BÀI GIẢNG NGÀY THỨ BA
Sutta mayā Paññā (Văn tuệ)
Là trí tuệ thụ nhận do nghe được hay đọc cái gì từ người khác, đó là trí tuệ của người khác. Cũng như, khi Bậc Giác Ngộ hay Bậc Thánh Hiền giảng về Dhamma và những lời giảng đó được ghi chép thành Kinh điển. Ta lắng nghe trực tiếp lời giảng hay đọc Kinh điển và chấp nhận các lời giảng đó. Thường thường, ta chấp nhận vì có nhiều đức tin hay kính tín đối với Vị này hoặc có sự tôn kính cao cả đối với Kinh điển này, điều này rất tốt và hữu ích.
Những người chưa từng nghe về Dhamma, hoặc chưa từng đọc một tí gì về chân lý, sẽ còn phải sống trọn đời lầm lẫn. Ít nhất, nếu người đó được nghe nói về Dhamma, thì người ấy cũng được nghe những lời chân chính, đúng đắn. Nhưng nghe về Dhamma cũng chưa đủ, nếu chỉ mới phát triển Sutta mayā Paññā (Văn tuệ) vì điều này vẫn chưa đưa ta đến giải thoát.
Cinta mayā Paññā (Tư tuệ)
Tuy nhiên, Sutta mayā Paññā rất tốt vì nó gây hứng khởi và hướng dẫn ta đến bước kế tiếp là Cinta mayā Paññā (Tư tuệ). Đây là tuệ tư duy do suy luận mà có, hiểu được chân lý, phát triển trí tuệ ở mức độ lý trí. Con người là một sinh vật biết phân tích, lý luận, không muốn chấp nhận mọi việc một cách mù quang. Họ phải dùng khả năng hiểu biết, lý luận của mình: “Những gì tôi vừa nghe, vừa đọc có hợp lý không? có thực tiễn không? Tôi có nên chấp nhận nó hay không?”. Ở mức độ lý trí, con người cố gắng hiểu và dùng lý trí để xét đoán: “Phải! điều này nghe có lý, có tính cách khoa học, có thể chấp nhận được”, và họ chấp nhận. Đây là bước thứ hai của Paññā, một bước rất quan trọng và hữu ích.
Bhāvanā mayā Paññā (Tu tuệ)
Sự ích lợi của bước thứ hai này là nó giúp ta có thêm sự hứng khởi,và biết hướng tiến đến bước thứ ba là Bhāvanā mayā Paññā (Tu tuệ) hay Tuệ giác. Đây là trí tuệ do chính mình chứng nghiệm, là kinh nghiệm trực tiếp. Ta sống bằng trí tuệ này và chính nó sẽ đưa ta đến giải thoát. Hai giai đoạn đầu tiên là Tuệ thụ nhận và Tuệ tư duy rất hữu ích nhưng chúng không đưa ta đến giải thoát. Vào thời xưa, ở Ấn Độ, người ta đã biết hai loại tuệ này rồi. Điều mà Đức Phật khám phá ra chính là giai đoạn thứ ba của Dhamma.
Hãy tự chứng nghiệm giai đoạn này. Có nhiều Vị Thầy đã từng dạy: “Hãy tránh xa lòng ham muốn! Hãy tránh xa tâm ghét bỏ! Tất cả mọi thứ do giác quan cảm nhận đều là ảo giác, giả tạo. Nhưng ta vẫn luôn bị ràng buộc vào chúng, tự gây đau khổ cho chính mình. Hãy thoát ra khỏi sự ràng buộc này! Hết bị ràng buộc thì ta mới hết khổ”.
Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.