31. Vô minh sinh khởi như thế nào? Nếu chỉ có chân lý, tình yêu, trí tuệ, kiến thức thì vô minh không thể nào cùng tồn tại?
Đó là điều tôi đã nói, vô minh không thể nào cùng tồn tại. Nhưng hãy xét xem, nếu ta thấy có vô minh trong giây phút hiện tại thì tốt hơn là xóa bỏ nó đi. Như thế, sự thanh tịnh sẽ xuất hiện ngay trong giây phút này. Giây phút này là quan trọng đối với mình hơn là cứ suy tư về nguồn gốc của vô minh. Suy tư về việc ấy là vô nghĩa và nó sẽ trở thành triết lý, không có ích lợi gì.
32. Ai là Vị Thầy của Ngài Ledi Sayadaw?
Không có tài liệu lịch sử nào ghi chép nhưng Ledi Sayadaw có nói Ngài đã đi học Đạo với một Vị Sư ở Mandalay và Ngài học phương pháp Thiền này tại đó. Chúng ta không có tên của các Vị Thẩy Tổ, nhưng phương pháp tu tập này đã có trước thời Ngài Ledi Sayadaw.
33. Đức Phật có ra khỏi nước Ấn Độ để giảng dạy giáo pháp không, như Miến Điện chẳng hạn?
Không có bằng chứng về việc ấy, Ngài chỉ có giảng pháp ở vùng phía Bắc Ấn Độ.
34. Xin hỏi với lòng tôn kính rằng: Làm sao chúng ta có thể nói rằng Đức Phật đã tái phát hiện phương pháp Thiền bị thất truyền này, khi Ngài được truyền dạy và phát nguyện trước một Vị Phật quá khứ? Phải chăng, Ngài cũng đã thành Phật nhờ vào Dhamma bị lãng quên ấy?
Đúng thế, Dhamma bị quên lãng và phải có người tái phát hiện. Khi Quý vị nói là Ngài phát nguyện, lúc ấy, Ngài chưa được dạy Vipassana mà chỉ đủ tư cách được dạy Vipassana. Có nhiều người khi gặp được một Bậc Giác Ngộ hoàn toàn, họ có cảm hứng rất mạnh mẽ và phát khởi ý nguyện rằng: “Ồ, sao chỉ giải thoát một mình ta? Đấng Giác Ngộ này đã giải thoát rất nhiều người. Ta phải đạt đến trình độ trở thành một Bậc Sammā Sambuddha, có khả năng đưa nhiều người đến giải thoát. Và thế rồi, người này bày tỏ ý nguyện ấy với Sammā Sambuddha, Đấng Giác Ngộ hoàn toàn. Vị Sammā Sambuddha lúc bấy giờ sẽ xem xét tâm trí của người này, xem có phải là một tình cảm bộc phát nhất thời hay là sự phát khởi với một sức mạnh.
Nếu người này có một quá trình vô lượng kiếp tu tập trong Dhamma, và bây giờ, đang ở trong giai đoạn nếu được trao truyền Vipassana, người ấy sẽ được Quả Vị Arahan va hoàn toàn giải thoát. Nhưng biết rõ như thế, người này lại nói: “Con không muốn hoàn toàn giải thoát ngay bây giờ. Con muốn phát triển các Pārami dù phải trải qua vô lượng kiếp để có thể giúp đỡ người khác trong từng kiếp sống. Điều này đối với con quan trọng hơn”. Nếu Vị Sammā Sambuddha này thấy rằng đúng là người kia có khả năng như vậy, thì Ngài sẽ không những ban phước lành mà còn nói cho người đó biết sẽ mất thời gian bao lâu sẽ đạt đến giai đoạn ấy. Có nghĩa là Ngài đưa ra một lời tiên tri. Điều này không có nghĩa là người này được truyền dạy Vipassana. Người này có khả năng tiếp thụ Vipassana và đắc Quả Vị Arahan.
Vào kiếp sống cuối cùng, khi người này trở thành Gotama thì lúc ấy còn sự tối tăm. Người ta chỉ nói về Vipassana, chữ “Vipassana” đã hiện hữu trong tài liệu văn học cổ xưa nhất của Ấn Độ như các Kinh Điển, Kinh Vệ Đà (Veda). Và trong số đó, cuốn Kinh cổ nhất là Rig Veda có những lời ca ngợi Vipassana. Nhưng chỉ tồn tại chữ nghĩa, người ta chỉ thực hành các nghi thức, nghi lễ hay chỉ đọc tụng những lời ấy, chỉ đọc tụng suông mà thôi. Giống như việc tụng Kinh vẫn diễn ra trong khóa này. Có người lại đưa ra câu hỏi: “Tại sao phải tụng Kinh này?”.
Đúng vậy, nếu chỉ là đọc tụng suông thì chẳng có hiệu quả gì cả. Nhưng nếu đọc tụng cùng với sự hiểu biết và thực hành thì việc ấy có mục đích nào đó. Nếu ta không tu tập thì đó chỉ là một nghi thức hay lễ nghi. Như thế, thì từ “Vipassana” đã hiện hữu, nhưng chỉ là nghi thức hoặc nghi lễ. Không ai biết Vipassana là gì và làm thế nào thực hành.
Sau khi thử nhiều phương pháp Thiền, người ấy nhờ vào những Pārami trong quá khứ, đã có thể tu tập sâu xa, và khám phá ra kỹ thuật mà thực ra là một phương pháp cổ xưa. Thoạt đầu, khi mới thử nghiệm Vipassana, Đức Phật Gotama đã nói: “Chính trong Dhamma này, trong sự thật này, trong luật mà từ trước tới nay ta chưa bao giờ nghe thấy (đây là một điều mới mẻ). Ồ! Ta đã mở mắt ra (Giờ Ngài đã thấy được Vipassana). Con mắt bên trong đã mở”. Sau đó, Ngài lại nói: “Ồ! Đó là một con đường vĩnh cửu có từ rất xa xưa”. Nó luôn luôn hiện hữu nhưng người ta đã lãng quên, không sử dụng. Khi người ta không sử dụng thì nó bị lãng quên. Một người nào đó trở thành một Vị Phật nhờ tái phát hiện ra phương pháp đó, và trao truyền lại cho những người khác. Cho nên, con đường có sẵn ở đó nhưng bị lãng quên. Rồi có người khám phá ra nó trở lại.
35. Khi có một chúng sinh có những Saṅkhāra dẫn đến sự tái sinh, chúng sinh ấy có thể chọn lựa về hoàn cảnh tái sinh hay hoàn cảnh ấy phụ thuộc vào các Saṅkhāra quá khứ?
Đúng rồi. Do những Saṅkhāra quá khứ. Bất kỳ các Saṅkhāra nào mà ta có từ quá khứ sẽ chịu trách nhiệm về kiếp sống mới. Ở những cõi thấp, có sức mạnh đến nỗi vào phút lâm chung, một trong những Saṅkhāra ấy sẽ nổi lên trong tâm cuối cùng của kiếp sống này. Sự rung động phát sinh do Saṅkhāra ấy phù hợp với sự rung động của một cõi riêng biệt nào đó. Thế là, người ta bị cuốn hút vào cõi ấy. Ta có thể thoát ra bằng cách thực hành Vipassana một cách đúng đắn. Vào giờ phút lâm chung, ngay cả khi còn các Saṅkhāra có hại có thể đưa ta đến cõi thấp kém, thì sự thực hành Vipassana này có sự rung động rất mạnh và kết nối đến với cuộc sống, nơi mà mình có thể thực hành Vipassana. Nó sẽ không đưa ta tới cuộc sống, mà tại đó, mình không thể thực hành Vipassana.
Bởi vì, sự rung động của Vipassana có mặt vào giờ phút cuối cùng của tâm, đây là luật tự nhiên. Ta hòa điệu với những rung động ở những nơi chốn khác nhau tùy theo những rung động do chính mình tạo ra. Cho nên, theo một cách nói, ta có thể chọn lựa nơi sinh ra của mình cũng như không đến những cõi thấp kém. Còn nếu không, ta không có sự lựa chọn nào cả vì mình không thực hành Vipassana. Và một Saṅkhāra nào đó sẽ xuất hiện, cuốn hút mình, rồi đẩy mình đi tái sinh.