BÀI GIẢNG NGÀY THỨ NĂM
Vòng 12 nhân duyên luân hồi sinh tử
Toàn thể vòng nhân duyên sinh và từng mắc xích rất rõ ràng: Vì vô minh (Avijjā) người ta tạo ra hành động chủ ý (Saṅkhāra); vì Saṅkhāra nên có thức (Viññāṇa); vì có Viññāṇa kiếp sống mới của tâm và thân (Nāma-rūpa) bắt đầu hiện hữu; với sự hiện hữu của thân và tâm này, 6 giác quan (Saḷāyatana) sinh khởi; vì có 6 giác quan ấy nên có xúc chạm (Phassa); vì có xúc chạm nên có cảm giác (Vedanā); vì có cảm giác nên có ham muốn (Taṇhā); rồi ham muốn biến thành bám víu, ràng buộc (Upādāna) sâu đậm; vì sự ràng buộc sâu đậm này, tiến trình dòng chảy của sự sống (Bhava – Hữu) được khởi đầu. Dòng sự sống tiếp tục trôi chảy, nó tập hợp đủ năng lực. Mỗi khi cuộc sống chấm dứt, Bhava-Saṅkhāra nằm rất sâu, chịu trách nhiệm tạo nên một cuộc sống mới.
Tiến trình trở thành (Bhava) cứ thế tiếp tục. Vào lúc chết, nó không ngừng lại mà tiếp tục. Và bởi vì tiến trình trở thành mà ngay cả sau khi chết, một kiếp sống mới (jāti – Sinh) lại bắt đầu. Một lần nữa một kiếp sống mới lại tái sinh. Vì có sinh thì có già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não (jarā-maraṇaṃ). Bất cứ khi nào kiếp sống bắt đầu, người ta phải trải qua tất cả những khổ đau này. Khổ vì tuổi già, khổ vì bệnh, khổ vì chết, khổ vì điều mong muốn không đạt được và khổ vì gặp điều không như ý…. Vì sự tái sinh đã bắt đầu, người ta phải trải qua đủ mọi khổ đau của tinh thần và thể xác này. Toàn thể tiến trình này đã trở nên rất rõ ràng cho bất kỳ ai tu tập sâu hơn. Sau khi đã hết vô minh và hiểu rõ sự thật, hiểu rõ ở mức độ thực nghiệm, bấy giờ, tiến trình ấy trở nên rõ ràng.
Phá bỏ vòng nhân duyên luân hồi ở đâu?
Tiến trình khổ đau này bắt đầu như thế nào? Làm sao nó tiếp tục sinh sôi nảy nở? Làm sao diệt trừ tiến trình này? Làm sao thoát ra khỏi tiến trình này? Làm sao cắt đứt chuỗi dây xích đầy những mắc xích này? Mắc xích nào phải được cắt bỏ? Chuỗi dây xích này phải được cắt đứt ở đâu? Một kiếp sống đã bắt đầu với Nāma – rūpa (Tâm và Thân). Dòng chảy sự sống đã bắt đầu, cần phải làm gì? Tự tử ư? Tự tử có giải quyết được chuyện gì không? Ồ không! Tự tử chẳng giải quyết được gì cả? Người ta không thoát khỏi đau khổ bằng cách này. Khi tự tử, chủ ý của tâm vào lúc ấy như thế nào? Tâm trạng của nó ra sao? Tâm cuối cùng của kiếp sống đầy những khổ đau. Nó sẽ không tạo ra điều gì khác ngoài một kiếp sống mới đầy ắp những khổ đau. Tâm kế tiếp đầy ắp khổ đau vì nó là sản phẩm của tâm cuối cùng của kiếp này. Tự tử không giải quyết được gì cả, người ta không thể thoát ra khỏi khổ đau bằng cách tự tử. Rồi khi có tâm và thân, dòng sông đang trôi chảy.
Còn 6 giác quan thì sao? Tốt hơn là nên để tôi hủy diệt chúng. Cặp mắt, đôi tai, mũi, lưỡi,… được đấy! Và rồi hủy diệt thân này, rồi tâm này. Một lần nữa, đó là tự tử, làm sao mà hủy diệt chúng được. Rồi đến tất cả các đối tượng tương ứng với các giác quan trên cõi đời này, người ta phải hủy diệt chúng đi. Điều này không thể được, làm sao ta có thể hủy diệt hết các thứ đó được.
Khi có 6 cửa giác quan và các đối tượng tương ứng ấy, sự xúc chạm chắc chắn sẽ phát sinh. Ta không thể chạy trốn được sự xúc chạm đó. Và khi sự xúc chạm có ở đó, cảm tưởng, cảm giác (Vedanā) chắc chắn phải có ở đó. Ta không thể hủy bỏ nó được, chính nơi có cảm giác này là nơi trí tuệ phát sinh. Đây là nơi người ta có thể dùng búa chặt đứt mắc xích nối. Nếu ta còn sống, chắc chắn cảm giác còn đến, các sự vật tiếp tục xúc chạm với một giác quan nào đó. Từng khoảnh khắc, thân và tâm không ngừng xúc chạm và ở đó có cảm giác.
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.