BÀI GIẢNG NGÀY THỨ NĂM

Hãy quan sát khổ đau, đừng phản ứng lại nó!

Làm sao chúng ta có thể thay đổi được thói quen phản ứng này. Chúng ta tu tập là để nhắm đến mục đích là thay đổi thói quen phản ứng mù quáng tại tầng lớp gốc rễ này của tâm. Sống ở đời này, tất nhiên phải có khổ đau, điều này không ai chối cãi được. Nhưng làm sao thoát khỏi khổ đau, làm sao để giải thoát khỏi tất cả những phiền não. Cuộc đời này đầy tràn khổ đau. Mặc dù lý do có thể khác nhau nhưng sự thật là ai ai cũng khổ. Điều quan trọng đầu tiên là chấp nhận sự thật này: “Có khổ đau và khổ đau ở khắp mọi nơi”. Hơn nữa, nên tránh việc chỉ chấp nhận điều này ở mức độ lý trí, mà ta phải học cách quan sát khổ đau, đúng như là khổ đau.

 

Khi ta học cách quan sát khổ đau một cách khách quan thì sự thật này trở thành sự thật thánh thiện. Sự thật thánh thiện thứ nhất, tức là bất cứ ai bắt đầu quan sát khổ đau đúng như bản chất của khổ đau, một cách khách quan, không phản ứng lại khổ đau ấy. Không sớm thì muộn, người ấy sẽ trở thành một con người thánh thiện, một Thánh nhân, một người giải thoát, một Bậc Giác Ngộ. Đây là bước thứ nhất, chấp nhận sự thật của khổ đau và bắt đầu quan sát nó. Quan sát nhưng không phản ứng, chỉ quan sát thôi. Đây là điều ta đã bắt đầu thực tập, hãy chấp nhận cái đau khổ khi ngồi Thiền một giờ. Bằng cách nào đó, ta chịu đựng được nửa giờ và sau đó, cái đau khổ thật sự bắt đầu hành hạ ta: “Ồ! Đau dữ dội, đau dữ dội”. Rồi bằng cách nào đó, ta chịu đựng được thêm 15 phút nữa và rồi cả một cực hình bắt đầu, thống khổ biết bao. Có người đến nói với tôi: “Ngài Goenka! Toàn thể phương pháp này hay lắm. Phương pháp Thiền rất tốt, tôi thích nó lắm và những bài giảng buổi tối tuyệt vời làm sao. Tôi thích các bài giảng ấy lắm. Nhưng hãy bỏ giờ ngồi Thiền này đi, tôi thấy nó điên rồ lắm. Xin Ngài bỏ nó đi! Tất cả những thứ còn lại tuyệt diệu vô cùng”.

Tôi cũng muốn bỏ nó đi lắm chứ. Nhưng làm như thế chẳng có ích lợi gì cả. Ta phải đối diện và đương đầu với nó. Sau 45 phút, khi cái đau trở thành cực hình: “Một phút lâu như một giờ, một giờ đã qua rồi, mà bây giờ một phút lại lâu như một giờ. Ủa! Bây giờ, hình như đã hết một giờ rồi mà. Tiếc thay! Ta lại không thể mở mắt ra để nhìn đồng hồ. Tội nghiệp quá! Chắc chắn là đã quá một giờ rồi. Chắc Vị Thiền sư Phụ Tá đã quên không ra hiệu lệnh”. Bất bất ngờ, ta nghe lời tụng này: “Aniccā vata Saṅkhāra”. “Chà, tuyệt diệu làm sao! Nghe êm ái quá. Lời tụng này nghe sao mà thích thế, tuyệt diệu thế”.

Nhưng phải ngồi thêm 5 phút nữa, ta không thể duỗi tay ra, mở mắt ra, duỗi chân ra. Bây giờ, năm phút không thành vấn đề nữa: “Giờ vui sướng rồi. À! Ta sẽ sớm thoát khỏi ràng buộc này”. Lúc này mới thắm thía sự khổ đau của ràng buộc và hạnh phúc của sự giải thoát. Thế là ta đã chứng nghiệm được cả hai. Toàn thể con đường giải thoát này là làm thế nào để thoát khỏi khổ đau, thoát khỏi sự ràng buộc của khổ đau. Trong cuộc sống, nhiều khi ta bị đặt trong trường hợp phải đương đầu với khổ đau mà không làm gì được. Làm sao để đương đầu với nó đây? Nó có thể thuộc về thể xác hay tinh thần. Bây giờ, ta đang học cách đương đầu đấy. Không những thế, ta còn đang luyện cho tâm mình giữ được sự quân bình. Khi mọi sự rất thoải mái, dễ chịu, không có gì đau đớn thì ta nói: “Tôi hiện giờ rất bình tâm. Xem kìa! Tôi có phản ứng gì đâu”. Nhưng khi cơn đau thật sự bắt đầu thì cho dù ta giữ được sự bình tâm đi nữa, thì cũng chỉ được một vài khoảnh khắc. Suốt thời gian sau đó, ta lại phản ứng, nhưng những khoảnh khắc này mạnh mẽ, vững chắc lắm. Sự bình tâm này vững chắc lắm, nó bắt đầu cắt đứt cội rễ khó khăn của ta. Cho dù ta chỉ có được vài khoảnh khắc trong suốt một giờ đó. Những khoảnh khắc này sẽ trở thành vài giây, rồi sẽ trở thành vài phút.

 

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

 

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

Các bài viết trong sách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *