BÀI GIẢNG NGÀY THỨ CHÍN

Vipassana hay Paññā bắt đầu giúp ta nhìn sự việc toàn diện

Paññā (Trí tuệ) có nghĩa đen là hiểu sự việc từ nhiều mặt khác nhau. Nếu ta cố gắng tìm hiểu vấn đề chỉ từ một khía cạnh, thì đây chỉ là sự thật phiến diện. Sự thật phiến diện luôn luôn là sự thật méo mó, chẳng giúp cho ta được gì cả. Khi ta nhìn vấn đề một cách toàn diện nhiều mặt, ta đang tiến dần đến sự thật trọn vẹn, khi đó, vô minh sẽ mất đi. Có thế, quyết định và hành động của ta mới được sáng suốt và tốt đẹp. Bởi vì ta đang quan sát toàn thể sự thật.

Có một câu chuyện đời xưa, có 5 người mù bẩm sinh, chưa bao giờ thấy voi. Họ được dẫn tới gần một con voi và được yêu cầu xem xét con voi ấy, rồi diễn tả con voi như thế nào. Một người sờ phải chân con voi: “Ô! Tôi biết rồi, con voi giống như cái cột”. Với người mù ấy con voi giống như cái cột. Người khác sờ phải đuôi voi: “Ô! Tôi biết rồi, con voi giống như cái bàn chải hay cái chổi”. Với người mù ấy con voi giống như cái bàn chải hay cái chổi. Cứ thế cả 5 người diễn tả con voi của họ. Ai cũng đúng cả, nhưng chỉ đúng một phần, còn rất xa với sự thật. Cũng vậy, nếu ta cứ nhìn sự vật từ một góc cạnh thì đó chỉ là sự thật phiến diện, sự thật méo mó và mọi quyết định của ta sẽ sai lầm.

Có một khía cạnh rất quan trọng bị bỏ quên, đó là từ lúc mở mắt chào đời, người ta chỉ nhìn ra bên ngoài, mà chẳng bao giờ bận tâm nhìn xem những gì đang xảy ra bên trong. Bây giờ,Vipassana cho ta nhìn một khía cạnh khác: “Có cái gì đó đã xảy ra ở bên ngoài, hãy để tôi xem cái gì đang xảy ra ở bên trong”. Do vậy, ta không còn thấy sự thật méo mó, chỉ có một khía cạnh.

Ít nhất là bây giờ ta đã nhìn qua 2 khía cạnh: bên trong và bên ngoài. Khi tu tập tiến bộ thêm, ta sẽ nhìn sự việc qua thêm nhiều khía cạnh nữa. Nhưng khía cạnh này, ta được nhìn sự vật ở bên trong là một khía cạnh rất quan trọng. Hiện giờ, ta cảm thấy rằng 100% nguyên nhân làm cho ta đau khổ nằm ở bên ngoài. Nhưng khi tiến triển trên con đường giải thoát, ta bắt đầu quan sát những điều ở bên trong. Chẳng bao lâu, sẽ tới một giai đoạn, ta nhận thấy rằng: “Phải, có cái gì đã xảy ra ở bên ngoài, nhưng cũng xảy ra ở bên trong”. Như thế, nguyên nhân làm cho tôi khổ có 50% nằm bên ngoài và 50% nằm ở bên trong. Được rồi, ta đã bắt đầu chịu trách nhiệm 50% và làm điều gì đó để tự sửa đổi 50% này.

Tốt lắm, nếu tu tập Vipassana một cách đúng đắn, chắc chắn sẽ tới lúc, ta nhận ra rằng: “100% nguyên nhân làm cho tôi khổ nằm ở bên trong, không có nguyên nhân nào nằm ở bên ngoài, dù chỉ 1/4 của 1%, 100% nguyên nhân làm cho tôi khổ nằm ở bên trong, không có gì ở bên ngoài có thể làm cho tôi khổ. Cũng như, không có gì bên ngoài có thể làm cho tôi hạnh phúc được, 100% nguyên nhân làm cho tôi thật sự hạnh phúc nằm ở bên trong, 100% nguyên nhân làm cho tôi đau khổ cũng nằm ở bên trong”. Rồi ta bắt đầu tu tập và chú trọng hoàn toàn đến sự việc ở bên trong, khuôn mẫu thói quen suốt một đời bây giờ sẽ thay đổi. Ta sẽ thoát khỏi khổ đau dễ dàng, bởi vì ta đã bắt đầu quan sát nội tâm mình.

Một ví dụ, có người đã làm điều gì đó để hại ta hay vô cùng bất công đối với ta nên ta đưa sự việc ra tòa. Không biết ở đất nước của Quý vị ra sao, chứ ở nước Ấn Độ chúng tôi, khi tranh tụng phải ra tòa mất cả nhiều năm, từ tòa này đến tòa kia, từ tòa thượng thẫm đến tòa án liên bang, đến tòa án tối cao. Giả sử, phải mất 7 năm mới đưa được vụ kiện này đến tòa án tối cao. Chánh án của tòa án tối cao xem xét tất cả hồ sơ và mọi chứng cớ và ra phán quyết là lỗi ở người kia là 100%. Ta không có lỗi gì cả, người kia đáng bị trừng phạt. Được! chánh án đưa là sự trừng phạt đúng theo luật lệ quốc gia.

Nhưng nếu là người có trí, ta bắt đầu nghĩ rằng: “Nếu tôi không có lỗi gì và chánh án của tòa án tối cao phán rằng mình không có lỗi gì cả. Thế thì tại sao tôi bị khốn khổ trong suốt 7 năm qua, cả ngày lẫn đêm, tôi luôn luôn bất an. Phải có luật tự nhiên nào đó. Luật nào của thượng đế toàn năng, giải thích tại sao tôi lại bị trừng phạt như vậy”. Bây giờ, nhờ Vipassana, ta bắt đầu hiểu tại sao mình bị trừng phạt và là người chịu trách nhiệm trong từng khoảnh khắc. Ta giận sôi sục vì điều bất thiện: “Người này, người kia đã làm điều này với tôi, người này, người kia đã làm điều kia với tôi”. Ta là người chịu trách nhiệm và không ngừng giận sôi sục trong lòng.

Ví dụ, có người đến mắng chửi mình. Hắn ta là kẻ thù của mình, hắn không muốn thấy mình được vui mà muốn thấy mình đau khổ nên hắn mắng chửi, nhục mạ mình. Hắn đã mắng chửi một lần làm cho ta khổ rồi đi mất. Giờ đây, chuyện gì sẽ xảy ra? Hắn chỉ muốn thấy ta khổ một lần bởi vì hắn chỉ mắng chửi có một lần thôi. Bây giờ, chuyện gì sẽ xảy ra? Ta đáp ứng lại: “Được, đồng ý, ngươi muốn ta khổ ư? Ta sẽ khổ liên tiếp nhiều giờ, nhiều ngày, nhiều năm”. Đôi lúc, ta còn nói: “Hắn nhục mạ tôi quá sức, suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên”. Suốt đời, ta sẽ không bao giờ quên ư? Ta đang tuân lệnh ai đây? Ta sẽ cứ thế đang lăn lộn trong khổ đau cùng cục suốt cả đời: “Tôi sẽ không quên trong 7 kiếp”, 7 kiếp trong địa ngục, thật là điên rồ, ta đang làm gì vậy?

Trong ví dụ thứ nhất, lỗi lầm về phần chúng ta. Có người mang đến cho ta món quà chửi mới và ta chấp nhận món quà ấy. Nếu có ai ăn nói lỗ mãn, đó là vấn đề của người đó, của ông ấy hay bà ấy, họ đầy những bất thiện, đây là khổ đau của họ. Tại sao ta lại chia sẻ khổ đau đó? Tại sao lại lãnh nhiệm khổ đau đó vào mình, hãy chỉ mỉm cười như Đức Phật: “Được rồi, tôi không chấp nhận món quà của ông. Nếu ông phải chịu khổ sở về việc này, tôi không thể chịu thay cho ông được, tôi sẽ không khổ”. Chính sự chấp nhận món quà này là một sai lầm lớn, nhưng rồi ta cứ lăn lộn trong khổ đau. Ta cứ nhớ: “Ông ta nhục mạ tôi thế này, bà ta nhục mạ tôi như thế này”. Ta cứ tiếp tục diễn đi diễn lại tấm thảm kịch trên sân khấu nội tâm của mình, hết năm này qua năm khác.

Chẳng có ai chịu trách nhiệm về điều này cả mà chính ta chịu trách nhiệm về điều này. Càng chứng nghiệm thực tại bên trong càng nhiều, mọi việc sẽ trở nên hết sức rõ ràng. Tôi chịu trách nhiệm bất cứ khi nào tôi phản ứng, tôi mang khổ đau lại cho tôi. Khi tôi không phản ứng lại bất cứ những gì xảy ra ở bên ngoài, tôi không bị khổ, tôi có thể mỉm cười, sâu tận bên trong, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Khi tôi thay đổi khuôn mẫu thói quen của chính tôi, tôi thoát khỏi khổ đau. Tôi bắt đầu sống một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng việc thay đổi khuôn mẫu thói quen đòi hỏi nhiều sự luyện tập. Mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn, nếu ta tu tập Vipassana một cách đúng đắn và hiểu rõ ràng sự tu tập. ta sẽ hiểu cơ cấu vật chất này nó vận hành ra sao, các cảm giác khác nhau nảy sinh, các phản ứng sinh hóa xảy ra như thế nào.

 

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

 

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

Các bài viết trong sách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *