BÀI GIẢNG NGÀY THỨ HAI
Tiến trình Giới – Định – Tuệ với Bát Thánh Đạo
Người say biết rõ rằng bệnh nghiện không tốt cho mình, biết là phải thoát khỏi cơn nghiện, nghiện ngập thật là xấu. Người cờ bạc biết rất rõ mình không nên đánh bạc. Nhưng khi tới lúc, người ta quên hết tất cả, chỉ biết say sưa, chỉ biết cờ bạc. Tại sao thế? Bởi vì người đó không kiểm soát được tâm, không làm chủ được tâm, người ấy là nô lệ cho tâm của chính mình. Sâu tận bên trong, người ấy là nô lệ cho khuôn mẫu hành xử của chính mình. Nếu chỉ giảng như thế, Dhamma không đầy đủ, chỉ nói về Sīla (Giới hạnh) không thôi, chẳng có ích lợi gì cả. Do đó, bước kế tiếp là Samādhi, sự làm chủ được tâm. Ta phải học cách trở thành chủ nhân của chính tâm mình, cách định tâm trên nền tảng đạo đức. Định được tâm trên nền tảng thanh tịnh này, chính là Samādhi.
Samādhi (Định tâm)
Ba yếu tố khác của Dhamma (Bát Chánh Đạo) thuộc về phần Samādhi này là SammāVāyāma (Chánh tinh tấn), Sammā Sati (Chánh niệm) và Sammā samādhi (Chánh định).
Sammā Vāyāma (Chánh tinh tấn)
Là nỗ lực chân chánh, tu tập đúng cách. Khi cơ thể bị yếu, không được khỏe mạnh, ta phải tập thể dục. Nếu cơ thể bị yếu đến nỗi không thể bước đi dù chỉ là vài bước. Có người sẽ yêu cầu, khuyên bảo mình nên luyện tập bài thể dục này để làm cho bắp thịt mạnh lên, thân thể khỏe hơn. Tương tự như thế, khi tâm yếu đuối, và tất cả những gì ta nhận ra khi tu tập trong 2 ngày vừa qua. Chúng ta đang mang một cái tâm quá sức bệnh hoạn, suy nhược, vô cùng yếu đuối và bất ổn. Ta phải luyện tập để làm cho nó vững chắc, ổn định, lành mạnh, trong tình trạng tốt. Bất cứ sự luyện tập nào làm cho tâm lành mạnh là sự luyện tập tốt. Đây là Sammā Vāyāma (Chánh tinh tấn).
Tứ chánh cần (Có 4 sự tinh tấn, luyện tập trong Dhamma)
Thứ nhất là tự xem xét mình: “Ồ! Trong bề mặt của tâm, ngay khoảnh khắc này, tôi có thói xấu này, tật xấu kia”, trừ tuyệt những thói quen, tật xấu này là sự luyện tập tốt đầu tiên.
Thứ hai, một lần nữa tự xem xét tâm mình: “Tâm tôi không có thói xấu này, tật xấu kia”, rồi đóng hết tất cả các cửa của tâm mình lại, bất cứ ô nhiễm nào không có ở đó, đừng cho nó thâm nhập vào.
Thứ ba, một lần nữa, tự xét tâm mình: “Tâm tôi có những phẩm hạnh đặc biệt này, tính tốt kia”, đừng vì thế mà thổi phồng bản ngã hay phát triển lòng kiêu ngạo. Có phẩm hạnh ở đây, đây là thực tại. Bây giờ, tôi phải cố bảo tồn, duy trì, làm gia tăng phẩm hạnh ấy.
Thứ tư, lại tự xem xét tâm mình và nếu ta thấy rằng mình không có phẩm hạnh đặc biệt nào, hãy mở tất cả các cửa của tâm, chào đón phẩm hạnh nào chưa có, phẩm hạnh ấy sẽ đến. Đây là 4 sự luyện tập giúp cho tâm lành mạnh, ổn định (đó là Tứ chánh cần: Diệt ác, ngăn ác, tăng thiện, làm thiện). Đây là những gì mà Quý vị bắt đầu làm một cách gián tiếp.
Sammā Sati (Chánh niệm)
Là ý thức chân chánh, ý thức về thực tại của khoảnh khắc này, có liên quan đến cơ cấu về thân thể và tinh thần của chính mình. Ý thức không thể về quá khứ. Chữ Sati có 2 nghĩa, một nghĩa là tưởng nhớ, nghĩa này không liên quan gì đến Dhamma vì tưởng nhớ thuộc về quá khứ. Ta cứ tiếp tục nghĩ về quá khứ thì đây không phải là Sammā Sati, là ý thức chân chánh. Ý thức không thể về tương lai. Ta chỉ suy nghĩ, tưởng tượng, mơ mộng, điều này chẳng ích lợi gì cả. Ý thức là chân chánh khi ta sống với ý thức về thực tại của khoảnh khắc này, khi nó tự biểu hiện từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác. Thực tại này thuộc về chính sự hiện hữu của mình, ở thân này, ở tâm này, ở sự tổng hợp của cả hai thân và tâm. Đó là điều là ta đã bắt đầu làm, bắt đầu quan sát hơi thở đang đi vào, đang đi ra từ khoảnh khắc này tới khoảnh khắc khác, đúng như thật.
Nếu hơi thở ấy sâu, ta biết hơi thở ấy sâu. Nếu hơi thở ấy cạn, ta biết hơi thở ấy cạn. Nếu hơi thở ấy đi qua mũi bên trái, ta biết nó qua mũi bên trái. Nếu hơi thở ấy đi qua mũi bên phải, ta biết nó qua mũi bên phải. Nếu hơi thở ấy đi qua cả hai ống mũi, ta biết nó qua cả hai ống mũi. Chỉ là thực tại đúng như nó đang hiện hữu, đúng như nó đang là.
Dĩ nhiên, đối với Thiền sinh mới, khi Quý vị không thể cảm nhận được hơi thở vì nó trở nên rất vi tế. Ta được phép lấy vài hơi thở cố tình, hơi thở hơi mạnh một chút. Nhưng chỉ vài hơi thôi, rồi ta trở về hơi thở tự nhiên, bình thường để làm tăng khả năng cảm nhận rất rõ ràng hơi thở vi tế và êm dịu nhất. Rồi ta sống với thực tại đúng như nó đang là, như nó đang hiện hữu, chứ không phải như ý mình muốn. Đây được gọi là đúng như thật từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác. Ta đang tập làm điều đó.
Một điều khác nữa, toàn bộ con đường tu tập này đưa ta từ thực tại bề ngoài rất thô thiển, căng thẳng, chắc đặc (những gì lúc đầu ta cảm nhận được), đến thực tại vi tế hơn, vi tế nhất. Ta thăm dò toàn bộ lĩnh vực thuộc cơ cấu thân xác này từ thực tại thô thiển nhất cho đến thực tại vi tế nhất. Ta cũng thăm dò toàn bộ lĩnh vực thuộc cơ cấu tinh thần (Tâm và nội dung của tâm) từ thực tại thô thiển nhất, tầng lớp bên trên cho đến thực tại vi tế hơn, vi tế nhất. Theo ngôn ngữ thời ấy, Đức Phật nói: “Mỗi bước phải tiến dần đến sự vi tế”. Ta vượt qua khỏi toàn thể lĩnh vực vi tế của thân và tâm, rồi bắt đầu chứng nghiệm được cái vượt ra ngoài thân và tâm. Ta sẽ nhận ra rằng toàn thể lĩnh vực thân và tâm là lĩnh vực mà nơi vạn sự nảy sinh và diệt đi.
Một vài thay đổi đang diễn ra, có một sự thay đổi, luân lưu không ngừng đang xảy ra. Nhưng khi ta vượt quá lĩnh vực này, không có gì nảy sinh, không có gì diệt đi. Chân lý tối hậu, bất diệt này là điều mà ta không thể tưởng tượng. Trên con đường Dhamma không nên tưởng tượng điều gì cả và không nên chấp nhận một điều gì vì một Vị Phật, hay Vị Thầy của mình đã nói như thế.
Ta phải chứng nghiệm được chân lý tối hậu này và kinh nghiệm sẽ làm mình thay đổi hoàn toàn. Chứng nghiệm được chân lý tối hậu này dù chỉ trong vài giây sẽ biến ta thành một Thánh nhân. Toàn thể con đường giải thoát khi ta tiến từ thực tại thô thiển đến thực tại vi tế hơn, vi tế nhất là một tiến trình thanh lọc tâm.
Ta sẽ hiểu khi tiến xa hơn trên con đường giải thoát. Như vậy, một điều rõ ràng, ta đang đi từ thực tại thô thiển đến thực tại vi tế hơn. Nhưng phải hiểu rằng mình không thể tạo ra thực tại vi tế, mình phải phó mặc cho Dhamma, phó mặc cho thiên nhiên và thiên nhiên sẽ tiếp tục vận hành. Như thế, về phần mình, bất cứ cái gì tự biểu hiện, ta chỉ cần ý thức về nó. Lúc đầu, ta phải thở vài hơi mạnh và ý thức được điều này. Rồi hơi thở sẽ trở nên càng lúc vi tế, êm dịu và nhẹ nhàng hơn cùng với sự ý thức của mình. Bây giờ, suốt cả ngày hôm nay, ta ý thức được sự phớt chạm của hơi thở trong khu vực giới hạn và nhỏ. Đức Phật khuyên chúng ta tập với một khu vực nhỏ, bởi vì khu vực càng nhỏ, tâm chắc chắn càng trở nên vi tế và nhạy bén hơn. Kể từ ngày mai và ngày mốt, ta sẽ chú tâm vào một khu vực nhỏ hơn nữa. Bây giờ, ta đang tập ở khu tam giác. Trong giới hạn khu tam giác này, suốt cả ngày ta đã luyện tập để nhận ra sự phớt chạm của hơi thở. Bất cứ chỗ nào ở cửa mũi, phía dưới mũi, trên môi trên, ở vách trong của ống mũi, hãy nhận biết sự phớt chạm của hơi thở.
Từ tối nay và suốt ngày mai, ta sẽ kinh nghiệm những gì còn vi tế hơn sự phớt chạm ấy. Cái phớt chạm này lúc nào cũng có sẵn đó nhưng ta không buồn quan tâm nhận biết nó, vì ta chưa bao giờ thực tập. Bây giờ nhờ sự thực tập, ta làm cho tâm mình bén nhạy hơn để cảm nhận được sự phớt chạm này. Tương tự như thế, có những thứ vi tế hơn vốn luôn luôn ở đó, nhưng ta không buồn ý thức về chúng. Phương pháp Thiền này sẽ giúp mình cảm nhận được những sự vi tế đó.
Một thực tại sẽ trở nên rất rõ ràng, hiển nhiên, ta sẽ nhận ra rằng một hơi thở đi vào, khi đi ra hơi thở ấy ấm hơn một chút. Nhiệt độ của hơi thở vào và ra khác nhau. Đây là sự thật, nhưng chưa bao giờ ta thèm nhận biết đến nó. Đó là điều tự nhiên mà thôi. Bởi vì, nhiệt độ môi trường bên ngoài thấp hơn nhiệt độ bên trong cơ thể. Rồi chẳng bao lâu, ta sẽ kinh nghiệm một điều gì đó hơn thế nữa. Một thực tại nào đó, không hề liên quan gì đến hơi thở cả. Ta dùng hơi thở để đi đến thực tại vi tế hơn. Còn bây giờ, cho dù không dùng đến hơi thở thì cái gì đang xảy ra? Ta đã không ngừng thực tập trên khu vực tam giác nhỏ hẹp này vào khoảng tối nay và ngày mai. Ta sẽ bắt đầu kinh nghiệm phản ứng sinh hóa, phản ứng điện từ nào đó đang xảy ra trong khu vực này và khắp cơ thể. Khắp cơ cấu thân xác này trong từng khoảnh khắc đều có các phản ứng sinh hóa, phản ứng điện từ khác nhau. Và vì thế, không có cảm giác này thì có cảm giác khác trên khắp cơ thể. Bất cứ chỗ nào có sự sống, chỗ có chắc chắn có cảm giác. Trong khu vực này, ta sẽ bắt đầu cảm thấy cảm giác nào đó. Không nhất thiết phải là các cảm giác đặc biệt, bất cứ cảm giác nào xuất hiện. Có thể là nóng, ta bắt đầu cảm thấy nóng chỉ trong khu vực này thôi, nó có thể là thân nhiệt hay hơi nóng của không khí. Ta chỉ việc quan sát có hơi nóng ngay trong khoảnh khắc này. Có thể là hơi lạnh, toát mồ hôi, ta chỉ quan sát thôi, không làm gì hết.
Có thể là một cảm giác ngứa, một lần nữa, chỉ quan sát thôi, đừng phản ứng lại cảm giác ấy. Ta bắt đầu phản ứng, xoa hay gảy chỗ ngứa, như vậy không phải là Sammā Sati. Ý thức chân chánh là chỉ quan sát mà thôi. Đừng làm gì cả, hãy quan sát thực tại tự nó biểu hiện: “Một cơn ngứa bắt đầu nổi lên, tôi cứ để xem nó kéo dài được bao lâu. Cơn ngứa bắt đầu khó chịu hơn, khó chịu hơn, khó chịu hơn nhưng cuối cùng cũng qua đi. Không có cơn ngứa nào tồn tại mãi mãi. Nó sẽ không vĩnh viễn lưu lại ở đó. Cứ để tôi xem nó kéo dài được bao lâu”. Không có cảm giác nào tồn tại mãi mãi, nó nảy sinh không sớm thì muộn cũng sẽ diệt mất.
Ta chỉ lặng lẽ chứng kiến những gì đang xảy ra. Có thể là cảm giác ngứa ngáy, nhột nhạt, nhẹ nhõm, nặng nề, đè ép, căng thẳng, giằng kéo, phồng ra co lại, tê tê, cảm giác khô, ẩm, đôi lúc có cảm giác như kim châm, tim đập, mạch đập, ngay cả cảm giác đau đớn, bất cứ cảm giác gì. Ta không thể chọn lựa cảm giác, đây là sự quan sát không có chọn lựa, hãy để Dhamma, thiên nhiên đóng vai trò của nó. Bất cứ cái gì thể hiện trong từng khoảnh khắc, đây là thực tại của khoảnh khắc này. Công việc của mình là chỉ chấp nhận và quan sát nó. Quan sát nó mà không phản ứng lại, chỉ quan sát, chỉ quan sát, chỉ quan sát mà thôi. Đừng tìm kiếm cái gì không có ở đó, nếu không, Quý vịsẽ bị lạc. Bất cứ cảm giác nào xuất hiện trong khu vực này, ta chấp nhận và quan sát nó. Rất có thể ta cảm thấy một cảm giác lạ mà mình không thể gọi và đặt tên cho nó. Không cần thiết và không nên gọi hay đặt tên cho nó, ngay cả các cảm giác có thể gọi hay đặt tên. Một điều gì đó đang xảy ra, ta chỉ quan sát nó một cách khách quan và không phản ứng lại. Mục đích của ta đã chu toàn, đây là điều phương pháp Thiền này muốn ta làm, chỉ chấp nhận thực tại của khoảnh khắc, đúng như nó đang hiện hữu mà không phản ứng lại bất cứ cảm giác nào.
Có thể đôi lúc, ta không cảm thấy cảm giác nào. Cảm giác lúc nào cũng có trong mỗi khoảnh khắc trên từng phần rất nhỏ ở cơ thể. Nhưng tâm quá mụ mẫm nên ta không thể cảm nhận được thực tại vi tế. Vì thế, những lúc không cảm thấy cảm giác nào trong khu vực giới hạn tam giác ở mũi, hãy trở lại theo dõi hơi thở. Không sao! Ta có hơi thở ra vào, tiếp tục quan sát với hơi thở ra vào và bất ngờ, một cảm giác sẽ xuất hiện. Rồi bắt đầu chú trọng quan sát cảm giác đã xuất hiện đó. Cảm giác ấy diệt mất và một cảm giác khác có thể xuất hiện. Cái này diệt đi, cái khác có thể hiện đến. Nếu không có gì xuất hiện thì một lần nữa, trở lại với hơi thở. Tu tập với hơi thở và cảm giác nhưng hãy chú trọng đến cảm giác nhiều hơn.
Rất có thể đôi lúc, ta cảm thấy nhiều cảm giác trong khu vực này cùng một lúc. Đừng vì thế mà bối rối, hãy chọn một cảm giác nào vi tế nhất, đừng chọn cảm giác mạnh mẽ vì mình dễ dàng cảm nhận được nó. Hãy chú trọng đến cảm giác nào rất lờ mờ và cố gắng cảm nhận cảm giác lờ mờ hơn, mơ hồ hơn. Tâm sẽ dần dần trở nên nhạy bén hơn, vi tế hơn để cảm nhận được cảm giác mơ hồ này. Hãy hiểu rằng ta duy trì sự chú tâm của mình trong khu vực giới hạn này để cho tâm sắc bén và nhạy cảm hơn. Nếu ta chú tâm ở nhiều chỗ khắp cơ thể, thì tâm rất thô thiển và nó chỉ có thể cảm nhận được những cảm giác thô thiển. Ta không thể đi tới chiều sâu như lời Đức Phật khuyên.
