BÀI GIẢNG NGÀY THỨ 8
Duy trì sự bình tâm là nguyên tắc chính của phương pháp Thiền này
Một phần quan trọng của phương pháp Thiền này là ta phải làm cho tâm mình hết sức sắc bén, hết sức nhạy cảm để cạm nhận được các cảm giác ấy. Một phần khác của phương pháp Thiền này là ta phải duy trì được sự bình tâm, đừng phản ứng. Luôn luôn hiểu rằng đây là Aniccā (Vô thường). Đây không phải là niềm tin giả tạo, đừng chấp nhận nó, bởi vì Đức Phật đã nói thế, hay truyền thống đã nói thế.
Với kinh nghiệm của chính mình, ta thấy rằng vạn sự nảy sinh và không sớm thì muộn chúng sẽ diệt mất, chúng sinh rồi diệt. Khi tất cả đều tan rã thì sự sinh và diệt xảy ra với một tốc độ rất nhanh, nhưng cũng cùng một sự thật như nhau: “sinh diệt”, đó là Aniccā (Vô thường). Theo cách này, ta bắt đầu thay đổi khuôn mẫu thói quen ở mức độ sâu thẳm nhất trong tâm mình. Điều đó rất quan trọng, ta phải hiểu được điều này.
Saṅkhāra xuất hiện như thế nào?
Luật tự nhiên là thế này, một khi ta ngừng không tạo ra Saṅkhāra mới nữa, các Saṅkhāra cũ sẽ bắt đầu trồi lên trên bề mặt và sẽ bị diệt trừ. Khi ta giữ được sự bình tâm, chúng trồi lên trên bề mặt, ta giữ được sự bình tâm, chúng trồi lên trên bề mặt, cứ thế, chúng yếu dần và tan biến đi, đây là luật tự nhiên. Đây là điều đã được Bậc Giác Ngộ chứng nghiệm và khám phá. Ngài nói: “Mắt xích gọi là Viññāṇa (Thức), sự hay biết sinh diệt, sinh diệt trong từng khoảnh khắc”. Và nguyên nhân gần nhất của sự nảy sinh này là Saṅkhāra. Mỗi khi ta tạo nên một Saṅkhāra, Viññāṇa (sự hay biết) của khoảnh khắc kế tiếp nảy sinh. Một lần nữa, ta tạo nên Saṅkhāra, thức nảy sinh khoảnh khắc kế tiếp. Cứ thế, tiến trình này tiếp diễn không ngừng.
Vào cuối đời, một Saṅkhāra rất mạnh sẽ trồi lên và đẩy mạnh. Viññāṇa (Thức) nảy sinh trong một cơ thể khác và nó tiếp tục. Sự thật này được Bậc Giác Ngộ thực chứng. Làm sao để ngăn chặn quá trình này được? Một khi ta còn tiếp tục tạo ra Saṅkhāra, dòng luân lưu này sẽ tiếp tục. Khi ta ngưng tạo ra Saṅkhāra mới, tiến trình theo chiều ngược lại sẽ tự động bắt đầu.
Một ví dụ, dòng luân lưu này của thân và tâm là dòng luân lưu của sự sống, tinh thần và vật chất. Ta phải cung cấp thực phẩm, vật chất cho sự sống còn của thân, cho sự luân lưu của vật chất. Nhờ thực phẩm vật chất này, sự sống của thân tiếp tục tồn tại. Cũng thế, cho sự luân lưu của tâm, thực phẩm tinh thần chính là Saṅkhāra phải được cung cấp. Rồi chỉ như vậy, nó mới tiếp tục. Chẳng hạn, một hôm, ta không ăn gì hết, nhịn đói nhưng dòng chảy của sự sống vẫn tiếp tục. Ta quyết định nhịn đói 2 ngày, sự sống vẫn tiếp tục, 5 ngày, 10 ngày, 1 tháng, 2 tháng. Cuối cùng, thân này chết vì ta đã ngưng cung cấp thức ăn cho nó trong một thời gian dài như thế.
Nếu ta đã ngưng cung cấp thức ăn cho nó trong một thời gian lâu như thế, tại sao phải mất vài tháng thân này mới chết? Bởi vì mỡ tồn kho cũ còn đó, bất cứ những gì tích lũy được như mỡ .v.v.. bắt đầu được tiêu thụ. Khi mỡ tồn kho được tiêu thụ hết không còn thức ăn nữa thì thân này mới chết. Cùng một nguyên tắc được áp dụng cho sự luân lưu của tâm, ta tiếp tục cung cấp Saṅkhāra cho nó. Đối với cơ thể, nếu ta chỉ cung cấp thức ăn cho nó một lần trong vòng 24 giờ, thế cũng tạm đủ cho nó. Nhưng để cho sự luân lưu của tâm được tiếp tục, thức ăn phải được cung cấp từng giây phút, phải cho nó ăn từng khoảnh khắc.
Bằng phương pháp Thiền này, ta học cách không cho nó ăn thức ăn mới. Giả sử trong giây phút này, ta đã không cho thêm thức ăn mới nào. Ta vừa mới cảm nhận được cảm giác và chỉ mỉm cười Aniccā (Vô thường). Ta không có ham muốn, không có ghét bỏ, không có vô minh, mà chỉ có ý thức và không phản ứng lại, nên ta không tạo thêm Saṅkhāra nào. Sự luân lưu của tâm vẫn còn chưa ngừng, trong khoảnh khắc kế tiếp ta lại không tạo ra Saṅkhāra nào. Một lần nữa, trong khoảnh khắc kế tiếp, ta không tạo ra Saṅkhāra nào, nhưng sự luân lưu của tâm vẫn tiếp tục. Làm sao nó tiếp tục được?
Cùng nguyên tắc ấy, bây giờ, với mỡ tồn kho Saṅkhāra cũ, khi ta không cho dòng luân lưu của tâm một Saṅkhāra mới, Saṅkhāra cũ phải trồi lên trên mặt và một Viññāṇa (Thức) mới nảy sinh. Ta lại không cho dòng sống một Saṅkhāra mới, Saṅkhāra cũ sẽ trồi lên trên mặt và một Viññāṇa (Thức) mới sẽ nảy sinh. Khi tất cả các Saṅkhāra cũ bị tiêu thụ hết, khi ta không còn một Saṅkhāra nào nữa, ta được giải thoát khỏi mọi khổ đau. Nguyên tắc này đã có đó, nhưng chỉ nhờ vào sự chứng nghiệm, người ta mới bắt đầu hiểu được các Saṅkhāra cũ trồi lên trên mặt như thế nào.
Ví dụ, ta đã tạo nên một Saṅkhāra nóng giận, ta sẽ thấy rằng đâu đâu cũng có cảm giác rất khó chịu vì một phản ứng sinh hóa đã bắt đầu chuyển động. Ta lại tạo ra thêm nóng giận, hay tạo thêm một Saṅkhāra mới. Một lần nữa, phản ứng sinh hóa này lại phát sinh và có một cảm giác khó chịu. Và bởi vì cảm giác khó chịu này, ta lại đâm ra nóng giận, cái vòng luẩn quẩn này, đây là sự sanh sôi nảy nở khổ đau của ta. Liên tục, hết Saṅkhāra này đến Saṅkhāra khác. Ta đã sinh ra nóng giận và hậu quả của nó là một phản ứng sinh hóa nào đó đã khởi lên, một cảm giác rất khó chịu đã khởi lên. Ta không phản ứng lại, tình trạng ấy lại tiếp tục trong một thời gian và ta cứ không phản ứng lại, khuôn mẫu thói quen bắt đầu thay đổi. Để thay đổi khuôn mẫu thói quen, người ta phải đi vào chiều sâu của tâm ở mức độ cảm giác và tránh không phản ứng. Ta sẽ nhận thấy rằng, nó sẽ bắt đầu thanh toán sạch sẽ mớ tồn kho cũ.
Một ví dụ được đưa ra, ta có nhiên liệu để đốt, một đống củi đầy. Ta nhóm lửa lên và củi bắt đầu cháy. Khi củi cháy, ta ném thêm củi vào lửa nên nó tiếp tục cháy. Ta lại ném thêm củi mới nữa vào lửa, ngọn lửa bắt đầu đốt cháy những củi mới này. Các củi cũ vẫn bị vùi sâu phía dưới, hết lớp này đến lớp khác. Ngọn lửa cứ tiếp tục cháy thêm củi mới, thêm nhiều thanh củi mới. Nếu ta ngừng thêm củi mới, ngọn lửa bắt đầu thiêu đốt các thanh củi cũ còn lại. Không sớm thì muộn, ngọn lửa sẽ đốt cháy hết tất cả. Người ta hiểu nguyên tắc này theo nhiều cách, các Saṅkhāra cũ bị diệt trừ như thế nào. Sự thực là Saṅkhāra cũ bị diệt trừ, nó bị diệt trừ như thế nào.
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.