BÀI GIẢNG NGÀY THỨ TƯ
Có nên dời sự quan sát đến nơi có cảm giác mạnh không?
Một câu hỏi thực tiễn khác: Trong khi tôi di chuyển sự chú tâm theo thứ tự và đang đến một phần nào đó, bất ngờ, có một cảm giác mạnh mẽ phát sinh trên phần thân mà tôi đã đi qua hay phần thân mà tôi chưa đi tới, tôi có nên dời sự quan sát đến chỗ đó không?
Không! Đừng bao giờ làm thế! Nếu làm thế, tâm ta sẽ chạy từ cảm giác mạnh này tới cảm giác mạnh nọ, từ phần này của cơ thể, tới phần kia của cơ thể mà không theo thứ tự nữa. Rồi ta sẽ bỏ sót rất nhiều phần của cơ thể và bỏ sót các cảm giác vi tế hơn. Ta sẽ không thể huấn luyện tâm mình cảm nhận được các cảm giác vi tế, mà điều ấy là một phần rất quan trọng của phương pháp này. Tôi đã thấy có những người quan sát các cảm giác thô thiển không theo một thứ tự nào từ năm này sang năm khác. Sau nhiều năm thực tập, họ không đạt được khả năng cảm nhận được nhiều loại cảm giác, đặc biệt là những cảm giác và thực tại vi tế hơn. Toàn thể cơ cấu thân xác này được cấu tạo bởi các Kalāpa (những vi tử cực nhỏ), mỗi vi tử không là gì khác ngoài những gợn sóng li ti và rung động. Không có gì là chắc đặc trong thế giới vật chất này, tất cả đều là những gợn sóng li ti.
Nhà khoa học hiện đại nói thế, ngành khoa học hiện đại cũng phát biểu như vậy. Đức Phật cũng nói một điều: “Có sự bùng cháy và rung động. Toàn thể vũ trụ đều là sự bùng cháy và rung động”. Ngài chứng nghiệm được điều đó và truyền đạt lại cho chúng ta, còn các nhà khoa học chỉ hiểu được ở mức độ kiến thức mà thôi. Nói như thế, không phải là ta chống đối khoa học hay các nhà khoa học hiện đại. Họ đã làm đúng bổn phận để phục vụ nhân loại. Nhưng nếu ta muốn hiểu định luật tự nhiên ở mức độ sâu hơn, ta phải kinh nghiệm trực tiếp được bản chất của luật ấy. Và ta chỉ có thể thực hiện được điều này, nếu ta cảm nhận được tổng thể những gì đang xảy ra trong phạm vi của cơ thể. Chỉ chú tâm quan sát với các cảm giác thô thiển và mạnh mẽ, ta sẽ không hiểu được định luật tự nhiên ở mức độ sâu hơn. Bởi vậy, điều rất quan trọng là ta phải di chuyển sự chú tâm theo thứ tự. Khi ta đã di chuyển tâm đến một chỗ nào đó và có vài cảm giác mạnh nảy sinh ở phần mà ta đã đi qua. Một phần tâm ta sẽ để ý tới chúng, nhưng hãy cứ di chuyển tiếp. Và trong vòng quét sau, khi đến điểm đó, nếu cảm giác còn ở đó, hãy quan sát nó. Nếu cảm giác đã mất rồi thì thôi, hãy tiếp tục di chuyển theo thứ tự.
Khi di chuyển từ đầu đến chân, mất bao lâu?
Một câu hỏi thường được nêu lên: Khi di chuyển từ đầu xuống chân thì mất khoảng bao lâu?
Không có thời gian cố định nào, đây là một con đường trung dung. Ở giai đoạn này, ta không nên tăng tốc độ quá nhanh mà trong một hơi thở, đã đi hết từ đầu đến chân vì sẽ bỏ sót rất nhiều chỗ trên thân. Ta cũng không nên đi quá chậm từng vùng nhỏ như đầu mũi kim, từng chút, từng chút một, mất mấy giờ mới xong một vòng. Tâm ta sẽ trở nên nhàm chán và không thể làm việc được nữa. Thế thì khoảng 10 phút cho một vòng là đủ rồi, hay lâu hơn 10 phút cũng không sao cả.
Diện tích vùng chú tâm rộng bao nhiêu?
Một câu hỏi khác: Mỗi lần quan sát, diện tích vùng chú tâm rộng khoảng bao nhiêu?
Khi mới bắt đầu thực hành, ta tập quan sát từng vòng từ 5 – 7 cm là đủ rồi. Nhưng nhiều lúc tâm trở nên mụ mẫm, có lúc nó rất nhạy bén nhưng có lúc nó trở nên đờ đẩn thì không cảm nhận được gì hết. Lúc đó, tâm rất thô thiển mà cảm giác thì quá vi tế đến nỗi ta không thể cảm nhận được nó. Trong trường hợp này, hãy quan sát một vùng lớn như cả cái đầu, cả khuôn mặt, cả lồng ngực, cả cái bụng… và di chuyển, quan sát từng vùng lớn. Nếu ta cảm nhận được cảm giác ở nơi nào đó tốt thì tiếp tục di chuyển. Từ từ, ta sẽ thấy rằng mình sẽ cảm nhận được cảm giác ở khắp mọi nơi và ở những điểm nhỏ nhất. Ta phải chú tâm quan sát thật kiên nhẫn và bền bỉ.
Ta có nên chỉ chú ý đến các cảm giác trên bề mặt hay cả bên trong cơ thể?
Một câu hỏi khác hay được đặt ra: Ta chỉ nên chú ý đến các cảm giác trên bề mặt hay cả bên trong cơ thể?
Vào giai đoạn này, khi ta mới bắt đầu tu tập phương pháp này, tốt hơn hết hãy chú tâm quan sát trên bề mặt của thân. Trong vòng 10 ngày, phần lớn, ta sẽ đạt đến giai đoạn mà mình có thể thâm nhập và đi sâu hơn vào bên trong như đâm xuyên qua rất sâu. Ta sẽ cảm nhận được cảm giác ở khắp mọi nơi, bên ngoài, bên trong, nhưng bây giờ thì chưa được. Đầu tiên, phải tập cho tâm đủ vững vàng và bén nhạy để cảm nhận được thực tại trên bề mặt.
Dĩ nhiên, trong vài trường hợp, cảm giác xuyên vào thân xảy ra một cách tự nhiên. Một Thiền sinh đến và nói rằng đã bắt đầu cảm nhận được cảm giác bên trong. Chẳng có gì sai cả! Nếu điều gì xảy ra một cách tự nhiên, cứ để nó xảy ra. Nhưng vào giai đoạn này, ta chỉ nên chú tâm làm việc trên bề mặt của thân mà thôi.
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.
AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY