BÀI GIẢNG NGÀY THỨ BA
Chân lý phải được chứng nghiệm chứ không phải được hiểu bằng lý trí, niềm tin
Bởi thế, ta phải chứng nghiệm được, nhưng muốn chứng nghiệm được không phải là dễ. Để hiểu sự việc ở lĩnh vực lý trí và đức tin thì rất dễ, nhưng chứng nghiệm thực tại thì rất là khó. Bởi vì, trừ khi có sẵn khả năng chứng nghiệm này, nếu không, ta không thể chứng nghiệm được gì cả. Có quá nhiều ảo tưởng và lầm lẫn. Trên bề mặt hiển lộ ra có vẻ như vậy, nhưng nhìn kỹ hơn thì sự thật hoàn toàn khác hẳn.
Chẳng hạn, ban đêm khi lên giường, ta bật đèn điện hay đèn cầy rồi đi ngủ. Sáng hôm sau, khi thức dậy, nhìn ánh sáng của ngọn nến hay của ngọn đèn, ta đều có cảm tưởng rằng: “Đây là một ngọn nến hay ngọn đèn đêm qua”. Nhưng làm sao có thể cùng một ngọn đèn hay ngọn nến được. Mỗi một giây phút, một ngọn lửa nhốm lên rồi biến đi, một ngọn lửa khác lại nhốm lên rồi biến đi, và cứ như thế, một ngọn lửa khác lại nhốm lên rồi biến đi. Không có sự gián đoạn, cái này liên tiếp xuất hiện sau cái kia khiến cho ta có cảm tưởng, đó cùng là một ngọn lửa, cùng một ánh sáng. Chỉ là ảo giác và lầm lẫn: “Cái bóng đèn điện này, tôi đã chỉ tay vào đó hai lần”.
Ta có cảm tưởng vẫn cùng là một ánh sáng đó. Sao lại cùng một ánh sang được? Nếu cùng là một ánh sáng thì tại sao công ty điện lực lại gửi giấy tính tiền điện vào cuối tháng: “Ông đã tiêu thụ bao nhiêu điện năng? Bao nhiêu tiền đó”. “Tại sao lại phải trả tiền nhỉ? Đây là ngọn đèn của tôi, công tắc đèn của tôi. Tôi đã mua nó ngoài tiệm nên nó là sở hữu của tôi. Ông là ai ? Sao lại đòi tiền tôi?”. Nhưng công ty điện lực hoàn toàn có lý. Dòng điện được phát ra là từ nhà máy phát điện. Nó đi qua các dây dẫn điện và được tiêu thụ. Điện năng phát ra nối tiếp nhau với một tốc độ cực nhanh. Dòng điện cũ qua đi thì dòng điện mới thay thế tức khắc, rồi dòng điện cũ qua đi và cứ như thế, mà chuyển động với tốc độ cực nhanh đến nỗi ta có cảm tưởng là dòng điện không thay đổi. Một ví dụ khác, vào buổi sáng, ta băng qua sông tới bờ bên kia để làm việc nguyên ngày. Sau đó, ta lấy thuyền và chèo về bờ nên này. Ta có cảm tưởng là mình đã di chuyển trên cùng một dòng sông. Làm sao cùng một dòng sông được? Cho dù, ta có ngụp mình xuống sông này, rồi ngẩn đầu lên khỏi mặt nước, sau đó, lại ngụp mình xuống lần thứ hai và ngẩng đầu lên khỏi mặt nước lần nữa, rồi lần thứ ba cũng thế. Làm như thế, ta có cảm tưởng rằng mình đã ngụp xuống một dòng sông. Làm sao cùng một dòng sông được? Dòng nước vẫn chảy liên tục, dòng sông mà ta đã trầm mình xuống lần đầu đã trôi đi rồi. Không còn sót lại, dù chỉ một giọt nước, tất cả đều đã trôi đi mất.
Lần thứ hai, ta nhúng mình xuống dòng nước hoàn toàn khác. Lần thứ ba, lại là một dòng nước hoàn toàn khác nữa. Vào buổi sáng, ta chèo thuyền qua sông. Vào buổi chiều, con sông đã hoàn toàn đổi mới. Tuy nhiên, cảm tưởng của ta vẫn y như cũ cùng một dòng sông, cùng một ngọn đèn. Làm thế nào để ta thoát ra khỏi ảo tưởng ấy? Có phải sự việc nằm trong khả năng các giác quan của ta? Chẳng hạn, ta có hai mắt, có thể nhìn thấy các vật bên ngoài. Nhưng cái thấy này có giới hạn, ngọn lửa của cây đèn phựt sáng rồi mất đi. Nếu nhìn kỹ ngọn đèn thì ta có thể thấy điều đó.
Nhưng còn bóng đèn điện thì sao? Nó sáng và tắt với một tốc độ cực nhanh, nhanh hơn cả khả năng thị giác của mình. Hoặc sự trôi chảy của dòng sông, lúc ta nhúng mình xuống lần thứ hai, thì đã là một dòng nước mới rồi. Lần thứ ba cũng vậy, nếu chú ý kỹ, ai cũng sẽ hiểu được điều này. Nhưng làm sao ta hiểu được rằng người nhúng mình xuống sông lần đầu đã mất đi. Lần nhúng mình thứ hai, lần thứ ba, lại là một người hoàn toàn mới. Làm sao để hiểu được điều này? Ta chưa có khả năng chứng nghiệm được điều đó. Chẳng hạn, một người chưa bao giờ thực tập Vipassana sẽ có cảm tưởng rằng: “Ông Goenka này và Ông Goenka giảng pháp nửa giờ trước đây là cùng một Ông Goenka, và cùng là Ông Goenka của ngày hôm qua, của một năm trước đây hoặc của 10 năm, 50 năm trước, 60 năm trước hay 67 năm trước cùng một Ông Goenka”. Làm sao lại cùng một Ông Goenka được. Mỗi một khoảnh khắc, một Ông Goenka này chết đi và một Ông Goenka khác lại sinh ra. Toàn thể cấu trúc vật chất được tạo thành bởi những hạt nguyên tử cực nhỏ, sinh ra, diệt đi với một tốc độ cực nhanh. Tốc độ này tạo cho ta ảo giác, ảo tưởng và lầm lẫn. Ta không thể hiểu được thực tại dù rằng lý trí của ta chấp nhận thực tại là như vậy, vì các nhà khoa học đã nói như thế.
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.