Kế đến, trong khi sự chú ý của ta đang ở chỗ này, một cảm giác nào đó bắt đầu nảy sinh ở một phần khác của cơ thể. Quý vị không thể ngăn chặn nó được, đừng bao giờ cố ngăn chặn nó nhưng làm ngơ nó đi. Đừng cho nó là quan trọng chút nào cả. Ở chỗ nào khác trên cơ thể, có cảm giác nào đó đang xảy ra. Công việc của mình là thăm dò thực tại ở khu vực tam giác này. Nếu có bất cứ cảm giác nào ở thành bên trong và bên ngoài ống mũi, ở vành ngoài ống mũi, phía dưới mũi, trên môi trên ta sẽ quan sát nó. Nhưng bất cứ cảm giác nào ngoài khu vực ấy, ta sẽ làm ngơ. Rồi Quý vị sẽ thấy rằng tâm mình thu hẹp và chú tâm vào một khu vực nhỏ và tâm ngày càng sắc bén hơn. Cứ thực hành như thế tối nay cho đến ngày mai. Đây là Sammā Sati (Ý thức chân chánh).
Sammā samādhi (Chánh định)
Samādhi là sự định tâm, Sammā samādhi là sự định tâm với nền tảng đạo đức, thiện lành. Nền tảng đạo đức là không còn Moha (vô minh), không còn vô minh, sai lầm, nhận thức đảo điên, không còn mơ hồ, lẫn lộn, không còn tưởng tượng. Đối tượng của sự định tâm phải có tính thực tế.
Bất cứ cái gì ta đang thực tập là Sammā samādhi, ý thức về thực tại của khoảnh khắc này, trong khu vực giới hạn này. Trong khoảnh khắc này, ta ý thức về thực tại, trong khoảnh khắc kế tiếp, ta lại ý thức về thực tại, trong khoảnh khắc kế tiếp nữa, ta lại ý thức về thực tại. Cứ như thế, ta cứ tiếp tục quan sát từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, từng khoảnh khắc một, cảm giác này hay cảm giác kia, không có bất cứ sự gián đoạn nào. Cảm giác sẽ thay đổi nhưng sự chú ý vẫn nằm trong khu vực giới hạn này. Và thực tại biểu hiện ở đây trong từng khoảnh khắc một. Khoảng thời gian nào mà ta tiếp tục có ý thức, không bị gián đoạn, trong khoảng thời gian ấy. Samādhi (Định tâm) của ta càng lúc càng trở nên mạnh mẽ hơn. Đó là Sammā (Chân chánh) vì ta sống với thực tại mà mình đang chứng nghiệm, không có gì là tưởng tượng cả.
Tâm có thể được định nhờ vào một đối tượng tưởng tượng, một hình ảnh, hình dáng nào đó của Vị thần này, nữ thần kia, giáo chủ các tôn giáo. Quý vị có thể tưởng tượng hình ảnh, hình dáng của khuôn mặt của người này, người nọ. Cứ thế lặp đi, lặp lại, dùng đến sự tưởng tượng này thầm trong đầu, tâm sẽ được định. Hay ta cũng có thể tiếp tục dùng một từ ngữ nào đó, rồi tụng niệm, tâm sẽ được định, nhưng đây không phải là thực tại tự nhiên. Ta thấy rằng Sīla (Giới hạnh) mà mình đang thực hành sẽ đưa mình đến bươc thứ hai là Sammā samādhi (Chánh định) và chính Sammā samādhisẽ đưa ta đến giai đoạn thứ ba là Paññā (Trí tuệ). Tất cả đều là sự tiến bộ, đi dần đến đích cuối cùng.
Nếu ta dùng một đối khác do sự tưởng tượng, tự mình sáng tạo ra (nó không thật có ở đó), thì đối tượng tưởng tượng này sẽ không đưa ta đến đích cuối cùng. Đối tượng phải là những gì xuất hiện trong khu vực tam giác này, Quý vị chỉ ý thức mà thôi. Từ giây phút này sang giây phút khác, ta ý thức, ý thức, ý thức. Khi nào còn liên tục ý thức, hãy giữ sự chú ý trong khu vực giới hạn này. Đây là Sammā samādhi (định tâm chân chánh). Trái lại, như tôi đã nói, tâm cũng có thể định với Moha (vô minh), với các đối tượng tưởng tượng hay với nền tảng ham muốn (Raga), hay ghét bỏ (Dosa).
Ta có thể thấy người thợ săn hoàn toàn tập trung vào khẩu súng hai nòng bắn chết một con thú. Có định đấy, nhưng đây không phải là sự định tâm chân chánh. Con mèo hoàn toàn chú tâm, đứng canh cửa hang chuột. Khi con chuột ra ngoài, con mèo chụp và nhai nghiến con chuột ấy. Con mèo ấy hoàn toàn tập trung, nhưng đây không phải là chánh định. Mỗi hành vi bất thiện từ lời nói đến việc làm, được làm từ một mức định nào đó đều là tà định. Ngay cả kẻ móc túi, tâm của kẻ ấy cũng định và ý thức được mình đang làm gì. Đây là cũng không phải là Sammā samādhi. Không có ham muốn và ghét bỏ trong định chân chánh.
Khi quan sát hơi thở, ta không có Moha (vô minh), không có mơ hồ lẫn lộn về sự thật mà mình đang chứng nghiệm. Có hơi thở ở đấy, có cái phớt chạm của hơi thở, có những cảm giác ở đấy. Ta không quan sát hơi thở với sự ham muốn hay ghét bỏ.Tương tự như thế, với các cảm giác ta đang cảm nhận, không ham muốn, không ghét bỏ. Sự việc cứ xảy ra, ta chỉ quan sát chúng một cách khách quan. Điều này làm cho Sammā (Định tâm) trở thành Sammā samādhi (Chánh định) và giúp ta đi vào giai đoạn kế tiếp là Paññā (Trí tuệ).
Khi thanh lọc tâm, không phải chỉ ở mức độ bề mặt, Sīla (Giới hạnh) đưa ta đến Sammā samādhi (Chánh định), nơi ta phát triển việc làm chủ tâm. Nhưng việc làm chủ tâm này ở mức độ bề mặt, còn Paññā (Trí tuệ) đưa ta đến chiều sâu của tâm. Phần thứ ba này của Dhamma là Paññā (Trí tuệ), có chức năng thanh lọc tâm ở tầng lớp sâu thẳm nhất (tầng lớp vô thức, nguồn khổ đau, nơi mọi bất tịnh đều nảy sinh, nơi chúng khởi sự và gia tăng gấp bội). Nhóm bất tịnh mà ta tích lũy trong quá khứ sẽ trồi lên trên bề mặt và mất đi nhờ Paññā.
Chúng ta sẽ không nói đến Paññā ngày hôm nay mà là ngày mai. Bởi vì ngày mốt, Quý vị sẽ vào lĩnh vực của Paññā, lý thuyết và thực hành phải luôn đi đôi với nhau.Bây giờ, ta đang trong lĩnh vực của Sīla, đang giữ tất cả các giới hạnh mà mình đã thọ nhận. Hãy giữ một cách cẩn thận và nghiêm chỉnh. Ta cũng đang thực hành Sammā samādhi, ý thức về thực tại nơi khu vực tam giác này, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Hãy tận dụng thời gian và cơ hội với nền tảng tốt lành của Sīla. Sống trong môi trường trung tâm Thiền này, không có lý do gì để Quý vị phạm bất cứ giới nào. Quý vị cũng có tất cả sự tĩnh lặng, an tĩnh, môi trường tốt lành xung quanh để có thể luyện tập Sammā samādhi.
Hãy tận dụng điều này, thời gian rất quan trọng, cơ hội ta đang có vô cùng thuận lợi. Phương tiện ta có ở đây là Dhamma tuyệt diệu, phương pháp Thiền tuyệt diệu, không có tính cách tông phái, phương pháp phổ quát, rất hợp lý và khoa học. Hãy tận dụng phương pháp Thiền này vì sự lợi ích, tốt lành và sự giải thoát của chính mình. Hãy giải thoát khỏi mọi ràng buộc, gông cùm, xiềng xích của vô minh, ham muốn, ghét bỏ và thoát khỏi mọi khổ đau, để hưởng được an lạc thật sự, hòa hợp thật sự, hạnh phúc thật sự.
Nguyện cho tất cả Quý vị hưởng được an lạc thật sự, hòa hợp thật sự, hạnh phúc thật sự!
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.
AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY