:

  • Này, về phần bạn thì sao?
  • Tôi có luồng rần rần chạy khắp cơ thể
  • Rần rần khắp cơ thể à?
  • Tôi không có rần rần chút nào cả
  • Tôi có được luồng cảm giác tuyệt vời như luồng điện khắp cơ thể
  • Luồng điện à? Tôi không có được luồng điện này

Rồi khi ta ngồi thiền: “Tôi muốn có cảm giác rần rần, tôi muốn có các luồng điện. Ồ! Chẳng có luồng điện nào cho tôi cả, chẳng có cảm giác rần rần nào cho tôi cả. Ta tiếp tục ham muốn, ham muốn, ham muốn. Ta đến đây để thoát khỏi sự ham muốn, nhưng nhân danh phương pháp Thiền Vipassana, ta lại bắt đầu ham muốn, ham muốn, ham muốn. Ham muốn là khổ đau ngay cả khi ta ham muốn đạt mục tiêu cuối cùng, sự giải thoát hoàn toàn (Nibbāna): “Tôi muốn Nibbāna, Tôi muốn Nibbāna”. Ta đang chạy ngược hướng với Nibbāna. Nibbāna là giai đoạn không còn ham muốn mà ở đây, ta lại phát triển lòng ham muốn của mình. Làm sao ta có thể đạt tới giai đoạn không còn ham muốn bằng cách phát sinh thêm ham muốn? Không thể được. Cho nên, bất cứ khi nào ta thấy kẻ thù này đang khống chế mình, hãy thoát ra khỏi nó càng sớm càng tốt, không cho phép nó khống chế mình. Bất cứ cái gì khởi lên ở khoảnh khắc này, cảm giác này hay cảm giác kia, cho dù không có cảm giác nào cả cũng chẳng thành vấn đề. Ta chấp nhận sự thật ở khoảnh khắc này đúng như thật. Cái gì không có ở đó, ta ước muốn nó, thì khuôn mẫu thói quen cũ tự nó tái diễn. Ta đang muốn cái không có ở đó và điều này trở thành ham muốn. Ta bắt đầu bị sự ràng buộc vào ham muốn này. Nó trở thành sự đau khổ lớn lao cho chúng ta.

Ghét bỏ (Sân hận)

Tương tự như thế với sự ghét bỏ, một ví dụ, ta phải ngồi một giờ kiên định với sự quyết tâm mạnh mẽ (Adhiṭṭhāna). Ta không được mở mắt ra, duỗi chân, duỗi tay ra. Bằng cách này hay cách khác, ta chịu được nửa giờ, 45 phút, sau đó, nỗi thống khổ bắt đầu. Rồi cũng cái tâm con người ấy, tò mò về người khác, ta được yêu cầu không được mở mắt ra nhưng vẫn hé mắt chút xíu: “Cái gì đang xảy ra với những người khác? Chỉ có mình tôi khổ vì đau hay sao?”, ta rất tò mò về người khác. Và lúc ấy, ta nhận thấy rằng ai ai cũng ngồi yên như tượng Phật. Điều này có nghĩa là họ không đau đớn gì cả: “Chỉ có tôi đau hay sao? Cái đau của tôi chẳng hết đi, cái đau của người khác đã đi mất. Ồ! Cái đau này”.

Sự ác cảm của mình đối với cái đau này gia tăng gấp bội: “Thầy tôi cứ nói rằng mọi sự đều Aniccā (Vô thường). Có thể đúng như thế, nhưng cái đau này là vĩnh viễn, nó không phải là vô thường. Đã bao nhiêu lần tôi nói với cái đau này: “Nhà ngươi là vô thường”, nhưng cái đau vẫn không hết, cái đau này là vĩnh viễn”. Chán ghét, chán ghét, chán ghét, kẻ thù này đã khống chế chúng ta. Chúng ta đang làm gia tăng gấp bội tâm ghét bỏ, chúng ta đến đây để thoát ra khỏi tâm ghét bỏ, nhưng lại làm gia tăng nó. Còn hai kẻ thù lớn khác nữa, ta cần hiểu rõ rằng tất cả những kẻ thù ở đây là những tật xấu tinh thần, vốn đến với tâm chúng ta với tư cách là khách. Rồi chúng trở thành chủ nhân của căn nhà này và không muốn ra đi. Khi ta thực hành Vipassana, chúng không thể ở lại mà phải ra đi. Cũng như ta bật công tắc đèn lên, ánh sáng tới bóng tổi phải ra đi. Ta không phải nói: “Bóng tối, Ồ! Ngươi hãy đi đi, có ánh sáng rồi”. Khi ta thực hành Vipassana, những tật xấu này phải ra đi, nhưng chúng không muốn đi, nên từ bên trong chúng ta, chúng phản kháng: “Đừng Thiền Vipassana nữa, phương pháp Thiền này không tốt cho bạn. Tôi không muốn đi, bạn hãy ngưng Vipassana”. Hai loại phản kháng bên trong đã được nêu ra.

 

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

 

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

Các bài viết trong sách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *