BÀI GIẢNG NGÀY THỨ BA

Aniccā (Vô thường)

Chân lý thứ nhất mà ta bắt đầu chứng nghiệm là chân lý về sự thay đổi.Mỗi một khoảnh khắc đều có sự thay đổi xảy ra. Toàn thể hiện tượng thân và tâm không ngừng thay đổi và điều này phải được hiểu ở mức độ thực nghiệm: “Vạn sự đều thay đổi”. Khi tiếp tục chia cắt, mổ xẻ, phân nhỏ và làm tan rã thì ta thấy rằng không có gì trong toàn thể cấu trúc vật chất hoặc cấu trúc tinh thần, để mình có thể nói rằng: “Đây là cái cốt lõi, chất đặc.

 

Đây là cái vĩnh viễn, không thay đổi”. Rồi ta tiếp tục tìm hiểu: “Để tôi xem, để tôi chứng nghiệm xem còn cái cốt lõi, rắn chắc nào không”. Kết quả của Bhāvanā mayā Paññā là ở đây. Đây chính là lúc ta cảm nghiệm được Aniccā, là sự vô thường, luôn thay đổi. Ta không chỉ chấp nhận thay đổi ở mức độ lý trí hay vì đức tin mà phải chấp nhận ở mức độ thực tế là luôn luôn có sự thay đổi. Khởi đầu, ta tiếp xúc với một thực tại rất chắc đặc, nặng nề. Cơ thể này rất chắc đặc, được cấu tạo bởi xương, thịt…Những gì ta cảm thấy trên cơ thể đều chắc đặc, căng cứng, chẳng hạn như sức ép, sức nặng, sự tê cứng, sức nóng, đau nhức. Cũng với cách giống như khi quan sát khu vực bên trong mũi, ta sẽ quan sát cảm giác trên toàn cơ thể. Ta sẽ cố gắng quan sát một cách khách quan. Không phải lúc nào ta cũng có thể quan sát khách quan được đâu! Cần phải có thời gian! Nhưng hãy cứ bắt đầu tu tập như thế đã. Đôi lúc, ta có thể quan sát thực tại một cách khách quan và khi đó, ta thấy tâm mình càng lúc càng trở nên bén nhạy hơn. Khi tâm trí bén nhạy hơn, ta sẽ bắt đầu chứng nghiệm được một thực tại càng ngày càng vi tế hơn.

Ta bắt đầu đâm xuyên qua, xuyên sâu vào sự căng cứng, chắc đặc và chứng nghiệm được thực tại vi tế hơn, vi tế hơn, vi tế nhất, cho đến khi ta chứng nghiệm được toàn thể cơ cấu vật chất và tinh thần chỉ là những rung động, sinh và diệt. Một bong bóng sinh ra, diệt đi, làn sóng li ti sinh ra rồi diệt đi, một dòng luân lưu không ngừng trôi chảy liên tục. Đây là lúc ta chứng nghiệm được sự thật về vô thường. Đây không phải chỉ là một trò chơi trí thức, về tình cảm hay về đức tin mà đây là một chứng nghiệm thực sự về sự thật. Những gì ta chứng nghiệm trong khuôn khổ của thân thể là một sự trôi chảy liên tục, luân lưu không ngừng. Mọi giây phút đều thay đổi, thay đổi, thay đổi.

Từ đó sự điên rồ sẽ biến mất. Điên rồ về cái gì? Điên rồ về sự ràng buộc vào cơ cấu thân xác này, điên rồ về sự ràng buộc vào cơ cấu tinh thần này và vào sự kết hợp của cả hai cơ cấu này. Có ý nghĩa gì khi ta phát sinh ham muốn hay ghét bỏ đối với những gì hư ảo? Bằng cách thực tập như vậy, ta học được cách làm sao để quan sát với sự bình tâm, bình tâm, bình tâm. Khuôn mẫu thói quen cố hữu là phản ứng, chính hiện tượng thân tâm này đã phát sinh các cảm giác này, cảm giác nọ, dễ chịu hay khó chịu và từ đó phát sinh ra các phản ứng ham muốn hay ghét bỏ. Ta đánh mất sự cân bằng thăng bằng trọng tâm và trở nên rất dao động.Bây giờ, phần đầu của tuệ giác là Aniccā (vô thường), sẽ càng lúc càng trở nên rõ ràng hơn ở mức độ thực nghiệm.

 

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

 

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

Các bài viết trong sách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *