BÀI GIẢNG NGÀY THỨ 8
Phương pháp này không làm cho ta trở nên thụ động, mà trở nên năng động
Đây không phải là kiểu, tôi là người hành Thiền Vipassana, cứ để cho bất cứ ai đến cắt tôi như cắt rau, tôi không quan tâm. Ồ! Không, không phải thế đâu. Ta trở nên đầy linh hoạt và năng động. Cuộc đời phản ứng, sẽ mất đi không còn nữa, phản ứng luôn luôn tràn đầy tiêu cực, đầy ắp khổ đau. Giờ đây, chỉ có hành động và hành động thì luôn tích cực, tốt lành cho mình và cho người khác. Sự đổi thay này sẽ tới, nhiều lúc ta phải có biện pháp mạnh trong lời nói, việc làm, cần có biện pháp mạnh. Nhưng sâu tận bên trong, tâm ta tràn đầy tình thương, đầy lòng từ bi. Khi cần thiết, phải có hành động mạnh, người ta phải làm.
Ví dụ, một đứa bé đang chạy gần tới lửa hay gần con rắn độc vì với đứa bé đó là đồ chơi. Ta không thể cho phép điều đó được, ta dùng hết sức để ngăn đứa bé đến gần. Đứa bé sẽ khóc, nó sẽ không thích đâu nhưng ta phải ngăn không cho đứa bế đến gần. Ta không giận gì đứa bé, chỉ có lòng từ bi, chỉ có thiện ý, ta muốn giúp đứa bé nhưng ta phải dùng đến sức mạnh. Nếu có một người rất hung hổ, một kẻ vũ phu đang hãm hại người yếu đuối và ta nói: “Tôi là người hành Thiền Vipassana, tôi không quan tâm, họ khổ đau vì Kamma, nghiệp chướng của riêng họ”. Không đâu! Dhamma không dạy ta như thế đâu, ta sẽ có biện pháp mạnh để ngăn kẻ bạo hành làm điều sai quấy. Nếu không phải là người hành Thiền Vipassana thì ta cũng sẽ phải có biện pháp như thế, biện pháp rất mạnh, biện pháp rất mạnh chống lại kẻ hung bạo ấy. Khi đó, ta có nhiều từ bi với nạn nhân, kẻ yếu đuối hơn và rất nhiều giận dữ đối với kẻ hung bạo.
Nhưng bây giờ thì khác, ta có lòng từ bi với kẻ yếu đuối nhưng ta lại có nhiều từ bi hơn với kẻ hung bạo: “Hắn ta là người vô minh, hắn không biết điều hắn đang làm, không những hắn hãm hại kẻ yếu đuối mà còn tự làm hại chính hắn. Hắn đang tạo ra rất nhiều bất thiện, rất nhiều ác ý. Qua đó, hắn đang tự hại hắn, hắn chẳng hiểu gì cả và hắn rất vô minh nên hắn không hiểu lời nhỏ nhẹ. Chúng ta phải dùng lời nghiêm khắc, hắn ta chỉ hiểu ngôn ngữ này”.
Ta phải có biện pháp mạnh, biện pháp cứng rắn, nhưng đầy tình thương, đầy lòng từ bi. Trước hết ta phải tự xét mình, bất cứ khi nào cần phải dùng biện pháp mạnh, ta phải tự xét mình. Ta tự xét mình và lưu ý rằng: “Đây là các cảm giác tôi đang cảm thấy do tình hình bên ngoài. Hiện đang có các cảm giác và tôi không phản ứng lại chúng. Với người tôi đang sắp có biện pháp cứng rắn đây, tôi có lòng từ bi, không gì ngoài lòng từ bi cho người ấy”. Rồi thì đúng thế, phương pháp Thiền đã bắt đầu có hiệu nghiệm đối với ta. Nhiều chuyện xảy ra trong đời Thầy của tôi, Sayagyi U Ba Khin, cho thấy rõ điều này. Đôi khi, Ngài có biện pháp mạnh.
Đôi khi, những người không thường gần gũi Ngài sẽ nghi ngờ: “Ông ta thuộc loại Thầy Vipassana gì thế, đôi khi ông ta rất lớn tiếng, điều này có thể là sao?” Nhưng với những người gần gũi ngài, với chúng tôi, điều này thật rõ ràng. Khi Ngài lớn giọng không hề có một mảy may tức giận dù Ngài trông có vẻ rất giận dữ. Sâu tận bên trong chỉ có tình thương, chỉ có lòng từ ái. Dĩ nhiên, Thầy tôi là người tuân theo kỷ luật rất nghiêm ngặt. Ngay cả tại văn phòng của Ngài hồi còn làm cho chính phủ và cũng nghiêm ngặt như thế.
Tại trung tâm Thiền, bất cứ điều lệ hay kỷ luật nào, mỗi Thiền sinh phải tuân theo đúng. Mục đích của người ta đến với trung tâm Thiền là để học và phát triển trong Dhamma. Nếu không làm việc đúng đắn thì sẽ không ích lợi gì. Cho nên, đôi khi, Thầy tôi rất nghiêm khắc. Có nhiều phòng Thiền nhỏ, có thể có người ra khỏi phòng Thiền và đi bộ vòng quanh. Thầy Tôi sẽ hỏi: “Này bạn đang làm gì thế?”. Và người Thiền sinh có thể trả lời: “Thưa ngài, tôi tình cờ phải làm chuyện này, tôi bỗng nhiên phải làm chuyện này, tôi cần phải ra khỏi phòng Thiền. Được rồi, tôi sẽ trở về phòng”.
Một lúc sau anh ta lại đi ra, Thầy lại hỏi: “Này, chuyện gì thế?”. Và người đó lại viện cớ này, cớ nọ. Khi chúng tôi biết rằng anh bạn này không làm việc theo quy cũ, kỷ luật, lúc đó, Thầy tôi vẫn ngồi trong Thiền đường và nói: “Goenka, tôi phải lớn giọng với người này, để tôi đi xuống dưới đó. Các phòng Thiền dưới đấy chỉ cách có 5, 6 bước. Ngài bước xuống, gõ cửa và hét lớn tiếng và đấy là một tiếng hét của Vị Thiền sư Vipassana vĩ đại. Tiếng hét ấy như một trận động đất, toàn thể trung tâm Thiền Vipassana bắt đầu rung rinh. Ngài hét lớn, rồi Ngài bước lên 4 hay 5 bước mỉm cười lớn tiếng: “Goenka tôi đã lớn giọng với người này, tôi đã lớn giọng, đây là thứ lớn giọng gì thế?” Đầy tình thương, đầy lòng từ ái.
Như thế, nhiều lần trong đời, ta phải có biện pháp mạnh, bởi vì có người không hiểu bất cứ ngôn ngữ nào khác. Hãy có quyết định cứng rắn nhưng luôn luôn với tình thương, luôn luôn với lòng từ ái và thiện ý. Nếu có, dù chỉ một mảy may ác ý nào, ta đã bắt đầu tự hại mình. Làm sao ta có thể giúp người khác được, nếu ta không thể giúp mình. Làm sao ta có thể giúp người khác được? Trước hết ta phải tự giúp mình, hãy vững mạnh lên để giúp kẻ yếu đuối. Nếu ta đi khập khiễng, ta không thể trợ giúp người khập khiễng khác. Nếu ta mù lòa, ta không thể chỉ đường cho người mù lòa khác. Trước tiên, hãy làm cho chính mình vững mạnh lên, tự giúp bản thân mình trước rồi ta mới có thể giúp người khác được.
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.