BÀI GIẢNG NGÀY THỨ 8
Nhờ sự bình tâm, Đức Phật đã vượt qua tất cả những trở ngại
Một Bậc Giác Ngộ phải trải qua những thăng trầm của cuộc sống, sự thăng trầm trong đời chắc chắn sẽ xảy đến. Ngài bắt đầu giảng dạy Dhamma này cho 5 người bạn, những người đồng tu. Sự giảng dạy này truyền giáo đến 50 rồi đến 500 đến 5000 người. Sự giảng dạy này cứ thế lan truyền. Hầu hết, dân số vùng Bắc Ấn Độ đã bắt đầu thực hành Dhamma vào thời của Ngài, người ta đã được lợi lạc. Tuy nhiên, có một số người rất chống đối Ngài. Một phần, vì họ không hiểu Ngài giảng điều gì, có lẽ họ nghĩ rằng: “Ông ta dạy điều gì đó chống bán lại tôn giáo, truyền thống của mình. Vì giáo pháp của ông ta, tôn giáo của mình sẽ mất hết quyền lực, uy tín”.
Còn phần khác là vấn đề mưu sinh của họ, họ là Tu sĩ. Nếu người ta làm theo lời giảng của Đức Phật sẽ không còn nghi lễ, nghi thức nào nữa, chẳng còn gì hết. Đức Phật nói: “Các người hãy chỉ quan sát chính mình và thanh lọc tâm mình, sống một cuộc đời lành mạnh, vui vẻ”. Những nghi lễ, nghi thức này sẽ còn hữu ích nữa không? Nếu không còn nghi lễ, nghi thức nữa, họ sẽ mất phương tiện sinh nhai. Vì thế, nên có sự chống đối. Làm sao họ có thể chặn đứng sự giảng dạy của Ngài? Đã có một cách, dạo ấy, thường có những buổi tranh biện trước công chúng, có chủ trương rất du côn, vô lại. Với đông đảo tín đồ người ta đến la ó, buông lời nhạo báng. Không có cuộc tranh luận thực sự, chỉ là một thứ náo loạn ầm ĩ.
Nhưng hình thức này vẫn được ưa chuộng và nếu ai đó thua cuộc thì người ta sẽ không chấp nhận sự giảng dạy của người bị thua nữa. Do đó, họ sẽ đến đấu khẩu, tranh luận với Đức Phật. Nhưng khi họ tới cổng trung tâm Tịnh Xá, nơi Ngài trú ngụ. Họ bắt đầu phân vân: “Ông ta là người rất thông minh, làm sao bọn mình có thể tranh luận với ông ta được. Dù có dùng phương cách la ó om sòm cũng không dễ, vì ông ta trả lời một cách điềm tĩnh. Ta hãy liệt kê ra những điều cần bàn luận, tranh biện, hãy để một người trong chúng ta làm người cầm đầu. Ông cầm đầu? Ông là người cầm đầu?”. Một người nói:
- Được rồi, để tôi cầm đầu, chúng ta hãy liệt kê hết các điều cần tranh luận
- Được, hãy liệt kê hết các điều cần tranh luận. Ông không để tóc dài rối bù trên đầu.
- Phải, phải. (Thời ấy tất cả những nhà tu khổ hạnh đều để đầu bù tóc rối).
- Ông không có để râu mép, râu cằm dài.
- Phải, phải. Râu mép, râu cằm dài.
- Ông không đeo tràng hạt, chuỗi hạt quanh cổ.
- Phải, phải.
- Ông không quấn da nai hay thú quanh thắt lưng.
- Phải, phải.
- Ông không trét tro lên người.
- Phải, phải.
Đột nhiên có người nói:
- Tất cả những câu hỏi này đã được nêu lên rồi. Bất cứ khi nào người ta nêu lên câu hỏi này, ông ta mỉm cười và nói: “Tôi không thích những thứ ấy, nếu ông thích chúng cứ việc làm, tôi sẽ không tranh luận với ông, cứ làm nếu ông thích điều ấy”. Làm sao bọn mình có thể tranh luận với ông ta điều ông ấy không làm. Chúng ta hãy tìm xem có điều gì sai trái trong sự thực hành và trong giáo huấn của ông ta.
- Được rồi, xé bỏ tờ giấy ấy đi, hãy làm một danh sách khác. Ông ta thuyết giảng điều gì và thực hành điều gì?
- Ông ta thuyết về Sīla (Giới hạnh) và ông ta giữ giới. Làm sao mình có thể tranh cải về điểm đó? Giới hạnh là điều tuyệt vời, có mấy ai sống cuộc sống đạo đức và dạy người khác sống cuộc sống đạo đức. Mình không thể bàn cãi về điểm đó được. Còn gì khác nữa?
- Ông ta dạy Samādhi.
- Samādhi là gì?
- Sự làm chủ tâm.
