BÀI GIẢNG NGÀY THỨ 8
Tại sao phải quan sát hơi thở ở khu vực nhỏ?
Ta bắt đầu quan sát hơi thở ra vào và quan sát hơi thở trên một khu vực nhỏ hẹp. Khi Đức Phật muốn ta làm điều này là vì có một hậu ý là nếu ta tu tập trên một khu vực lớn hơn, tâm của ta sẽ không trở nên bén nhạy. Tâm sẽ chỉ cảm nhận được các cảm giác rất thô thiển ở đây, các cảm giác rất dễ nhận thấy. Cái đau nào đó ở vùng này, sự đè ép nào đó ở vùng này, hơi nóng nào đó ở vùng này, tâm sẽ không bao giờ trở nên sắc bén được. Khu vực ý thức càng nhỏ thì tâm càng trở nên sắc bén, tâm càng trở nên nhạy cảm.
Và vào khoảng ngày thứ 3, ta đã cảm nhận được cảm giác khu vực ý thức nhỏ hẹp này, ta càng thu hẹp dần khu vực ý thức và ta đã cảm nhận được cảm giác ở khu vực nhỏ hơn này. Nhờ thế, ta rất dễ cảm nhận được các cảm giác khắp mọi nơi. Đây là một trạm rất quan trọng trên con đường giải thoát, ta phải đạt đến giai đoạn này khi cảm nhận được các cảm giác trên toàn thân, thô hay vi tế, nhưng khắp mọi nơi trên thân. Không có phần nào của cơ thể là vùng mù mờ hay trống không, nghĩa là không có cảm giác nào cả. Cảm giác lúc nào cũng có ở đó, ở khắp nơi nhưng tâm ta không đủ bén nhạy để cảm nhận được chúng. Trạm này rất quan trọng. Nhưng ta không thể làm điều gì để ép buộc sự cảm nhận cảm giác trên toàn thân xảy ra. Nó xảy ra một cách tự nhiên. Công việc của mình là liên tục di chuyển sự chú tâm, và lưu lại nơi không có cảm giác khoảng một phút, rồi lại di chuyển tiếp, dừng lại một phút, rất kiên nhẫn. Ta sẽ thấy rằng tâm ta càng lúc càng trở nên tinh tế hơn, bén nhạy hơn, và bắt đầu cảm nhận được cảm giác ở khắp mọi nơi.
Trạng thái tan rã cơ cấu thân và tâm, Banga
Trạm quan trọng thứ hai rất quan trọng, đó là sự tan rã của toàn thể cơ cấu thân và tâm. Cơ cấu này biến thành những rung động, chỉ là những rung động. Đức Phật gọi đây là Banga, có nghĩa là sự tan rã, sự tan rã hoàn toàn. Một lần nữa ta không làm gì để thúc ép hiện tượng này được cả, hãy để nó xảy ra một cách tự nhiên. Ta không ngừng quan sát và tâm của ta càng lúc càng tinh tế hơn, nhạy hơn một cách tự động, luật tự nhiên là thế. Các cảm giác ứ nghẹn, căng thẳng, thô thiển ấy bắt đầu bị chia cắt, bị mổ xẻ, bị tan rã ra. Các cảm giác thô thiển ấy bắt đầu bị tan rã, đó là trạng thái Banga. Ta bắt đầu có được luồng rung động rất vi tế, luân lưu xuống khắp cơ thể. Đây là một giai đoạn rất quan trọng.
Nhưng Đức Phật nói đây cũng là kinh nghiệm rất nguy hiểm. Nguy hiểm theo nghĩa là sau khi trải qua tất cả những cảm giác ứ nghẹn, thô thiển, khó chịu, đột nhiên, ta gặp được luồng luân lưu, rung động rất dễ chịu này. Vì khuôn mẫu thói quen của tâm, ta bắt đầu nảy sinh lòng ham muốn và bám víu vào nó: “Ồ! Tuyệt vời làm sao?”. Và Ngài nói đây là điều nguy hiểm, hết sức nguy hiểm. Người ta có thể giữ được sự bình tâm trước những cảm giác khó chịu. Mong rằng các cảm giác khó chịu ấy qua đi, và sẽ bắt đầu cảm nhận được những cảm giác vi tế hơn như những người khác đã từng cảm nhận. Nhưng khi cảm giác vi tế hơn ấy đến, người ta bắt đầu bám víu vào nó.
Ngài nói rằng, đây là giai đoạn rất đáng sợ, rất nguy hiểm nên ta phải rất thận trọng để không bị ràng buộc vào những cảm giác dễ chịu này. Nếu không, sự tiến bộ sẽ ngưng lại và không những sự tiến bộ ngưng lại mà sự thoái hóa sẽ bắt đầu. Vì ta sẽ nảy sinh ham muốn mới và bám víu. Khi cảm giác dễ chịu, luồng rung động tinh tế mất đi, nó không tồn tại mãi mãi được, nó đến rồi nó đi.
Rồi một Saṅkhāra bám rễ rất sâu nào đó đáng lý ra chưa nổi lên trên bề mặt, sẽ nổi lên, vì ta đã cảm nhận được luồng rung động rất vi tế, vì ta đã đạt tới giai đoạn tan rã hoàn toàn. Chỉ có thể một Saṅkhāra bám rễ rất sâu mới có thể trồi lên trên mặt. Nó có thể thuộc loại có tính chất rất thổ thiển, rồi ta lại cảm thấy các cảm giác thô thiển, những cảm giác khó chịu. Ta cảm thấy rất chán nản, cảm thấy rằng mình đang thụt lùi. Ta đã có cảm giác tuyệt vời và giờ đây xem này, chúng biến mất. Bây giờ, một lần nữa, ta lại gặp phải những cảm giác khó chịu này. Ta đã không hiểu đúng đắn về Dhamma. Ta đã bắt đầu chơi trò chơi cảm giác, đây là điều người ta làm suốt đời với một âm thanh dễ chịu hay khó chịu, một cảnh tượng dễ chịu hay khó chịu, một mùi hương dễ chịu hay khó chịu, một Vị nếm dễ chịu hay khó chịu, một ý tưởng dễ chịu hay khó chịu.
Bây giờ, tương tự như thế, một cảm giác trên cơ thể dễ chịu hay khó chịu, ta tiếp tục phản ứng bằng ham muốn và ghét bỏ, nó có gì khác nhau? Ta đã không hiểu Dhamma, dù có những lời cảnh báo được lặp đi lặp lại. Chúng tôi thấy có vài Thiền sinh (dĩ nhiên, chỉ vài người thôi) tiếp tục theo học hết khóa này đến khóa khác, nhưng họ không hiểu phương pháp Thiền này, không hiểu Dhamma nên tiếp tục lấy làm thích thú các cảm giác dễ chịu và sanh lòng ghét bỏ các cảm giác khó chịu. Họ cứ chơi trò chơi cảm giác, đây không phải là Vipassana, tuyệt đối là không phải.
Ta phải rất cẩn thận hiểu đúng đắn điều chính yếu của phương pháp Thiền, để tu tập đúng đắn và thu lượm đúng lợi ích. Ta phải đi đến tận tầng lớp gốc rễ, tầng lớp cảm giác, và tại tầng lớp cảm giác này, ta phải giữ được sự bình tâm đối với bất cứ cảm giác nào nảy sinh. Mỗi một cảm giác thô hay vi tế, dễ chịu hay khó chịu, đều có cùng một đặc tính, đặc tính sinh diệt, đây là điều ta cần chứng nghiệm được. Khi nào có cảm giác ứ nghẹn, căng thẳng, thô thiển, sự nảy sinh của cảm giác rất rõ ràng nhưng sau một lúc, không sớm thì muộn, cảm giác ấy sẽ diệt mất. Cảm giác có vẻ lưu lại ở đó một chút, nó nảy sinh, hình như lưu lại một chút và rồi diệt mất.
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.