BÀI GIẢNG NGÀY THỨ TƯ
Không nên đi tìm bất cứ điều gì đặc biệt
Một số người đã bắt đầu tham dự các khóa Thiền. Một trong những người bạn của tôi, là một thương gia rất giàu có, một nhà tư bản công nghiệp, vừa là một thương gia. Chính điều này đã làm một bằng chứng hùng hồn cho thấy ông ta rất khốn khổ. Không phải làm thương mại hay công nghiệp là sai, nhưng cung cách làm ăn lồng trong các công việc đó, kiểu chạy đua dành giựt chỉ để kiếm tiền, tiền, tiền. Cuồng điên trong việc kiếm tiền thế này thật là khốn khổ.
Bởi vì, tôi đã trãi qua kiểu làm ăn này nên tôi biết nó khốn khổ như thế nào rồi và tôi đã thoát khỏi cái khổ đó. Cho nên, tôi bảo ôn ta: “Bạn cũng nên tập thử xem sao”. Ông ta không chấp nhận: “Ồ! Anh đi bởi vì anh nhức đầu Kinh niên. Tôi có bị nhức đầu kiểu đó đâu, tại sao tôi lại phải đi”. Tôi biết ông ta bệnh nhức đầu nặng hơn tôi, vậy mà ông ta không chịu đi. Tôi mất một năm rưỡi để thuyết phục ông ta: “Cứ thử, thử xem sao”.
Và rồi, ông ta đến trường Thiền và thực tập trong suốt 3 ngày. Vào ngày thứ 4, mọi người được dạy Thiền Vipassana. Vào ngày thứ 5, Vị Thầy Đi thị sát một vòng. Một trung tâm Thiền lý tưởng phải có những phòng riêng cho Thiền sinh. Bởi vậy, trung tâm Thiền này cũng toàn là những phòng riêng và Thiền sư phải đến từng phòng để hướng dẫn cho Thiền sinh.
Khi có Thiền sinh Ấn Độ không thông thạo tiếng Miến Điện, Thiền sư phải dẫn tôi theo để phiên dịch. Chúng tôi đến căn phòng của bạn tôi ngồi Thiền.Thầy tôi gõ cửa, bạn tôi mở cửa ra, và câu hỏi đầu tiên chúng tôi hỏi ông ta là:
- Ông có cảm giác gì không?
- Chẳng có cảm giác nào cả
- Không có cảm giác!
Tuy vậy, chúng tôi thấy ông ta cởi cả áo ngoài lẫn áo trong, cái váy đôi khi được quấn lên. Ông ta đang toát mồ hôi.
- Này! Anh đang đổ mồ hôi quá chừng mà
- Đúng! Tôi đổ rất nhiều mồ hôi. Căn phòng nhỏ bé này nóng quá!
- Ồ! Anh cảm thấy nóng. Vậy thì hãy quan sát cái nóng, quan sát sự đổ mồ hôi.
Và người bạn nhìn tôi và nhìn Thiền sư chầm chầm, làm như chúng tôi đùa cợt vậy.
- Quan sát cái nóng ư! Tôi đến đây để quan sát cái nóng, quan sát sự đổ mồ hôi sao! Các Thầy nói cái gì vậy?
- Đây! Anh hãy nghe kỹ. Đây là phương pháp. Từ trước tới giờ, anh phản ứng lại những cảm giác này. Bây giờ, anh phải tập quan sát chúng.
- Tôi đã đến đây. Nếu Thầy làm cho tôi chứng kiến linh hồn hay chứng nghiệm được Thượng Đế thì còn có lý. Ngay cả, nếu tôi thấy được Đức Phật thì còn có lý, dù sao chúng tôi cũng xem Ngài là hiện thân của Thượng Đế toàn năng. Nếu không, thì chẳng có mục đích gì cả! Mục đích của việc quan sát cái nóng là để làm gì?
Mỗi ngày, chúng tôi cố gắng giải thích và hỏi: “Ông có cảm giác nào không?”. Ông ta đều trả lời: “Không có gì đặc biệt cả!”. Không có gì đặc biệt cả! Ông ta đang tìm một cái gì đặc biệt. Tôi cảm thấy thật tội nghiệp cho ông ta. Ông đã đến đây với nhiều khó khăn và cả 10 ngày, ông chỉ toàn đi tìm những gì đặc biệt. Phải là những gì đặc biệt cơ! Thế mà chẳng có gì đặc biệt đến với ông ta cả! Thiên nhiên đã tự biểu lộ, bản chất của cơ thể ông ta đã tự biểu lộ. Sự thật và Dhamma đã tự biểu lộ. Vậy mà người này vẫn không thấy gì cả: “Không! Tôi không muốn thấy điều này. Tôi muốn cái gì đặc biệt, thật đặc biệt cơ”. Sau một năm, ông ta thấy có nhiều người đi tu tập. Người nào về cũng nở một nụ cười, họ hưởng được không lợi lạc này thì lợi ích nọ. Ông ta cảm thấy rất ân hận và cảm thấy mình đã bỏ sót một cái gì đó. Do đó, ông năn nỉ chúng tôi: “Một cơ hội nữa! Làm ơn cho tôi một cơ hội nữa đi! Thiền sư không nhận tôi nữa đâu nhưng bạn làm ơn xin dùm tôi. Bây giờ, nếu bạn bảo tôi quan sát cái nóng, tôi sẽ chỉ quan sát cái nóng, không làm gì khác. Nếu bạn bảo tôi quan sát sự đổ mồ hôi, tôi cũng sẽ làm vậy, không để ý tới điều gì khác”. Và rồi, ông ta trở lại trung tâm, tu tập rất nghiêm chỉnh và tiến bộ rất nhiều trong Vipassana.
Bởi vậy, khi mà còn tìm kiếm những gì đặc biệt thì ta không thể nào thực tập Thiền Vipassana được. Đối tượng quan sát của Thiền Vipassana là bất cứ cái gì xảy ra trong giây phút hiện tại này, thực tại của giây phút này, đúng như thật chứ không phải theo như ý mà ta muốn.Nếu hiểu đúng như thế, ta sẽ ngày càng tiến bộ mà không gặp khó khăn nào. Nhưng nếu cứ tiếp tục làm ngơ với thực tại đang biểu hiện mà chỉ tìm kiếm những gì không có ở đó thì ta không thực hành Vipassana. Vậy hãy nhớ điều này, bất cứ điều gì cảm nhận được trên thân đó là cảm giác, dù là dễ chịu hay khó chịu, mãnh liệt hay yếu ớt. Bất kỳ cảm giác nào đi nữa, ta chỉ quan sát mà thôi. Như thế, ta làm tròn bổn phận của mình rồi, phần còn lại phó mặc cho Dhamma, phó mặc cho thiên nhiên, kết quả sẽ bắt đầu đến.
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.