- Làm chủ được tâm ư? Tôi đã thử trong nhiều năm qua và tôi không thể làm chủ được tâm mình. Nếu ai có một phương pháp khiến mình làm chủ được tâm thì thật là tuyệt vời. Làm sao mình có thể chống đối lại điều đó được? Còn gì khác nữa?
- Ông ta dạy Paññā (Trí tuệ). Paññā là gì?
- Là một tiến trình, qua đó, tất cả bất tịnh phải được diệt đi.
- Các bất tịnh phải được diệt đi ư? Các bất tịnh của tôi đã không bị diệt đi dù chỉ một chút. Nếu các bất tịnh bị diệt mất quả thật tuyệt vời. Làm sao mình có thể chống đối lại điều đó được? Không thể chống điều này được. Còn gì khác nữa?
- Không còn gì khác nữa. Ông ta không nói về điều gì khác nữa. Ông ta nói: “Ta chỉ giảng và thực hành Sīla – Samādhi – Paññā (Giới – Định – Tuệ). Còn tất cả những thứ khác, tín ngưỡng, giáo diều, triết thuyết của Quý vị, tất cả đều không liên quan gì đến ta. Ta chẳng có quan hệ gì đến các nghi lễ cả. Quý vị cứ tiếp tục làm những gì mình thích. Nhưng 3 điểm này quan trọng, cả 3 là điểm chính yếu của Dhamma.
Họ đã bỏ đi vì họ không thể tranh cãi được:
- Nhưng dù sao chăng nữa, cần phải làm cái gì để ngăn chặn sự thuyết giảng của ông ta. Một cách là tìm cho ra vết ô nhục nào đó, nếu không có vết ô nhục, hãy tạo ra vết ô nhục. Và với một Tu sĩ, vết ô nhục ấy có thể là gì? Chỉ có 2 loại: tiền và đàn bà.
- Tiền, chúng ta không thể tạo một vết dơ nào về tiền, bởi vì ông ta đã bỏ cuộc đời Cư sĩ và cuộc sống xa hoa của một Thái tử, và ông ta không giữ cho riêng mình một món gì cả. Nhưng về đàn bà?
- Được, có thể làm được gì đó. Bởi vì cả đàn ông lẫn đàn bà đều đến học Dhamma với ông ấy.
Do đó, họ huấn luyện một cô gái trẻ đẹp. Một chiều tối, cô ta trét đầy son phấn… tới Tịnh Xá, trung tâm nơi Đức Phật trú ngụ và ngủ dưới gốc cây. Và sáng hôm sau, với mái tóc buông lơi, cô ta ra ngoài và nói: “Ồ! Tôi đã có được một đêm tuyệt vời với Sa môn Gotama. Tôi đã có được một đêm tuyệt vời”. Người nghe được câu đó tự hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra? Cô ta đang nói gì thế?”. Hai ngày, ba ngày, bảy ngày, rồi cô ta không tới nữa. Sau khoảng 8 tháng, có buổi thuyết pháp với đông đảo thính giả, Đức Phật đang thuyết pháp. Một số lớn các đệ tử của Ngài có mặt ở đó, bậc trị vì xứ sở, Vua Pasenadi cũng có mặt. Vị tổng tư lệnh, Đại tướng cũng có ở đó. Cư sĩ Anāthapiṇḍika, còn được gọi là Cấp Cô Độc có ở đó. Từ mẫu Visākhā cũng có mặt, có đông đảo thính chúng.
Cô gái ấy đã đặt một miếng gỗ vào bụng, lấy dây cột lại và mặt váy lót che bên ngoài. Rồi cô ta đến la hét và chửi bới: “Này, tên đầu trọc kia, nếu ngươi không có gì cho đứa con sắp chào đời của ngươi, hãy hỏi các đệ tử của ngươi, những người giàu có này phải làm một cái gì đó”. Mọi người đều ngạc nhiên và lúng túng: “Cô ta nói gì thế? Tại sao cô ta lại nói với Đức Phật như thế?” Đức Phật mỉm cười, chỉ có tình thương, chỉ có lòng từ bi: “Ô! Này con, con biết sự thật về điều con nói, ta biết sự thật về điều con nói”, chỉ có tình thương, chỉ có lòng từ bi. Thật dễ dàng, nếu Ngài muốn yêu cầu nhà vua, là đệ tử lớn của Ngài: “Cô ta nói dối, hãy chặt đầu cô ấy” thì cô ta sẽ bị rơi đầu.
Nhưng như thế, Đức Phật sẽ không còn là Đức Phật nữa, chỉ có lòng từ bi. Những chấn động của lòng từ bi bao trùm nơi đó và cô ta trở nên bối rối. Sợi dây buộc bị nới lỏng ra và miếng gỗ rơi ra ngoài, Dhamma thật mầu nhiệm. Đức Phật đã thành công nhờ sự bình tĩnh, hài hòa và an lạc trong tâm Ngài, chứ không phải nhờ vào sự tranh cãi. Ta không bao giờ thành công bằng cách tranh cãi, đây là điều Ngài thực hành suốt cuộc đời Ngài. Rất nhiều tình huống đến trong cuộc đời Đức Phật, và Ngài luôn luôn giữ tâm mình rất an tĩnh, trầm lặng, tinh khiết, hòa hợp và tốt lành cho mình cũng như cho mọi người.
Một chuyện khác nữa đã xảy ra. Một ông già theo đạo Bà La Môn rất tức giận: “Ông Phật này thuyết giảng toàn những thứ chống lại tôn giáo mình. Những người trong nhà mình, các con trai, con dâu, tất cả đều thôi không cử hành nghi lễ, nghi thức tôn giáo nữa. Các con tôi ngồi ở góc nhà và theo dõi hơi thở ra vào và cảm giác. Bọn chúng làm gì thế? Ông ta làm hỏng hết tôn giáo của tôi, tôi sẽ tới và bửa sọ ông ta ra. Chỉ có cách này mới chấm dứt được sự giảng dạy của ông ta”. Rồi ông ta đến gặp Đức Phật, rất tức giận, ông ta đi vào, vừa đi vừa, chửi rủa. Đức Phật nói: “Này, ông lão! hình như ông rất bực bội. Hãy tới đây ngồi xuống, chúng ta hãy thảo luận vấn đề của ông”.
Ông già ấy đã quyết định rồi: “Ta sẽ không bàn luận với ông Phật, bởi vì ông ta là người rất khôn ngoan. Giây phút ta khởi sự bàn bạc với ông ta, sự tức giận của ta sẽ mất đi. Nếu sự giận dữ của ta mất đi, ta sẽ không bửa sọ ông ta ra được. Ta phải cứ tiếp tục tức giận”, và ông ta đi tới gần, vừa đi vừa chửi rủa. Đức Phật nói:
- Này, ông lão, ông chỉ cần trả lời một câu hỏi. Ông có khách đến nhà thăm không?
- Có chứ, có rất nhiều khách đến nhà tôi, khách đến nhà thăm thì có liên quan đến chuyện gì?
- Hãy trả lời cho ta biết, một số khách có thể mang quà đến cho ông chứ?
- Có chứ, có nhiều khách mang quà đến, ông quan tâm đến chuyện ấy làm gì?
- Giả dụ, có khách mang quà đến cho ông và ông không chấp nhận món quà ấy rồi thì chuyện gì sẽ xảy ra?
- Chuyện gì xảy ra à? Món quà ấy thuộc về người mang nó đến.
- Này, ông lão, ta muốn nói với ông cùng một điều như thế. Ông đã tới nhà ta như một người khách. Ông đã mang theo những món quà chửi rủa. Ta không nhận những món quà ấy, chúng thuộc về ông, chúng là tài sản của ông, không phải tài sản của ta.
Ông già này là một người rất thông minh, ông ta chỉ bị một bức màng mỏng che phủ, bức màng vô minh mỏng vốn không cho phép ông ta hiểu được sự thật. Bức màng này được vén lên và ông ta bắt đầu hiểu:
- Đấy có phải là suốt đời người ta mang quà lại biếu chúng ta ư? Món quà chửi rủa 1 lần và để đáp lại chúng ta trả tới 10 lần. Họ mang 10 món, ta trả lại 100 món. Sự trao đổi quà này làm ngươi khốn khổ, ta cũng sẽ khốn khổ.
- Thưa Đức Phật Gotama, làm sao Ngài học được cách không chấp nhận thứ món quà nào?
- Hãy ngồi xuống ông lão! Hãy ngồi xuống đây, hãy nhắm mắt lại, quan sát hơi thở ra vào và quan sát các cảm giác. Ông phải tự quan sát mình, nếu ông không tự quan sát mình, ông không thể thoát ra khỏi sự khốn khổ này.
Đây là một vấn đề khó khăn đối với mọi người. Sau đó, ông lão này đã nỗ lực thực hành và trở thành một Araha (A La Hán), một người hoàn toàn giác ngộ. Và suốt cuộc đời còn lại, ông ta tiếp tục phụng sự chúng sinh. Trọn vẹn phương pháp Thiền là như thế này, trừ khi, ta giữ được sự bình tâm ở chiều sâu của tâm, nơi có cảm giác, nếu không, ta không thể trông mong đạt được kết quả đúng đắn. Khi ta tu tập đúng phương pháp, quan sát các cảm giác và giữ được sự bình tâm thì sẽ có kết quả tốt. Tất cả những gì xảy ra bên ngoài sẽ mang lại cảm giác trong cơ thể, dễ chịu hay khó chịu. Tất cả những gì xảy ra bên ngoài sẽ mang lại cảm giác trong cơ thể. Nếu ta giữ tâm quân bình trước các cảm giác thì bất cứ quyết định hay hành động nào của ta đều là quyết định hay hành động lành mạnh.
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.