BÀI GIẢNG NGÀY MƯỜI MỘT
Tự mình tu tập hết ngày nay qua ngày khác, chúng ta đã tới hồi mãn khóa học Dhamma này. Khi khóa Thiền mới bắt đầu ta được yêu cầu phải hoàn toàn tuân phục và tuân theo, chỉ để công bằng và hoàn toàn công minh với phương pháp Thiền này. Sự tuân phục này chỉ kéo dài có 10 ngày. Giờ đây, ta được tự do không còn bị lệ thuộc. Dhamma luôn luôn làm cho mọi người biết tự nương tựa chính mình.
Khi về đến nhà, ta sẽ duyệt xét lại một cách bình tĩnh, yên lặng. Bất cứ điều gì học được ở đây, bất cứ điều gì thực tập ở đây, ta sẽ duyệt lại. Và nếu nhận thấy rằng những gì mình học được ở đây là hợp lý, có ý nghĩa, thực tiễn, rồi chỉ khi ấy, ta mới nên chấp nhận nó.
Phương pháp Thiền này có lợi ích thật không?
Nhưng đó không chỉ là thước đo duy nhất, còn có tiêu chuẩn khác. Bất cứ điều gì học được ở đây, Ta phải nghĩa rằng: “Phương pháp Thiền này thực sự mang lại lợi ích cho tôi không?” Rồi chỉ như vậy, ta mới nên chấp nhận nhưng không phải chỉ có thế: “Bằng cách chấp nhận phương pháp Thiền này, tôi có làm hại bất cứ một chúng sinh nào khác hay không? Có phải người khác cũng được lợi lạc từ phương pháp Thiền này hay không?”. Nếu có những điều hợp lý, thực tiễn mà một người bình thường, có mức hiểu biết trung bình có thể chấp nhận được. Nếu có những điều tốt lành cho tôi và người khác thì tự nhiên tôi sẽ chấp nhận nó.
Một người với trí thông minh trung bình sẽ chấp nhận nó. Nhưng sau khi đã thực hành trong 10 ngày, ta biết rõ là nếu chỉ chấp nhận ở mức độ tri thức không thôi, cũng chẳng có lợi ích gì cả. Chấp nhận ở khía cạnh sùng tín hay tình cảm cũng chẳng giúp ích gì cả. Ta phải chấp nhận ở mức độ thực tế, Dhamma phải được chấp nhận ở mức độ thực tế và chứng nghiệm. Dhamma phải được áp dụng trong cuộc sống và phải được thực hành. Khi ta quyết định chấp nhận Dhamma ở mức độ thực hành, ta sẽ tự nguyện tuân phục. Mười ngày trước đây, ta tuân phục vì được yêu cầu như thế, ta phải tuân phục để thử qua phương pháp Thiền này.
Giờ đây, với sự tự do và hiểu biết rõ ràng, ta sẽ tuân phục Dhamma và sẽ tuân phục suốt đời. “Tôi phải sống cuộc đời Dhamma càng lâu dài càng tốt, với sự hiểu biết này người ta tuân phục Dhamma và cố gắng hết sức để sống cuộc đời Dhamma”. Đây là khía cạnh thực tiễn của Dhamma, khi Dhamma mang lại mọi lợi ích. Ta tham dự khóa Thiền như thế này là để học phần thực tiễn của Dhamma. Và đây là những gì ta thực hành liên tục từ 4h00 sáng đến 9h30 tối để không ngừng tu tập. Dĩ nhiên, vào mỗi tối, chúng ta có những buổi pháp thoại như thế này, vốn rất cần thiết để làm sáng tỏ phương pháp Thiền và làm cho phần thực tiễn của Dhamma được rõ ràng. Nhưng khi có những buổi pháp thoại, phần lý thuyết của Dhamma cũng được đề cập đến. Trong vài trường hợp,có một vài Thiền sinh có thể không chấp nhận một số khía cạnh nào đó trong phần lý thuyết của Dhamma ấy:
“Khía cạnh ấy không phù hợp với truyền thống, tín ngưỡng của chúng tôi, không phù hợp với giáo lý của chúng tôi”. Nếu điều này xảy ra, hãy bỏ nó sang một bên và hãy chấp nhận những gì mà ta có thể chấp nhận được. Nhưng xét về phần thực hành của Dhamma mà nói, người ta có thể thuộc về bất cứ truyền thống nào, giáo phái nào, tôi chưa từng gặp một ai phản đối, không chấp nhận phương pháp Thiền này. Còn về phần lý thuyết, nếu gạt bỏ qua một bên một phần nào đó ta cũng không thiệt thòi gì mấy. Sau này, nếu thấy rằng phần bị gạt một bên có thể chấp nhận được, lúc ấy, ta hãy chấp nhận nó.
Dĩ nhiên, người đã truyền dạy phần lý thuyết của Dhamma bằng tất cả tình thương và lòng từ bi để sao cho phần thực hành của Dhamma ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Cũng giống như người mẹ với tất cả lòng thương yêu, làm một món ăn rất ngon cho con mình. Ở nước chúng tôi có một món rất ngon gọi là Khia, làm bằng sữa, gạo, trái cây khô và chất ngọt. Người mẹ đưa cho con món ăn này, đứa bé nói:
- Không, con không ăn đâu.
- Con hãy ăn thử đi, có chuyện gì vậy?
- Không, con không ăn đâu, có cục sạn đen trong đó.
- Đây không phải là cục sạn đen. Đó là hạt thảo quả, hạt này có hương vị riêng của nó, con hãy ăn thử đi.
- Không, đây là cục sạn đen, đây là cục sạn đen.
- Được rồi con lấy nó ra, cái mà con cho là cục sạn đen ấy, hãy vất nó ra và thưởng thức phần còn lại. Sau này khi con thấy rằng cục này cũng ngon thì hãy thưởng thức nó sau.
Đứa con dại khờ đã bỏ hết món ấy đi: “Có cục sạn đen trong đó, có cục sạn đen trong đó”. Những kẻ ấy sẽ bỏ lỡ hết tất cả. Tương tự như thế, nếu ta thấy có cục sạn đen nào trong phần lý thuyết của Dhamma, hãy bỏ nó ra và thưởng thức phần còn lại. Nhưng về phần thực hành của Dhamma mà nói, không có gì để có thể bị loại ra cả. Phần thực hành của Dhamma là Sīla, sống cuộc đời đạo đức, không làm hại ai bằng bất cứ việc làm, lời nói nào. Bởi vì khi làm hại ai đó bằng bất cứ việc làm hay lời nói nào, ta đã tự làm hại chính mình.
Đây là luật tự nhiên, người ta có thể thuộc về giáo phái này hay giáo phái kia nhưng thiên nhiên không thiên Vị bất cứ giáo phái nào cả. Khía cạnh thực tiễn của Dhamma là Samādhi, phát triển việc làm chủ tâm mình. Người nào còn làm nô lệ cho tâm sẽ sống một cuộc đời đau khổ. Như thế, làm sao người nào có thể phản bác lại việc làm chủ tâm mình.
Khía cạnh thực tiễn tột cùng của Dhamma là Paññā, thanh lọc tâm hết mọi bất thiện, mọi thói hư, tật xấu và cũng phát triển phẩm hạnh tốt lành, tình thương, lòng từ bi và thiện ý. Điều này ai cũng có thể chấp nhận được. Chính khía cạnh thực tiễn của Dhamma mới mang lại lợi ích trong đời sống. Ta có thể chấp nhận trọn vẹn phần lý thuyết của Dhamma, nhưng nếu không áp dụng trong đời sống, nếu không thực hành, ta sẽ không thu lượm lại được lợi lạc nào cả.
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.