BÀI GIẢNG NGÀY THỨ SÁU

Cái gì là lợi ích thực sự cho người khác?

Lợi ích cho người khác là gì? Tôi cho người đói thức ăn, điều này nên làm, điều này tốt. Nhưng đến ngày hôm sau, người này đói trở lại. Tôi cho người khác nước uống, lúc sau đó, người này khác nước trở lại. Tôi cho người bệnh thuốc, người bệnh này có thể bị bệnh khác hay bị cùng chứng bệnh trở lại. Tôi cho người nghèo quần áo, sau một thời gian, y phục ấy rách nát, người ấy ăn mặc rách rưới trở lại. Tôi không thể giúp người ta thoát khỏi mọi khổ đau. Nếu họ có được Dhamma, phương pháp Thiền Vipassana huyền diệu này, họ có thể thoát khỏi hoàn toàn mọi khổ đau, các khổ đau mà họ gặp phải hết kiếp này đến kiếp khác.

Dhamma phải đến với từng người, những người đang bị khổ đau. Ngoài việc hiến tặng Dāna về vật chất, Dāna về Dhamma này quan trọng nhất. Đức Thế Tôn đã dạy: “Trong tất cả các sự bố thí, bố thí Dhamma là cao quý nhất”. Ông Anathapindika đang sống tại Savatthi (Thành Xá Vệ), thành phố đông dân nhất Ấn Độ thời bấy giờ. Khi Đức Phật đang trú tại Rasgheri, ông ta đến đảnh lễ Ngài và hỏi: “Thưa Ngài! Tại sao Ngài lại không đến Savatthi? Có nhiều người ở đây, giàu hay nghèo, ai cũng khổ cả. Thưa Ngài! Nếu có một trung tâm Thiền ở đấy, nhiều người sẽ được lợi lạc. Xin Ngài hãy đến đó!”. Đức Phật đã mỉm cười nên ông ta hiểu là Ngài đã nhận lời.

Trở về nhà, ông ta tìm nơi xây dựng trung tâm Thiền để Đức Phật giảng dạy Dhamma cho dân chúng. Một trung tâm Thiền không nên ở ngay giữa thành phố, với nhiều tiếng động ồn ào, quá xô bồ. Trung tâm cũng không nên ở xa quá đến nỗi người ta khó tới được. Đang lúc tìm kiếm một nơi thích hợp, bình yên nhưng không quá xa thành thị, ông ta gặp một khu vườn, một khuôn viên rất an tĩnh thích hợp hành Thiền.

Ông dò hỏi, biết rằng Hoàng tử Jeta (Kỳ Đà) là chủ nhân khu vườn đó. Ông ta đến gặp Hoàng tử và nói: “Thưa Ngài! Tôi muốn mua khuôn viên của Ngài”. Vị Hoàng tử nổi giận: “Tôi ở đây không phải là để bán khuôn viên ấy. Nó là nơi tôi tiêu khiển, tôi sẽ không bán”. “Xin Ngài vui lòng, tôi phải mua miếng đất ấy bằng bất cứ giá nào”. Để tống khứ ông ấy đi, Vị Hoàng tử nói:

  • Ông có biết giá của miếng đất này không? Ông phải trải tiền vàng đúc lên khắp miếng đất ấy. Đấy là giá của miếng đất.
  • Việc mua bán đã thỏa thuận xong, tôi sẽ trải tiền vàng đúc lên toàn miếng đất ấy.

Ông ấy mang xe chất đầy vàng đúc và bắt đầu trải. Vị Hoàng tử nói:

  • Ông có điên không? Không có mảnh đất nào giá trị đến như vậy. Ông làm gì thế? Ông có điên không?
  • Không! Tôi không điên. Miếng đất này sẽ trở nên rất giá trị. Đức Phật sẽ đến đây giảng dạy Dhamma huyền diệu. Tất cả sự giàu có của tôi không có nghĩa lý gì so với một người nhận được Dhamma, học được phương pháp Thiền Vipassana. Hay dù chỉ một người thoát ra khỏi khổ đau, sự giàu có của tôi không có nghĩa lý gì so với điều ấy. Và tôi biết là không phải chỉ một người mà hàng ngàn người sẽ được lợi lạc.

Như thế, ông ta xây một trung tâm Thiền cho 10 ngàn người có thể ở lại hành Thiền, học hỏi Dhamma. Chủ ý của ông ta là phục vụ người khác. Trước đó, ông ta đã thực hành hạnh hiến tặng Dāna. Bây giờ, Dāna của ông ta là làm sao càng nhiều người được lợi lạc. Ông ta đã hiến tặng không phải để thổi phòng bản ngã của mình mà để giảm bớt và tiêu tan bản ngã, chỉ để phục người khác. Vì Kamma (nghiệp) trong quá khứ, người triệu phú ấy thành kẻ bần cùng trong một thời gian ngắn.

Lúc còn nhiều tiền, ông ta đến trung tâm mỗi ngày sáng và tối ngồi Thiền. Là một Cư sĩ, ông ta hiểu rằng mình không nên đến trung tâm Thiền với tay không, mà phải mang cái gì đến cho những người hành Thiền khác. Mỗi lần đến, ông ta đều đem cái gì cho những người hành Thiền. Bây giờ, là người nghèo, ông ta không có gì để mang đến cả.

Rồi một ý tưởng đến với ông, phía sau nhà có miếng vườn nhỏ. Trong mảnh đất ấy, ông đã tích trữ một số đất rất màu mỡ từ nhiều nơi ở Ấn Độ. Bây giờ, ông ta bốc cả hai tay đầy đất phì nhiêu đến trung tâm. Ông bỏ đất ấy dưới một gốc cây, mong cho cây này tăng trưởng, dưới bóng mát của tàng cây này, mong cho người nào đó nhận được Dhamma, nguyện cho người nào đó có thể hành Thiền. Ông ta có thiện ý này:

“Cho dù một nắm đất hay hàng triệu đồng Rupee, chẳng có gì khác nhau cả mà chỉ có chủ ý mới đáng kể”. Một thời gian sau, ông ta trở thành triệu phú trở lại và cúng dường như xưa. Bây giờ, ông ta đã hiểu Dhamma: “Bất cứ cái gì tôi cúng dường, số lượng không quan trọng, chủ ý của tôi phải là chủ ý vì Dhamma, vì sự tốt lành và lợi ích của người khác, không mong đợi được đền đáp”. Khi người ta chưa biết Dhamma mà cứ hiến tặng Dāna, thì lúc nào cũng thổi phồng bản ngã. Người ta xây một bệnh viện, trường trung học, đại học, nhưng người ấy muốn tặng phẩm của mình được đặt tên là Bệnh viện Goenka, trường Trung học Goenka, trường Đại học Goenka. Tên này phải được viết bằng chữ vàng ngay ở cổng. Thật điên rồ! Người ta chẳng biết mình đang làm gì. Toàn thể chủ ý đã sai, sự hiểu biết về Dhamma đã sai lệch. Chủ ý của người hiến tặng là không mong đợi được đền đáp lại bất cứ cái gì, hiến tặng vì sự tốt lành và lợi ích cho người khác.

Có rất nhiều người đã bắt đầu thay đổi, cảm thấy sự thay đổi trong đời họ, những Cư sĩ tại gia. Một người là bà Visākhā, là con gái của một người rất giàu, kết hôn với một người giàu có khác, nhưng gia đình không hề biết Dhamma là gì cả. Rất thông minh, bà ta đã cải đổi toàn thể môi trường không có Dhamma này. Mỗi người trong nhà, ai ấy đều thực hành Thiền thuần thục. Toàn thể thái độ cả gia đình đều thay đổi. Cả nhà trước kia vốn có nhiều căng thẳng và khổ đau, nay đầy an vui, hòa hợp. Bất cứ nơi nào Dhamma có hiệu quả, Dhamma mang lại an lạc cho mọi người. Đây không chỉ xảy ra trong thời Đức Phật, Dhamma tiếp tục mang lại hiệu quả cho bất cứ ai tu tập và bất cứ khi nào tu tập cũng sẽ có cùng kết quả đó.

 

 

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

 

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

Các bài viết trong sách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *