BÀI GIẢNG NGÀY THỨ 8
Ta là chủ nhân của chính mình
Đức Phật nói: “Trong thế giới này, ta thấy có 4 loại người. Một nhóm người đi từ bóng tối đến bóng tối, một nhóm khác đi từ ánh sáng đến bóng tối, nhóm thứ 3 đi từ bóng tối đến ánh sáng, nhóm thứ 4 đi từ ánh sáng đến ánh sáng”. Ngài không bao giờ thuyết giảng điều gì huyền bí. Giáo pháp rõ ràng như thế, vì vậy, bất cứ khi nào Ngài nói ra điều gì, làm người nghe có thể hiểu theo ý khác. Ngài giải thích ngay cái gì là bóng tối, cái gì là ánh sáng, làm sao người ta cứ đi từ chỗ này tới chỗ kia.
Nhóm người đầu tiên đi từ bóng tối đến bóng tối. Có người đầy rẫy khổ đau trên nhiều phương diện sức khỏe, tiền bạc, gia đình, xã hội. Khổ đau khắp xung quanh, đây là bóng tối, cuộc đời tăm tối, không có hạnh phúc gì cả. Mỗi khoảnh khắc người này tạo ra không gì ngoài giận dữ, oán ghét: “Tôi ở trong hoàn cảnh này bởi vì thế này thế kia, bởi vì thế này thế kia, bởi vì thế này thế kia”. Rồi trút cơn tức giận đối với người này người kia, oán ghét hay ác ý đối với người này người kia. Bóng tối đã có sẵn đó, và người ta đang gieo hạt giống tối tăm. Sự tức giận, oán ghét, ác ý này không đem lại điều gì ngoài khổ đau. Nên tương lai người ấy cũng đầy những khổ đau. Hiện tại đang khổ đau, tương lai cũng khổ đau, hiện tại đang tối tăm, tương lai cũng tối tăm.
Nếu người thứ hai đi từ ánh sáng tới bóng tối. Ánh sáng có người hoàn toàn hạnh phúc về tiền bạc, gia đình, sức khỏe, xã hội, có địa vị trong xã hội, nhưng sống trong điên cuồng trong cuộc đời lấy bản ngã, lấy cái “Ta” làm trọng, ghét bỏ tất cả những người khác: “Họ là những kẻ vô tích sự. Ta đây rất thông minh, đó là lý do tại sao ta rất hạnh phúc. Ta có rất nhiều tiền, đẳng cấp, quyền lực, địa vị”. Họ căm ghét mọi người. Kẻ ấy hiện đang sung sướng bởi vì vài Kamma, vài việc tốt trong quá khứ, chung quanh thảy đều dễ chịu. Nhưng mỗi khoảnh khắc hạt giống người này gieo trồng là hạt giống khổ đau, cho nên từ ánh sáng đi vào bóng tối. Nhóm người thứ ba giống như nhóm người thứ nhất, chung quanh đầy những khổ đau. Nhưng bên trong có trí tuệ, người ấy vẫn giữ nụ cười:
“Ồ! Khổ đau này tới vì vài Kamma, vài nghiệp xấu, bất thiện của tôi trong quá khứ. Hãy để cho tôi thanh toán món nợ của mình, tôi tiếp tục thực hành Vipassana. Aniccā (Vô thường), Aniccā (Vô thường), Aniccā (Vô thường), lý do tại sao tôi khổ, hình như do người này, nhưng chắc chắn người này không phải là nguyên nhân của sự khổ đâu của tôi. Người này chỉ là phương tiện không qua người này thì qua người khác, khổ đau của tôi chắc chắn sẽ tới”.
Cho nên người ấy chỉ tạo ra tình thương và lòng từ bi cho người hình như đang làm khổ mình. Người ấy đang gieo trồng hạt giống tình thương, hạt giống từ bi. Bây giờ, có nhiều bóng tối nhưng tương lai sẽ tươi sáng. Không sớm thì muộn, bóng tối sẽ qua đi, hạt giống mà người ấy đang gieo trồng lúc này là hạt giống của ánh sáng. Nó sẽ mang lại ánh sáng, mang lại hạnh phúc.
Và nhóm người thứ tư, từ chỗ sáng đến chỗ sáng. Tất cả những tiện nghi của đời sống có sẵn đó, tiện nghi về tiền bạc, sức khỏe, xã hội, gia đình. Nhưng nhóm người này vẫn hiểu vì có trí tuệ. Tất cả các thứ này bởi vì vài Kamma, nghiệp thiện trong quá khứ và cho dù các nghiệp tôi đã làm có tốt đến thế nào đi nữa, các nghiệp lành ấy vẫn không tồn tại mãi mãi. Kết quả do các nghiệp lành ấy mang lại không tồn tại vĩnh viễn, nó sẽ chấm dứt. Vì vậy, bây giờ, điều gì tôi đang làm hiện giờ, tôi sẽ tận dụng hết thảy tiền bạc, đẳng cấp, quyền lực, địa vị mà tôi có, để làm lợi ích cho người khác, để cấp dưỡng cho tôi, cho những người phụ thuộc vào tôi và rồi cho lợi ích của người khác.
Do đó, lúc nào người ấy cũng phát sinh ra tình thương, lòng từ bi, thiện ý. Tất cả mọi hành vi, lời nói, việc làm, ý nghĩ đều vì lợi ích của người khác. Người ấy đang gieo trồng hạt giống ánh sáng, từ ánh sáng người ấy đi tới ánh sáng, từ hạnh phúc người ấy đi tới hạnh phúc. Ta không nên thuộc vào nhóm thứ nhất hay nhóm thứ hai. Ta phải thuộc vào nhóm thứ ba và thứ tư. Nhóm thứ ba hay thứ tư chúng ta không quyết định được. Đôi khi, vì các nghiệp trong quá khứ, đời ta đầy những tối tăm. Đôi khi, vì các nghiệp quá khứ đời ta đầy những ánh sáng nhưng ta là chủ nhân của các nghiệp hiện tại.
Đức Phật nói: “Ta là chủ nhân của chính mình chứ chẳng phải ai khác, và ta là chủ nhân tương lai của chính mình chứ không phải là ai khác”. Bất cứ cái gì xảy ra trong quá khứ, đã xảy ra rồi, nhưng bây giờ, ta không nên tạo ra một Saṅkhāra nào để mang lại khổ đau. Ta là chủ nhân của chính mình, hãy là chủ nhân của giây phút hiện tại. Tương lai chẳng qua chỉ là con đẻ của hiện tại. Nếu ta là chủ nhân của giây phút hiện tại và nếu thấy rằng chủ nhân của giây phút hiện tại, ta đầy ắp Dhamma thì tương lai của mình sẽ tràn đầy hạnh phúc, không có tăm tối nào trong tương lai cả. Hãy phát triển việc làm chủ giây phút hiện tại, đây là Vipassana. Hãy là chủ nhân của giây phút hiện tại, ở giây phút này tôi là chủ nhân của chính mình, tôi sẽ không gieo trồng bất cứ hạt giống khổ đau hay tối tăm nào.
Tôi sẽ chỉ gieo trồng những hạt giống tươi sáng, hạt giống hạnh phúc, là những hạt tốt lành cho tôi và cho những người khác. Hãy cố thực hành một cách đúng đắn, kết quả tốt lành chắc chắn sẽ tới. Hãy hiểu đúng đắn phương pháp Thiền trong một ngày còn lại, hãy tu tập nghiêm chỉnh. Hãy trút bỏ càng nhiều bất tịnh càng tốt và củng cố vững vàng trong phương pháp Thiền này. Ta phải ý thức được cảm giác và bình tâm trước những cảm giác ấy, ý thức được cảm giác và bình tâm trước những cảm giác ấy. Phần còn lại hãy để Dhamma lo liệu, kết quả chắc chắn sẽ tốt đẹp. Hãy liên tục tăng trưởng trong Dhamma, Dhamma rất là vĩ đại, rất là tuyệt diệu.
Nguyện cho tất cả ta gặt hái được các thành quả tốt đẹp nhất của Dhamma. Nguyện cho tất cả ta hưởng được hạnh phúc thật sự, an lạc thật sự, hòa hợp thật sự, hòa hợp thật sự.
Bhavatu sabba-maṅgalaṃ!
Bhavatu sabba-maṅgalaṃ!
Bhavatu sabba-maṅgalaṃ!
Sadhu! Sadhu! Sadhu!
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.