BÀI GIẢNG NGÀY THỨ TƯ
Chính sự tác ý tạo nên nghiệp quả
Một khi ta đồng ý rằng: “Tôi phải cẩn thận về các hành động của tôi”, thì sẽ có câu hỏi: “Hành động nào sẽ gây ra hậu quả”. Có 3 loại hành động: hành động của thân, của khẩu và của ý. Một sự hiểu biết chung chung, thông thường cho rằng hành động của thân rất quan trọng, hành động của khẩu ít quan trọng hơn và hành động của ý thì chẳng có gì quan trọng cả. Điều đó rất là thiển cận. Nhưng khi một người đã bắt đầu quan sát sự thật bên trong, như người này đã làm và trở thành giác ngộ, thì rõ ràng hành động của ý là quan trọng nhất, không phải của khẩu cũng chẳng phải của thân.
Hành động của thân và của ý đều gây ra ảnh hưởng nhưng quan trọng nhất là hành động của tâm, của ý. Mọi việc đều phát sinh từ tâm và chúng gia tăng cường độ, và rồi hành động của tâm trở thành lời nói. Khi lời nói gia tăng cường độ, nó trở thành hành động của thân. Hành động của khẩu và thân không là gì, ngoài sự biểu hiện của tâm ý. Chúng chỉ là thước đo cường độ của tâm ý mà thôi, cho nên, tâm ý là quan trọng nhất.
Một ví dụ, tôi gặp một người mà tôi đã có mâu thuẫn. Tôi thấy anh ta, tâm tôi bắt đầu hoạt động, đầy sự giận dữ. Một ý tưởng xấu trong đầu nảy sinh, rồi trở thành mạnh hơn và nó tự biểu lộ bằng lời nói: “Tôi mắng chửi, xỉ nhục anh ta”, kết quả là những lời nói bất thiện. Rồi gia tăng cường độ hơn nữa và cứ như thế, nó nảy nở hành động của thân: “Tôi tát tay anh ta, nếu tôi có súng tôi sẽ bắn chết anh ta nữa”. Thật là một hành động bất thiện. Vậy những hành động bất thiện của khẩu và thân là gì? Chúng chỉ là hành động của tâm, một thước đo cường độ của tâm bất thiện.
Cũng như những hành động bất thiện, hành động thiện cũng thế. Tôi gặp người nào bất hạnh, khổ sở, tâm tôi bắt đầu thương xót. Khi sự xót thương trở thành nhiều hơn, tâm thiện này biểu lộ bằng hành động của khẩu: “Tôi nói vài lời, những lời nói tử tế, trìu mến và thương xót”. Và rồi hành vi tốt lành của khẩu gia tăng cường độ, gia tăng hơn nữa và nó biến thành hành động của thân: “Tôi thật sự giúp đỡ người đó. Tôi cho anh ta vài thứ”. Một hành động thiện bằng việc làm.
Hành động của ý là quan trọng nhất
Dù thiện hay bất thiện, tất cả các hành vi của khẩu và của thân đều là những biểu hiện của tâm. Đây là sự chứng nghiệm và giác ngộ của Bậc Giác Ngộ: “Tâm quan trọng nhất. Mọi sự đều bắt đầu trong tâm. Mọi sự đều do tâm tạo ra. Tâm đi trước mọi hành vi”. Ngài diễn tả sự chứng nghiệm của chính mình khi Ngài nói: “Tâm dẫn đầu các pháp. Tâm làm chủ, tâm tạo tác.
Bởi vậy, tâm là quan trọng nhất, có ảnh hưởng nhiều nhất. Bất cứ điều gì ta trải qua trong đời, không gì ngoài sản phẩm của chính tâm ta. Nếu dựa trên nền tảng của tâm bất thiện, bất tịnh hay tâm xấu, mà ta có hành động bằng việc làm hay lời nói, thì đau khổ sẽ theo sát ta như bánh xe lăn sau con vật kéo. Bất kỳ xe và con vật chạy đi đâu, bánh xe luôn theo sau. Vì căn bản đã sai nên đau khổ vẫn cứ mãi theo sau ta.
Tương tự như vậy, Nếu với nền tảng của tâm thanh tịnh, thánh Thiền, mà ta có hành động bằng việc làm hay lời nói, thì tất cả hạnh phúc sẽ theo sát ta như bóng với hình. Bất kỳ, ta đi đâu, ở đâu, bóng cũng đi theo và ở nơi đó. Đây là luật tự nhiên”.
Nền tảng của tâm là quan trọng nhất. Đó là nơi mà từ đó hành động của ta được hình thành đầu tiên, tại mức độ tâm ý, rồi đến mức độ của lời nói và sau cùng là mức độ của việc làm. Kết quả mà ta nhận lãnh, quả mà ta gặt hái là kết quả hành động của tâm, của ý, chứ không phải là hành động của khẩu hay của thân.
Một ví dụ, tôi thấy một người mà tôi từng đụng chạm với họ. Tôi nổi giận, tôi quát to, rồi tôi sỉ vả và nhục mạ: “Đồ con chó, đồ con heo, đồ con lừa…”. Trong trường hợp này, “Đồ con chó, đồ con heo, đồ con lừa…” là ý tôi nhục mạ người đó. Một trường hợp khác, khi tôi thấy đứa cháu tôi chạy tới sau khi nó chơi trong sình đất, làm bẩn quần áo, tôi nói: “Đồ con chó, đồ con heo, đồ con lừa…”.
Cũng cùng những lời đó, tôi đã dùng chúng với cùng hành động lời nói, nhưng từ góc độ của tâm thì hai dụng ý khác nhau một trời, một vực. Khi tôi dùng những ngôn từ này với kẻ thù thì nó đầy những ác ý. Khi tôi cũng dùng những ngôn ngữ này cho cháu tôi thì nó đầy những thiện ý. Thiên nhiên chú trọng đến tâm ý, chứ không phải việc làm hoặc lời nói. Kết quả mà ta nhận lãnh, trái mà ta gặt hái tùy thuộc vào tâm ý chứ không phải tùy thuộc vào lời nói hay hành động của thân.
Một ví dụ khác, một người giàu kia có nhiều tiền và trang sức,… và đi một mình qua khu rừng. Có một tên cướp đi ngược chiều, biết được người đàn ông này có rất nhiều tiền và hắn muốn cướp. Người giàu có này không muốn bị mất tiền và nói: “Không”. Tên cướp nổi giận, rút dao ra đâm vào bụng người này và kết quả là ông ta chết. Một trường hợp khác, có một người bị loét bao tử và rất đau đớn. Bác sĩ chữa bằng nhiều cách nhưng không thuyên giảm. Cuối cùng, Bác sĩ giải phẩu nói: “Chà! Như vậy, tôi phải mổ cắt vết loét đi thì có thể ông sẽ hết đau”. Rồi người đó được đưa vào phòng mổ, Bác sĩ giải phẫu lấy con dao ra, thọc vào bụng bệnh nhân, chẳng may, lần này bệnh nhân chết. Người Bác sĩ và tên cướp cùng làm một hành động ở mức độ thân thể. Cả hai cùng dùng dao đâm vào bụng một người và kết quả là người đó chết. Bây giờ, đối với thiên nhiên hoặc với Thượng Đế toàn năng thì cả hai đều nhận lãnh một kết quả ư?
Ồ không! Dụng ý của tâm mới thật là quan trọng. Ý đồ của tên cướp thì đầy những ác ý nhưng ý độ của Vị Bác sĩ thì đầy những thiện tâm. Thiên nhiên chỉ chú trọng đến động cơ của tâm, dụng ý của tâm và quả của hành động thì phù hợp với dụng ý đó, không hề sai chạy. Nền tảng căn bản của tâm là gì? Nền tảng của tâm mới quan trọng hơn. Dụng ý của tâm quan trọng hơn cả hành động của thân và lời nói. Bởi vậy, chúng ta hãy hết sức cẩn trọng về tâm và dụng ý. Vì thế, ta phải hiểu tâm là gì? Tâm hoạt động ra sao? Thiền Vipassana sẽ giúp ta. Hãy hiểu rằng toàn thể phương pháp là chia cắt, mổ xẻ, phân tán, làm tan rã toàn thể cơ cấu thân xác này. Ta không phải làm gì cả mà chỉ quan sát mà thôi. Thiên nhiên sẽ bắt đầu chia cắt, mổ xẻ, phân tán.
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.