BÀI GIẢNG NGÀY THỨ MƯỜI

Cảm giác giúp ta thanh lọc tâm ở tầng lớp vô thức sâu thẳm

Đức Phật xem xét toàn thể cơ cấu thân và tâm ở tầng lớp mà Ngài có thể thấy năm tập hợp này vận hành riêng biệt ra sao. Vipassana sẽ đưa ta tới giai đoạn đấy. Nếu ta bắt đầu chơi trò chơi bằng cách ưa thích cảm giác đặc biệt nào đó,thì ta sẽ quên không chia cắt ra, không mổ sẻ và không hiểu rõ bản chất của thân và tâm. Thân và tâm tương quan với nhau như thế nào? Chúng gây ảnh hưởng cho nhau ra sao? Chúng bị ảnh hưởng của nhau như thế nào? Tất cả những điều này sẽ không trở thành quan trọng đối với mình. Ta đương nhiên sẽ hoan hỷ khi gặp cảm giác dễ chịu và trở nên rất chán nản khi có các cảm giác rất khó chịu. Ngài đưa chúng ta đến Vedanā, đến với cảm giác. Chúng ta không nên chơi trò chơi cảm giác. Mục đích là để thoát khỏi các đối tượng giác quan này và ngưng không phát sinh ra ham muốn và ghét bỏ. Đây là giáo huấn của tất cả các nhà lãnh đạo tinh thần, nhưng họ chỉ làm việc ở bề mặt, ở tầng lớp bề ngoài: “Đừng ham mê đối tượng giác quan này hay đối tượng giác quan khác”. Đức Phật đi sâu hơn, Ngài khám phá ra rằng lòng ham muốn và ghét bỏ của chúng ta không nảy sinh vì những đối tượng bên ngoài này.

Có cái gì bị bỏ sót giữa đối tượng bên ngoài và lòng ham muốn hay ghét bỏ. Khâu bị bỏ sót đó là cảm giác trên thân thể. Khi tiếp xúc với bất cứ đối tượng nào thì có cảm giác trên cơ thể. Một phần của tâm đưa ra nhận định rất tốt, rất xấu, cảm giác trở nên dễ chịu hay khó chịu, chỉ từ đó, ham muốn và ghét bỏ mới nảy sinh, chứ không phải chúng nảy sinh trước đó. Nếu khâu này bị bỏ sót thì ta chỉ tu tập ở mức độ bề mặt thôi. Thoát khỏi ham muốn và ghét bỏ ở bề mặt của tâm quả là tốt.

Tâm ở tầng lớp trí thức trở nên trong sạch, điều này không có gì sai trái cả. Nhưng nếu chỉ thanh lọc tâm ở tầng lớp trí thức không thôi, ta sẽ bỏ sót chiều sâu của tâm. Đức Phật đã chỉ cho chúng sanh cách đi vào chiều sâu của tâm và tu tập với các cảm giác. Đó là lý do tại sao những người muốn hành Thiền Vipassana như Đức Phật đã dạy chúng ta, những người muốn hành Thiền đúng theo cách Vipassana mong muốn chúng ta không bỏ sót Vedanā, cảm giác trên cơ thể. Nếu ta bỏ quên cảm giác trên cơ thể mà chỉ ý thức về mọi điều xảy ra bên ngoài, để giữ cho tâm được thanh tịnh ở tầng lớp bề mặt là điều tốt. Nhưng nếu chỉ như thế, ta sẽ bỏ sót tầng gốc rễ của tâm. Với cảm giác, ta thanh lọc tâm ở tầng lớp gốc rễ. Như vậy, hãy ghi nhớ rằng, bất cứ khi nào ta hành Thiền Vipassana, các cảm giác đóng một vai trò rất quan trọng. Hãy tiếp tục hiểu rõ bản chất của các cảm giác, dù là cảm giác dễ chịu hay khó chịu.Nhờ thực hành và qua kinh nghiệm, cho dù có khó chịu đến thế nào đi nữa, không sớm thì muộn,ta sẽ hiểu rằng:

“Xem này, cảm giác nảy sinh và sau một thời gian nó sẽ mất, nó không tồn tại mãi mãi”. Khi cảm giác biến thành sự rung động rất vi tế, rồi thành nguồn sóng li ti sinh diệt: “Ồ, đây là vô thường, đây là bản chất của mỗi cảm giác. Bởi vì đây là bản chất của toàn thể cơ cấu thể chất và tinh thần này. Cảm giác không là gì cả mà chỉ là sản phẩm của sự tiếp xúc giữa hai cơ cấu này (thân và tâm), cứ tiếp tục sinh diệt, cảm giác cũng cứ tiếp tục sinh diệt. Ta đang chứng nghiệm sự sinh diệt này, ta không chơi trò chơi trí thức, ta không chấp nhận nó chỉ vì Đức Phật đã nói như thế”.

Khi ta tiếp tục chứng nghiệm sự sinh diệt, điều này trở thành Bhāvanā mayā Paññā (Tu tuệ). Ta hiện đang sống với thực tại này, đang chứng nghiệm nó. Nó không chỉ là Sutta mayā Paññā (Văn tuệ). Đối với mình, nó không chỉ là lý thuyết mà ta đang hiểu rõ ở mức độ thực nghiệm và bắt đầu thay đổi khuôn mẫu thói quen của tâm ở tầng lớp sâu thẳm nhất. Điều này phải được hiểu rõ và ghi nhớ trong lòng. Không phải lúc nào ta cũng hoàn toàn tỉnh giác, đến nỗi bất cứ khi nào cảm giác đến ta không phản ứng gì cả, đây là giai đoạn rất cao siêu. Nhưng cuối cùng, ta cũng phải đạt đến giai đoạn này. Mục đích phải thật rõ ràng: “Với bất cứ cảm giác nào, tôi sẽ không phản ứng bằng ham muốn hay ghét bỏ. Cho dù có phản ứng, tôi sẽ nhận ra điều đó càng sớm càng tốt”.

Một cảm giác rất dễ chịu có thể đến, và ta bắt đầu phản ứng: “Ô! Thật tuyệt vời! cảm giác này thật là sung sướng. Tôi có một luồng luân lưu. Hiện giờ, tôi đang có luồng luân lưu”. Ngay tức khắc, ta nhận ra: “Ô! Cuối cùng, đây là vô thường, ham muốn thì có tốt lành gì”. Rồi đột nhiên cảm giác trở thành rất khó chịu và ta bắt đầu phản ứng bằng ghét bỏ: “Hãy xem ta trở lại với trí tuệ nhanh chóng như thế nào. Ồ, không, cảm giác rất khó chịu này cũng là vô thường, không ghét bỏ. Cứ thế, ta học cách trở nên vững vàng trong Aniccā này. Trí tuệ về Aniccā và ta ngày càng tiến bộ. Đây là những nguyên tắc cơ bản của Vipassana. Nếu bỏ sót những nguyên tắc căn bản này, chắc chắn ta sẽ không tu tập được những kết quả đáng lẽ phải có được.Toàn thể phương pháp Thiền này hướng đến kết quả, không phải ta được lợi ích sau khi chết. Sau khi chết, chắc chắn lợi ích sẽ đến, không nghi ngờ gì cả.

Có một luồng luân lưu từ quá khứ đang di chuyển đến tương lai và đưa chúng ta đến đích cuối cùng, nơi luồng luân lưu ngưng lại. Nhưng trong lúc này, khi nào có luồng luân lưu, khi ấy vẫn có lợi ích, với điều kiện là ta phải thực hành đúng đắn theo phương pháp. Lợi ích phải đến ngay tại đây, ngay bây giờ và ngay trong kiếp sống này. Nếu lợi ích không đến thì có điều gì sai rồi. Nếu cuộc sống của mình không thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn thì đã có điều gì sai rồi. Có điều gì sai rồi, có nghĩa là ta không thực hành đúng phương pháp. Phương pháp Thiền này hữu ích vì đã giúp ích cho rất nhiều người trong 25 thế kỷ qua và hiện vẫn đang giúp ích.

 

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

 

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

Các bài viết trong sách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *