BÀI GIẢNG NGÀY THỨ TƯ

Ngày thứ tư đã trôi qua, ta còn 6 ngày nữa để tu tập. Ngày thứ tư quả là một ngày quan trọng, có nghĩa là ngày hôm nay, ta thật sự tu tập Thiền Vipassana. Ba ngày trước, ta chỉ chuẩn bị để đi vào lĩnh vực Thiền Vipassana, lĩnh vực của Paññā (Trí tuệ). Sáu ngày còn lại rất quan trọng, vì với sự hành Thiền chăm chỉ và cần mẫn, ta sẽ vững vàng trong phương pháp Thiền này.

 

Lợi ích của Vipassana so với pháp Thiền khác

Hiện nay, có nhiều phương pháp Thiền nhưng phương pháp này rất khác biệt. Người ta có thể bắt đầu tập Thiền bằng cách suy nghiệm một đề mục (đối tượng) nào đó, một phần của Kinh điển hay lời nói của những Bậc Hiền Nhân, Thánh nhân. Ta tiếp tục suy ngẫm sẽ định được tâm rất dễ dàng và điều này tốt, rất có ích. Hoặc ta đọc ra tiếng hay niệm trong tâm, lặp đi lặp lại liên tục cùng một danh hiệu, một chữ, tâm ta cũng sẽ được định, cách này cũng có ích. Hay ta hình dung đến một hình ảnh, hình dáng của một Vị thần này, Vị Thánh nhân nào đó và ta tiếp tục, liên tục tưởng tượng hình ảnh, hình dáng ấy. Tâm cũng được định và cách này cũng có ích.

Khi được định tâm, ta sẽ thấy có sự thay đổi diễn ra trên bề mặt của tâm với điều kiện là động cơ của sự định tâm không phải là bất thiện. Nhưng sự thay đổi này chỉ xảy ra trên bề mặt của tâm. Với sự nhập định Samādhi rất sâu, sự định tâm có thể đi sâu được đôi chút, nhưng vẫn chưa tới được chiều sâu của tâm. Cái mà tâm lý học Phương Tây gọi là ý thức, là phần bề mặt của tâm, có hiệu quả khi ta hành Thiền bằng cách tụng niệm, hình dung hay quán tưởng.

Những pháp Thiền này không đưa ta được vào nơi sâu thẳm của tâm, nơi tất cả mọi bất tịnh của ta nằm ở đó, ở tận gốc rễ. Những tật xấu này mọc rễ rất sâu trong tâm, đây là kho chứa và nó cũng là một mảnh đất màu mỡ. Ta có thể cắt tỉa một tật xấu nào đó trên phần ngọn cây và có thể đốn cả thân cây nhưng gốc rễ vẫn còn nguyên đó. Một khi gốc rễ vẫn còn thì cây vẫn có thể đâm chồi, nảy lộc trở lại. Khi đâm chồi, nó sẽ lớn lên và ta không thể nào thoát khỏi các tật xấu này.

Đây là sự giác ngộ của Thái Tử Gotama, Ngài đã giác ngộ thành Phật. Bởi vì Ngài hiểu rằng chỉ khi nào ta bứng nhổ tận gốc rễ bất tịnh, hoàn toàn trừ tuyệt được chúng thì ta mới có thể giải thoát được. Ngài đã tìm ra cách loại trừ được chúng và đã tu tập theo cách này để giải thoát. Rồi với tất cả lòng từ bi, yêu thương và thiện chí, Ngài bắt đầu truyền bá cho chúng sinh. Chúng ta đây có duyên may được tu tập đúng phương pháp này. Hôm nay, hầu hết Quý vị đang bước đi những bước đầu tiên của Vipassana, lần đầu tiên được nhúng mình xuống dòng sông Hằng của Dhamma trong tâm và thực tại.

 

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

 

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

Các bài viết trong sách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *