BÀI GIẢNG NGÀY MƯỜI MỘT
Hãy hành Thiền đều đặn mỗi ngày và Thiền chung với mọi người
Ngoài việc ngồi Thiền 2 lần trong ngày, khi đi ngủ và nằm nhắm mắt ít nhất trong khoảng 5 phút. Hãy ý thức về Aniccā (Vô thường), ý thức về các cảm giác trong người và ngủ. Sáng hôm sau, khi thức giấc, một lần nữa, trong khoảng 5 phút, hãy ý thức về Aniccā, rồi đứng dậy và bắt đầu làm việc. Năm phút trước khi ngủ và năm phút sau khi thức giấc rất hữu ích, khoảng thời gian này mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Rồi ở bất cứ nơi nào có thể được, trong thành phố, trong làng, trong làng xóm… bất cứ nơi nào, hãy hành Thiền Vipassana. Hãy ấn định một nơi, một giờ, một ngày nào đó, mỗi tuần ít nhất một lần hãy ngồi Thiền chung với nhau bất cứ nơi nào có thể được, hãy ngồi Thiền chung với nhau một giờ.
Sự ngồi Thiền chung với nhau rất hữu ích nếu trong một tuần nào đó, có bão tố xảy ra trong cuộc đời và ta thấy rằng mình không thể thực tập Thiền Ānāpāna (quan sát hơi thở), chứ đừng nói đến Vipassana thì vào lúc cuối tuần hãy ngồi Thiền chung với vài anh chị em Dhamma. Sự hành Thiền của một người nào đó có thể có lực rất mạnh. Ta thấy rằng bầu không khí tràn đầy từ trường tốt lành từ người ấy và năng lực của mình được thu nạp thêm, rồi mình có thể hành Thiền tốt hơn. Tuần lễ kế tiếp, ta có thể đủ sức đối phó bất cứ giông bão nào xảy ra trong đời mình. Điều tốt hơn hết là ở bất cứ nơi nào có thể được, mỗi tuần nên có một giờ ngồi Thiền chung với nhau nhưng chỉ ở nơi nào có thể được mà thôi. Rồi một điều phải làm nữa là mỗi năm một lần tham dự một khóa Thiền 10 ngày, để củng cố vững vàng trong phương pháp Thiền này. Điều này rất thiết yếu, ta nghỉ phép mỗi năm. Khóa Thiền này bây giờ trở thành những ngày nghỉ phép của mình. Trong 10 ngày này hãy trở về sâu trong nội tâm.
Xong khóa, ta sẽ cảm thấy tươi mát, đầy năng lực, đầy sinh khí, đầy sức mạnh để đương đầu với những thăng trầm của cuộc sống trong năm tới. Do đó, mỗi năm hãy tham dự một khóa 10 ngày. Nếu đến được một khóa Thiền như thế này, ta tiếp nhận được môi trường Dhamma tốt lành. Nhưng nếu không thể đến được cũng chẳng sao cả, hãy tự tạo ra một khóa tự tu. Bây giờ, ta đã biết trọn vẹn phương pháp Thiền rồi, biết nội quy, điều lệ, thời khóa biểu, hãy tu tập đúng theo đó. Chúng ta có thể báo tin cho Vị Thầy hướng dẫn biết về ngày giờ bắt đầu và địa điểm khóa tự tu của mình. Làm như thế có thể có lợi ích. Rốt cuộc thì người Thầy làm gì trong phương pháp Thiền này? Người Thầy mời chúng ta đến ngồi trước mặt họ và thực hành những gì người ấy yêu cầu tu tập. Rồi những gì mình đã học ngày hôm qua, Vị Thầy sẽ rãi tâm từ Metta: “Hãy thành công, hãy thành công, hãy thoát khỏi khổ đau”. Những làn sóng rung động của Metta (Tâm từ) này sẽ đi đến bất cứ nơi nào chúng ta ở. Nhưng cho dù không thông báo cho Vị Thầy, cũng không sao cả. Hãy có đủ tự tin và bắt đầu hành Thiền. Tất cả những làn sóng rung động của Dhamma sẽ đến với chúng ta, luật tự nhiên là thế. Trong từng khoảnh khắc tâm ta không ngừng phát sinh ra, không làn sóng này thì làn sóng khác.
Khi phát sinh ra làn sóng ham muốn, ghét bỏ, lầm lạc hay vô minh, ta bị hòa nhập với các làn sóng cùng loại có mặt trên khắp thế gian này. Ta hòa nhập với các làn sóng ấy và chúng làm gia tăng sức mạnh của sự bất tịnh. Nhưng ngay khi ta làm phát sinh ra làn sóng đối nghịch với ham muốn, đối nghịch với ghét bỏ, đối nghịch với vô minh thì ta hòa nhập với làn sóng Dhamma tương tự. Ta hòa nhập với các làn sóng này và bắt đầu có thêm sức mạnh trong Dhamma. Hãy tu tập với lòng tự tin, có khóa tự tu cho chính mình sẽ cho ta thêm lòng tin. Tối thiểu là một giờ buổi sáng và một giờ buổi tối, 5 phút khi đi ngủ và 5 phút khi thức dậy, rồi mỗi năm ít nhất là một khóa 10 ngày, tối thiểu là như thế.
Nếu có thêm thời giờ, không bắt buộc một thời gian nào, bất cứ khi nào đang làm nhiệm vụ hay có trách nhiệm, chúng ta hãy chú tâm hoàn toàn vào nhiệm vụ và công việc mình đang làm. Không có chuyện để tâm nửa bên trong, nửa bên ngoài. Hãy chú tâm hoàn toàn vào công việc để đạt kết quả tốt đẹp trong cuộc đời này. Nhưng bất cứ lúc nào rãnh rỗi, dù chỉ trong 5 hay 10 phút, ta cứ để mắt mở tự nhiên rồi hướng vào nội tâm nhận biết Aniccā.
Chẳng hạn, khi phải chờ đợi ở nơi nào đó, có ai làm cho ta phải chờ ở chỗ nào đó và ta bắt đầu phát sinh ra tâm bất thiện. Khi làm như thế, ta đang tự làm hại mình và sẽ tiếp tục làm hại mình trong tương lai, tăm tối ngay bấy giờ, tăm tối trong tương lai. Nhưng người hành Thiền Vipassana không như thế, nếu phải chờ thì hãy chờ với cặp mắt mở tự nhiên. Trong thâm tâm ta nhận biết vô thường (Aniccā). Ta đang tự giúp mình ngay bây giờ, giúp cho tương lai của mình tươi sáng ngay bây giờ và tương lai. Hãy tận dụng tối đa thời gian của mình.
Khi đang thi hành phận sự, hãy chú tâm hoàn toàn vào công việc của mình. Nhưng lúc nào rảnh rỗi, hãy quay vào tâm, vẫn nên để mắt mở tự nhiên. Khi ngồi Thiền một mình, ngồi ở nhà hay ngồi chung với các anh chị em Dhamma thì ta nên hành Thiền với cặp mắt nhắm lại. Nhưng nếu đang có mặt người lạ mà ta phải Thiền, hãy luôn luôn Thiền với cặp mắt mở, nếu không sẽ có hại. Không nên phô trương về Dhamma, không nên cố tỏ ra là ta đây là người sống thuận theo Dhamma, ta đây là người hành Thiền giỏi. Điều này sẽ thổi phồng bản ngã, rất có hại. Người khác không cần phải biết là ta đang Thiền với cặp mở tự nhiên và ý thức về cảm giác, cảm giác. Cứ thế, hãy tận dụng tối đa kiếp sống làm người, một kiếp sống thật quý giá, kiếp làm người quý giá biết bao. Phương pháp Thiền này quý giá biết bao.
Hãy tận dụng tối đa cả hai, hãy tiếp tục xem xét mình, xem sự tu tập có mang lại ích lợi cho mình trong cuộc sống hằng ngày hay không? Thử xem có tiến bộ nào không? Không có tiến bộ này thì cũng có tiến bộ kia. Hãy tận dụng tối đa thời giờ buổi sáng và buổi tối một giờ, một giờ bất cứ khi nào có thời giờ rãnh. Có thể ta đã tham dự một khóa 10 ngày rồi, và vẫn còn thời gian rãnh, 3 hay 5 ngày phép hay phép cuối tuần thì hãy mở một khóa tự tu 3 hay 5 ngày.
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.