BÀI GIẢNG NGÀY THỨ CHÍN
Ta nhận xét và phản ứng với đối tượng theo quan điểm chủ quan của mình
Còn tâm thì sao? Bốn phần của tâm vận hành như thế nào? (Thức) là phần hay biết của tâm, Saññā (Tưởng) là phần nhận định của tâm, Vedanā (Thọ) là phần cảm nhận của tâm và Saṅkhāra (Hành) là phần phản ứng của tâm. Các phần này của tâm vận hành như thế nào? Nếu tiếp tục quan sát bốn phần ấy, ta sẽ thấy phần thứ 4 (Saṅkhāra) là phần phản ứng của tâm đã trở nên rất mạnh. Và phần đầu tiên, Viññāṇa là phần chỉ hay biết và quan sát mọi sự một cách khách quan, đã trở nên rất yếu đuối. Phần thứ 4 (Phản ứng) trở nên rất mạnh. Ồ! Đây là nguyên nhân khổ đau của mình.
Nhờ luyện tập Vipassana, ta sẽ thấy rằng phần thứ 4 (Saṅkhāra) sẽ trở nên yếu dần. Cho dù ta có phản ứng, phản ứng ấy giống như một đường vẽ trên mặt nước, phản ứng ấy sẽ không quá sâu đậm. Mà phần đầu tiên (Viññāṇa) là phần chỉ quan sát một cách khách quan sẽ trở nên mạnh dần. Ta sẽ dễ dàng thoát khỏi mọi khổ đau. Nếu không luyện tập Vipassana một cách đúng đắn, ta không thể mong đợi thành quả đáng lẽ có được nhờ sự luyện tập. Khi tiếp tục quan sát thực tại, ta sẽ thấy rõ đâu là điểm sai lầm, khổ đau bắt nguồn từ đâu, khổ đau bắt đầu như thế nào. Nếu không, ta cảm thấy: “Bất cứ khi nào gặp người này, tôi bắt đầu phát sinh ý nghĩ tiêu cực”. Có đúng như thế không?
Nếu đúng, điều này có nghĩa có cái gì sai trái nơi người đó rồi. Phần sinh hóa của người ấy như thế nào, mà khiến cho phần sinh hóa của mình thay đổi, khiến mình nảy sinh tiêu cực. Nếu điều này đúng thì bất cứ ai gặp người ấy cũng nảy sinh ý nghĩ tiêu cực chứ! Nhưng điều này lại không xảy ra. Giả sử, có 5 người khác nhau cùng nhận xét về người đó. Có người có thể phát sanh ra tâm tiêu cực, người khác phát sanh ra lòng say mê, người thứ 3 có thể phát sanh ra sợ hãi, người thứ 4, thứ 5 có thể phát sanh ra cái gì khác. Cả 5 người phát sinh ra 5 điều khác nhau. Ồ! Thế thì rõ ràng cái điều sai trái ấy không nằm ở người ấy mà nằm nơi tôi. Vấn đề của từng cá nhân nằm ở mỗi người.
Một ví dụ, có một họa sĩ rất tài hoa dùng mực và cọ vẽ một bức tranh trên khung vải tuyệt đẹp. Người họa sĩ nhìn vào hình ảnh ấy: “Ô! Tuyệt đẹp, người này rất đẹp”. Người họa sĩ ấy bị mất thăng bằng tâm trí:“Tôi muốn sống với người này. Người này đẹp quá, tôi phải sống với người này”. Thiên hạ bảo:
- Anh là tên khùng! Bức tranh này do sự sáng tạo và trí tưởng tượng của chính anh, chẳng phải thật. Bây giờ, anh muốn sống với bức tranh này. Làm sao có thể được?
- Ồ! Không, tôi không thể sống thiếu người này được, tôi phải có được người này.
- Đúng là một kẻ điên.
Tương tự như thế, cũng người họa sĩ ấy vẽ một bức hình khác, rất khủng khiếp và dữ tợn: “Ồ! Người này xấu quá, dữ tợn quá. Hắn sẽ nuốt sống tôi, xé xác tôi. Xin hãy cứu tôi, xin hãy cứu tôi với”. Thiên hạ sẽ nói: “Anh điên rồi à! Hình này là do sự sáng tạo và trí tưởng tượng của chính anh. Anh đang làm gì thế?” Chúng ta có thể gọi người họa sĩ này là người điên nhưng mỗi người trong chúng ta cũng đang chơi cùng một trò chơi ấy.
Mỗi người trong chúng ta tiếp tục vẽ ra những hình ảnh, rồi cứ thế phản ứng lại những hình ảnh ấy. Mỗi người trong chúng ta tiếp tục đẽo tạc những hình tượng, rồi cứ thế phản ứng lại những hình tượng ấy. Tất cả đều là những hình ảnh hay hình tượng đẽo tạc tưởng tượng. Cứ thế, chúng ta phản ứng mạnh đến dường nào.
Một ví dụ, cách đây 20 năm, có người nói hay làm điều gì mà tôi không thích. Phần Saññā (Tưởng), tâm nhận định của tôi nói: “Xấu lắm”. Một khi Saññā của tôi nói xấu lắm thì Saṅkhāra của tôi phản ứng lại: “Một người rất xấu”. Tâm bất thiện nảy sinh và tôi đã tạc hình ảnh của người này: “Con người rất xấu”. Đã 20 năm qua, tôi đã không gặp lại người ấy. Sau một thời gian dài 20 năm gặp lại người ấy và tôi bắt đầu phản ứng: “Con người rất xấu”. Ồ! Trong 20 năm qua, người ấy đã có thể trở thành một Thánh nhân, ai mà biết được. Ngay từ đầu, chỉ có Saññā của tôi nói: “Con người này rất tồi tệ”.
Thật ra, có thể anh ta không tồi tệ thật sự, ai mà biết được. Nó là sáng tạo riêng của tôi. Tôi đã đẽo tạc hình ảnh người này là người rất tồi tệ. Tôi đang phản ứng lại với hình ảnh này, vốn do tôi sáng tạo và đẽo tạc ra. Hình ảnh này xen vào giữa con người thật của người này và tôi phản ứng lại với hình ảnh ấy. Một ví dụ khác tương tự, 20 năm trước, có người nói hay làm điều gì mà tôi thích. Phần Saññā (Tưởng), tâm nhận định của tôi đánh giá: “Ồ! Một người tuyệt vời! Một người hoàn toàn nhã nhặn, một người thánh thiện như thế”. Đã 20 năm qua tôi đã không gặp người ấy. Sau một thời gian 20 năm, tôi vẫn giữ hình ảnh ấy: “Ô! một người hoàn toàn nhã nhặn”. Người ấy đã có thể trở thành một kẻ hung ác, trong 20 năm này, người ấy có thể đã thay đổi rất nhiều, ai mà biết được. Ngay từ đầu, người ấy có thể là kẻ hung ác, chỉ có Saññā của tôi nói: “Một con người hoàn toàn nhã nhặn”.
Tôi đang phản ứng lại những hình ảnh do tôi tạo ra. Dần dần sự thật sẽ rõ ràng hơn nếu ta bắt đầu xem xét 4 phần của tâm làm việc như thế nào, xem xét sự tương quan giữa các cơ cấu thân và tâm diễn biến như thế nào. Tất cả những điều này sẽ trở nên rất rõ ràng nếu ta chỉ quan sát một cách khách quan.
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.